Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phân bón về Việt Nam
Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải quan, đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 139.355 tấn phân bón, chủ yếu đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Malaysia, Nga, Hàn Quốc,… Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi hơn 32,2 triệu USD để nhập khẩu phân bón các loại của Nga với hơn 66.000 tấn. Có thể thấy, phân bón là nguồn thức ăn quan trọng giúp cây phát triển và tạo ra năng suất lớn, vì thế việc nhập khẩu phân bón sẽ bổ trợ cho ngành nông nghiệp khá nhiều. Tuy nhiên, khi nhập khẩu phân bón vào Việt Nam thì doanh nghiệp và chủ đầu tư cần quan tâm một số vấn đề về điều kiện nhập khẩu, giấy phép, thủ tục cũng như quá trình thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn thì Qúy bạn đọc cũng như Doanh nghiệp đang gặp phải tình huống này hãy theo dõi Bài viết sau của Luật Nghiệp Thành.
Khi thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung thì trong từng lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện cụ thể khác. Tương tự đối với hoạt động nhập khẩu phân bón, doanh nghiệp phải xem xét loại phân bón, mục đích sử dụng cũng như đã được Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được phép nhập khẩu.
Nếu như doanh nghiệp đã được ban hành Quyết định và còn trong thời hạn 5 năm sử dụng; hoặc được ủy quyền nhập khẩu phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu thì không cần xin Giấy phép nhập khẩu[1]. Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam bắt buộc phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong các trường hợp sau đây[2]:
- Phân bón để khảo nghiệm;
- Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
- Phân bón sử dụng trong dự án nước ngoài tại Việt Nam;
- Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
- Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
- Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
- Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
- Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, gồm:[3]
– Đơn đăng ký nhập khẩu phân bón; (theo Mẫu số 13)
– Tờ khai kỹ thuật; (theo Mẫu số 14)
– Văn bản của nhà sản xuất về chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và yếu tố hạn chế trong phân bón;
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp; (nếu có)
– Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triễn lãm tại Việt Nam; (nếu có)
– Đề cương nghiên cứu về phân bón đề nghị nhập khẩu; (nếu có)
– Hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài; (nếu có)
* Thẩm quyền cấp: Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
* Trình tự, thời gian giải quyết: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ và nộp đến Cục Bảo vệ thực vật thông qua các hình thức sau:
– Trực tiếp: Cán bộ bên Cục sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ và giải đáp thắc mắc cho phía doanh nghiệp khi đến nộp hồ sơ;
– Trực tuyến hoặc bưu chính: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Cục sẽ xem xét yếu tố đầy đủ và tính hợp lệ của thành phần hồ sơ. Nếu cần điều chỉnh, bổ sung thì phía Cục sẽ thông báo cho doanh nghiệp;
=> Nếu hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón. Nếu từ chối không cấp, phía Cục sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phân bón về Việt Nam”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 36 Luật Trồng trọt 2018
[2] Điều 44.2 Luật Trồng trọt 2018
[3] Điều 20 Nghị định 84/2019/NĐ-CP