Thành lập trường mầm non tư thục
Cập nhật, bổ sung ngày 31/7/2024
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.326 trường mầm non, bao gồm cả công lập và tư lập. Tuy nhiên trường mầm non tư thục lại giữ vai trò quan trọng khi đáp ứng được nhu cầu về thời gian giữ trẻ dài và chất lượng chăm sóc tốt. Vậy để thành lập trường mầm non tư thục thì cần thực hiện thủ tục gì? Hoạt động cấp phép đối với thủ tục này được quy định như thế nào?
THỦ TỤC 1 – XIN QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TRƯỜNG:
1. Điều kiện[1]:
– Có đề án thành lập trường;
– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục tại địa phương;
– Có đủ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy, trông coi, nhóm trẻ;
– Có địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phục vụ cho việc hoạt động;
– Có nguồn lực tài chính và phương hướng chiến lược xây dựng, phát triển.
2. Hồ sơ chuẩn bị[2].
STT | Tên văn bản | Ghi chú |
1 | Tờ trình đề nghị thành lập | Nêu rõ sự cần thiết và tình khả thi thành lập trường |
2 | Đề án thành lập trường | Ghi chú tổng số vốn thực tế trong kế hoạch giáo dục trong vòng 03 năm đầu và các năm tiếp theo |
3. Trình tự thực hiện[3]
– Thông qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại UBND quận, huyện;
– Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND quận, huyện sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành liên quan để thẩm định và ra quyết định cho phép thành lập trường mầm non tư thục.
*Nếu không cho phép, Chủ tịch UBND quận, huyện sẽ ra văn bản trả lời lý do từ chối.
THỦ TỤC 2 – XIN CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
1. Điều kiện[4]
– Có quyết định cho phép thành lập/quyết định thành lập;
– Điều kiện về đất đai, trường, cơ sở vật chất, thiết bị (Tham khảo quy định về điều kiện tại đây)
– Điều kiện về cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên
Thao khảo bài viết “Tiêu chuẩn hiệu trưởng trường mầm non tư thục”
– Điều kiện tài chính: do cá nhân hoặc chủ đầu tư tự góp vốn thành lập và hoạt động, nhà nước không đầu tư trong vấn đề này[5].
– Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục[6].
2. Hồ sơ[7]:
STT | Tên VB | Ghi chú |
1 | Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động | |
2 | Quyết định cho phép thành lập/Quyết định thành lập | Bản sao được cấp từ sổ gốc; bản sao có chứng thực; bản sao kèm bản chính |
3 | Danh sách cán bộ, đội ngũ giáo viên | Ghi cụ thể công việc; trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc giữa nhà trường và giáo viên, cán bộ. |
4 | Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho chương trình giáo dục | |
5 | Danh mục phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất trang thiết bị | Đáp ứng các điều kiện[8]. |
6 | Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng thuê địa điểm làm trụ sở; | Hợp đồng thuê được ký tối thiểu 05 năm |
7 | Sao kê ngân hàng hoặc tài liệu khác xác nhận về số tiền hiện có của nhà trường, nhà trẻ | |
8 | Phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo | Đảm bảo duy trì ổn định trong giai đoạn 5 năm, bắt dầu từ khi được tuyển sinh |
9 | Quy chế tổ chức và hoạt động của trường |
3. Trình tự thực hiện:[9]
– Gửi bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Giáo dục và Đào tạo;
– Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các phòng, ban ngành chuyên môn có liên quan để tổ chức thẩm định và ra Quyết định cho phép hoạt động giáo dục
*Nếu từ chối thì sẽ ra văn bản trả lời nêu rõ lý do
Lưu ý: Sau thời gian 02 năm kể từ ngày Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực mà trường mầm non vẫn không được cấp phép hoạt động giáo dục thì Quyết định cho phép thành lập hoặc Quyết định thành lập trường mầm non sẽ bị hủy bỏ
Trên đây là tư vấn về “Thành lập, cấp phép hoạt động trường mầm non tư thục”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được góp ý bổ sung.
Người biên tập: Trần Thị Duyên
Luật sư hướng dẫn: Nguyễn Ngọc Thuận
Cập nhật, bổ sung ngày 31/7/2024
Người cập nhật, bổ sung: Quách Gia Hy
[1] Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP
[2] Điều 4.2 Nghị định 46/2017/NĐ-Chính phủ; Điều 1 và Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP
[3] Điêu 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Điều 1.1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP
[4] Điều 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP
[5] Điều 101 Luật Giáo dục 2019
[6] Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT
[7] Điều 6.2 Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Điều 1.3 Nghị định 135/2018/NĐC-
[8] Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT
[9] Điều 6.3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Điều 1.3 Nghị định 135/2018/NĐ-CP