Thay đổi việc đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2021 và sẽ thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6. Những năm tiếp theo, thông tư áp dụng theo lộ trình năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 áp dụng đối với 02 lớp còn lại là 9 và 12[1]. Trong đó việc đánh giá thành tích học sinh cũng sẽ có sự thay đổi.
1.Thay đổi trong việc xếp loại học lực học sinh
Nhiều môn học nay sẽ không còn cho điểm mà chỉ còn việc đánh giá bằng nhận xét với 02 mức là Đạt hay Chưa Đạt, cụ thể các môn đó là: giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp[2]. Ngoài ra việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số đối với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, trừ các môn học kể trên thì kết quả học tập sẽ được đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì đều phải quy về thang điểm 10[3].
Ở Thông tư 22 việc tính điểm trung bình giờ sẽ không tính điểm trung bình cho tất cả các môn mà chỉ tính điểm trung bình cho từng môn học. Tức là không còn yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để đưa ra mức xếp loại môn học như trước, mà để nguyên bảng điểm có đủ tất cả các môn học[4]. Cùng với thay đổi này, kết quả học tập của học sinh của một học kì hay cả năm học sẽ tính thay 04 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt[5] thay vì là 5 mức: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như bấy lâu nay. Cụ thể:
+ Mức Tốt: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá Đạt. Tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét và điểm số thì có điểm từ 6.5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8.0 trở lên.
+ Mức Khá: tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức Đạt; điểm số các môn 5.0 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình đạt 6.5 trở lên.
+ Mức Đạt: có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt, ít nhất 6 môn có điểm từ 5.0 trở lên; không có môn học nào dưới 3.5 điểm.
+ Mức Chưa Đạt là các trường hợp còn lại.
2.Loại bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến
Những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm, kết quả học tập cả năm đều được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất 06 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt 9,0 điểm trở lên sẽ được khen thưởng danh hiệu “Học sinh Xuất sắc”.
Những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm, kết quả học tập cả năm đều được đánh giá ở mức Tốt sẽ được khen thưởng danh hiệu “Học sinh giỏi”.
Như vậy, ta có thể thấy không còn khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến như những năm học trước nữa[6].
3.Điều kiện lên lớp của học sinh
Học sinh có đủ các điều kiện sau thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:
+ Kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
+ Kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên;
+ Nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).[7]
Như vậy Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có rất nhiều điểm mới, tiến bộ về đánh giá xếp loại học sinh, cũng không còn phân biệt môn chính, môn phụ.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thay đổi việc đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT”
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tuấn Huy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 21 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
[2] Điều 5.3.a Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
[3] Điều 5.3.b Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
[4] Điều 9.1.b Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT; Xem thêm mục danh bạ phần Điểm trung bình môn học hoặc mức đánh giá ban hành kèm theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
[5] Điều 9.2 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
[6] Điều 18.2 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT
[7] Điều 12.1 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT