THỜI HẠN CHUYỂN NLĐ SANG LÀM CÔNG VIỆC KHÁC
HỎI:
Do nhu cầu sản xuất của công ty nên sắp tới công ty tôi có ý định chuyển một số người lao động (NLĐ) từ vị trí nhân viên kinh doanh sang vị trí nhân viên đóng gói sản phẩm. Cho tôi hỏi công ty tôi được phép chuyển NLĐ sang làm công việc khác hay không?
TRẢ LỜI:
Chào bạn, dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tại, hỏa hoạn, dịch bệnh, sự cố điện nước …hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh NSDLĐ có quyền chuyển NLĐ sang làm công việc khác so với công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ[1]. Do đó, công ty có quyền chuyển một số NLĐ từ vị trí nhân viên kinh doanh sang vị trí nhân viên đóng gói sản phẩm.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, pháp luật quy định NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của NLĐ[2]. Ngoài ra, khi tạm thời chuyển NLĐ sang làm công việc mới phải trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương công việc mới phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng[3].
Cần lưu ý là pháp luật quy định thời gian chuyển việc không được quá 60 ngày cộng dồn trong một năm nếu như chuyển quá thời hạn nói trên phải có sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ[4]. Vì việc chuyển này trái với thỏa thuận trong HĐLĐ và ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ nên pháp luật phải giới hạn về mặt thời gian.
Trường hợp NSDLĐ chuyển NLĐ sang làm công việc khác không đúng lý do, không đúng thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của NLĐ có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân[5]. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân[6].
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Thời hạn chuyển NLĐ sang làm công việc khác”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn: Tổng hợp.
Cập nhật, bổ sung ngày 25.01.2021.
Người bổ sung: Lê Thị Tú Anh.
LS hướng dẫn: Luật sư Thuận.
Cập nhật, bổ sung lần hai ngày 10.02.2022
Người bổ sung lần hai: Lê Tiến Thành
[1] Điều 29.1 BLLĐ 2019.
[2] Điều 29.2 BLLĐ 2019.
[3] Điều 29.3 BLLĐ 2019.
[4] Điều 29.1 BLLĐ 2019.
[5] Điều 11.2 (c) NĐ 12/2022/NĐ-CP.
[6] Điều 6.3 NĐ 12/2022/NĐ-CP.