Thay đổi Giám đốc chi nhánh công ty Quản lý quỹ nước ngoài

Thay đổi Giám đốc chi nhánh công ty Quản lý quỹ nước ngoài

Thay đổi Giám đốc chi nhánh công ty Quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam

Câu hỏi: Công ty tôi là công ty quản lý quỹ nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam hoạt động được 3 năm tại Hà Nội . Năm 2019, Công ty mẹ có quyết định thay đổi giám đốc chi nhánh tại Việt Nam thì thủ tục cần tiến hành như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Dựa trên những thông tin bạn cung cấp Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:

Trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, cùng với xu hướng chung của thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định để bắt kịp xu thế cụ thể như chính sách keo gọi nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường Việt Nam.

Để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì nhà nước ta cũng đã và đang tiến hành những chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện liên quan đến hồ sơ, thủ tục cụ thể như: thủ tục đăng ký, thay đổi Giấy phép kinh doanh; đăng ký, điều chỉnh hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện tại Việt Nam,…Ta cũng có thể hiểu được rằng, bởi vì  đây là nhà đầu tư nước ngoài nên những chính sách của pháp luật Việt Nam có phần khắt khe và giới hạn nhất định về các ngành nghề kinh doanh hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Đồng thời, nhà tư nước ngoài với sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, cho nên khi vào Việt Nam thì những quy định pháp luật về đầu tư ít nhiều gây nên những khó khăn  nhất định. Đây là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp của bạn, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:

  1. Người được bổ nhiệm làm giám đốc:

Trước tiên cần xác định người được bổ nhiệm lên làm Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam là người Việt Nam hay người nước ngoài tùy theo từng trường hợp mà pháp luật có quy định khác nhau cụ thể:

– Trong trường hợp người được bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh này là công dân nước ngoài thì trước tiên cần phải đảm bảo điều kiện lao động tại Việt Nam, vấn đề này bạn có thể tham khảo bài viết sau: Điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam.

– Nếu là người có quốc tịch Việt Nam thì không cần đảm bảo các điều kiện nêu trên.

Document

– Giám đốc chi nhánh mới được bổ nhiệm, dù là người có quốc tịch nước ngoài hay quốc tịch Việt Nam đều phải đảm bảo đủ điều kiện sau để đảm nhận vị trí Giám đốc chi nhánh[1]. Cụ thể:

  • Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt tù hoặc bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh theo quy định pháp luật cụ thể đối với trường hợp này bạn cần chuẩn bị bản lý lịch tư pháp;
  • Không bị xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
  • Vì đây là chức danh Giám đốc-vị trí rất quan trọng, người đứng đầu lãnh đạo chi nhánh nên cần có ít nhất 04 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hoặc bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;
  • Có Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hoặc có một trong các văn bằng, chứng chỉ quốc tế của tổ chức hợp tác và phát triển OECD; chứng chỉ CFA bậc II,…
  1. Hồ sơ bao gồm:

– Hồ sơ, trình tự đề nghị điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh thực hiện tương tự  theo quy định của điều chỉnh Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài[2].

Theo đó hồ sơ gồm[3]:

  • Giấy đề nghị điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ ký ( đại diện có thẩm quyền ở đây là Chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Giám đốc điều hành hoặc Tổng Giám đốc của công ty mẹ; hoặc những người trên đây ủy quyền[4]);
  • Quyết định về việc thay đổi Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của công ty mẹ ký;
  • Tài liệu chứng minh Giám đốc chi nhánh miễn nhiệm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước Việt Nam (cụ thể trong trường hợp này bạn có thể xin xác nhận quá trình đóng thuế của người miễn nhiệm tại cơ quan thuế nơi chi nhánh đóng thuế hằng năm);
  • Hồ sơ cá nhân của người dự kiến được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh tại Việt Nam, bao gồm:
    – Bản cung cấp thông tin theo mẫu[5];
    – Bản sao có chứng thực giấy chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu còn hiệu lực hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác.
  • Tài liệu chứng minh chứng minh Giám đốc chi nhánh mới bổ nhiệm đủ điều kiện để đảm nhận vị trí này.

– Bạn cần chuẩn bị 02 bộ hồ sơ nêu trên trong đó 01 bản bằng tiếng Việt và 01 bản tiếng nguyên xứ (là tiếng của nước công ty mẹ thành lập, đặt trụ sở chính ) kèm theo tệp thông tin điện tử.

– Lưu ý: Đối với bản tiếng nguyên xứ đối với các giấy tờ tài liệu của công ty mẹ cần được dịch ra tiếng Việt bởi tổ chức có chức năng dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc được dịch ra bởi tổ chức khác nhưng được tổ chức hoạt động dịch thuật hợp pháp tại Việt Nam công nhận là đúng, đầy đủ nội dung của bản tiếng nguyên xứ.

  1. Nơi nộp hồ sơ:

Đối với các vấn đề xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động hay điều chỉnh chi nhánh tại Việt Nam thì bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Hà Nội), bạn có thể nộp trực tiếp nếu ở gần đó hoặc gửi qua đường bưu điện nếu bạn không có điều kiện nộp trực tiếp[6].

Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giải quyết yêu cầu của bạn trong vòng 07 ngày, và nếu bị từ chối bạn thì bạn sẽ nhận được công văn từ chối và nêu rõ lý do. Về kết quả giải quyết yêu cầu bạn có thể nhận trực tiếp tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc nhận qua đường bưu điện.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Thay đổi Giám đốc chi nhánh công ty Quản lý quỹ nước ngoài”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Phạm Văn Trình

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Khoản 3 Điều 11 Nghị định 86/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Điều 14 Nghị định 151/2018/NĐ-CP

[2] Khoản 2 Điều 16 Thông tư 91/2013/TT-BTC

[3] Điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư 91/2013/TT-BTC

[4] Khoản 4 Điều 2 Thông tư 91/2013/TT-BTC

[5] Phụ lục 2 Thông tư 91/2013/TT-BTC

[6] Khoản 2 Điều 14 Thông tư 91/2013/TT-BTC

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*