Thanh toán bằng tiền điện tử Mobile Money

Thanh toán bằng tiền điện tử Mobile Money

Thanh toán bằng tiền điện tử Mobile Money

Trong những năm gần đây, lượng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã tăng lên đáng kể. Ngoài các cách TTKDTM thường thấy như là dùng ví điện tử, thanh toán qua thẻ ngân hàng hay thông qua các ứng dụng mobile banking của các ngân hàng,… thì mới đây, Chính phủ đã cho phép thí điểm loại hình thanh toán dùng tài khoản viễn thông (Mobile-Money) nhằm đáp ứng nhu cầu TTKDTM và kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Đây là loại hình thanh toán phổ biến đã có mặt trên 95 quốc gia trên thế giới như là Mỹ, Úc, Trung Quốc, các nước Châu Âu và đặc biệt phổ biến ở các nước Châu Phi. Tại Việt Nam thì còn khá mới lạ nên chắc hẳn người dân sẽ chưa nắm rõ được cách sử dụng, lợi ích hay điểm khác biệt của Mobile-Money so với các cách thanh toán khác.

Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung trên.

Mobile-Money là dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động dùng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.[1]

  1. Điều kiện sử dụng[2]

– Người dùng đăng ký tại các nhà mạng được cho phép như là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội – Viettel; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

– Người dùng phải cung cấp được số CMND/CCCD/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động. Thuê bao phải là chính chủ, được xác thực.

– Số di động này phải hoạt động ít nhất 3 tháng cho tới thời điểm đăng ký.

– Mỗi người chỉ được mở 1 tài khoản Mobile-Money tại nhà mạng cung cấp dịch vụ này.

  1. Sử dụng Mobile-Money

Tuy gắn với thuê bao di động nhưng tiền này sẽ được tách biệt với tiền trong tài khoản di động bình thường bởi vì mục đích và cách sử dụng của chúng khác nhau. Hơn nữa, tiền trong tài khoản di động bình thường còn có các khoản khuyến mãi nên sẽ không đảm bảo được tỷ lệ chuyển đổi 1:1 từ tiền mặt sang tiền điện tử.

Người dùng được thực hiện:[3]

–  Nạp tiền vào tài khoản Mobile-Money: Người dùng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản từ các điểm cung cấp dịch vụ hoặc nạp từ tài khoản ngân hàng/ví điện tử.

– Rút tiền từ tài khoản Mobile-Money: Có thể rút tiền mặt từ tài khoản tại các điểm cung cấp hoặc rút về tài khoản ngân hàng/ví điện tử.

Document

– Sử dụng Mobile-Money để thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ tại các doanh nghiệp chấp nhận hình thức thanh toán này.

– Chuyển tiền giữa các tài khoản 2 Mobile-Money trong cùng hệ thống của nhà mạng, giữa tài khoản Mobile-Money với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử do nhà mạng đó cung cấp dịch vụ.

Hạn mức giao dịch:[4] Không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Có thể thấy hạn mức giao dịch của Mobile-Money thấp hơn nhiều so với các hình thức TTKDTM khác ví dụ như ví điện tử MOMO thì hạn mức rút tiền/thanh toán đã là 30.000.000/ngày. Hạn mức thấp bởi vì đang là thời gian thí điểm, nhà nước cần có thời gian để xác định mức sử dụng của người dùng như thế nào để đưa ra những phương án hợp lí sau khi kết thúc thí điểm. Hơn nữa, nhà nước cũng sẽ dễ quản lí hơn với hạn mức này, tránh việc lợi dụng các giao dịch cao để rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo,…

Phạm vi:[5]

–  Về địa lý: Áp dụng trên toàn quốc, ưu tiên tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.

Ở những vùng này, người dân thường không theo kịp với sự phát triển của công nghệ số vì lí do địa lý. Hơn nữa, ở đây mạng Internet cũng bị hạn chế và số người có tài khoản ngân hàng cũng không nhiều nên nếu dùng các hình thức thanh toán như thẻ ngân hàng, mobile banking, ví điện tử,… cũng sẽ không hiệu quả. Trong khi đó, mọi người thường sẽ có điện thoại di động nên việc tích hợp sử dụng Mobile-Money rất hợp lí để người dân tiếp cận được hình thức TTKDTM này.

Về phạm vi giao dịch: Áp dụng đối với giao dịch trong nước và không được thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Các hành vi bị cấm:[6]

– Sử dụng các hình thức khác để nạp/rút tiền từ tài khoản Mobile-Money; sử dụng Mobile-Money cho các hoạt động khác mà không phải là nạp/rút tiền, thanh toán, chuyển tiền. Điều này nhằm tránh các nguy cơ lợi dụng Mobile-Money để thực hiện các giao dịch trái pháp luật.

– Sử dụng Mobile-Money cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và hành vi vi phạm pháp luật khác.

– Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money, thông tin tài khoản Mobile-Money. Vì mỗi thuê bao chính chủ chỉ được mở một tài khoản Mobile-Money nên nếu mua bán, trao đổi tài khoản này sẽ làm lộ thông tin người dùng trước, có thể bị dùng giao cho mục đích xấu.

Vậy lợi ích của việc sử dụng mobile money là gì?

Đây là hình thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ rất tiện lợi và nhanh chóng như là mua thức ăn, quần áo, thanh toán điện , nước,.. . Nó giúp nhiều người dân tiếp cận được cách TTKDTM một cách chính thống. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ số của nền kinh tế nước ta; giúp nhà nước kiểm soát được lượng lưu thông tiền trong nền kinh tế để có những chính sách điều tiết phù hợp.

Sử dụng Mobile money khác gì so với Ví điện tử, Mobile banking, Thẻ ngân hàng,…?

Trong khi các hình thức khác cần phải có mạng Internet hay điểm ATM thì Mobile-Money có thể nhận tiền, lưu trữ thông tin và thanh toán từ tài khoản trên điện thoại di động ở bất cứ đâu có tín hiệu điện thoại di động. Hơn nữa, sử dụng mobile money không bắt buộc phải liên kết với thẻ ngân hàng, một điểm rất tiện lợi vì hiện nay có đến 69% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng[7]. Cho nên Mobile-Money sẽ tiếp cận được với hầu hết người dân đặc biệt là những người chưa mở tài khoản ngân chưa thẻ ngân hàng, những người lớn tuổi,… Như vậy, với số lượng điểm giao dịch lớn của các nhà mạng như hiện nay thì dịch vụ này cũng sẽ nhanh chóng được phổ biến, lan rộng.

Tuy vậy, để phát triển tốt nhất cách thanh toán này thì sau thời gian thí điểm, nhà nước cần phải có các quy định chính thức để dễ dàng quản lý việc thực hiện cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; việc bảo mật thông tin của người dùng, hay các nguy cơ tiềm ẩn như là rửa tiền,…

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Thanh toán tiền điện tử Mobile-Money”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg

[2] Điều 1.II.2 Quyết định số 316/QĐ-TTg

[3] Điều 1.III.1 Quyết định số 316/QĐ-TTg

[4] Điều 1.III.2 Quyết định số 316/QĐ-TTg

[5] Điều 1.II.3 và Điều 1.II.4 Quyết định số 316/QĐ-TTg

[6] Điều 1.IV Quyết định số 316/QĐ-TTg

[7] Thống kê của Ngân hàng Nhà nước

Document
Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*