Tàn phá Rừng nguyên sinh và quả báo con người

Tàn phá Rừng nguyên sinh và quả báo con người

Tàn phá Rừng nguyên sinh và quả báo con người

Nhắc đến rừng, ta đều biết đây là nơi bắt nguồn sự sống, là mái nhà chung của muôn loài trên Trái Đất này. Rừng cũng được gọi là lá phổi xanh của Trái Đất, nhưng lá phổi xanh này đang bị tổn hại trầm trọng, đặc biệt loại rừng nguyên sinh đóng vai trò quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu cũng đang dần mất đi. Theo thống kê, có gần 70% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới đã bị hủy hoại[1], trong khi đó đây là lá chắn quan trọng và có ý nghĩa sinh thái nhất của Trái Đất. Đây là một điều đáng để chúng ta suy ngẫm, bởi rừng nguyên sinh với đặc điểm là rộng lớn, tạo độ che phủ, bảo tồn sinh vật, lưu trữ hạt giống, nguồn gen của thực vật, động vật, chưa bị con người tác động. Do đó, mới được gọi là nguyên sinh, nhưng con người đang khiến cái tên rừng nguyên sinh không còn xứng đáng với tên gọi vốn có của nó. Mà đã trở thành rừng thứ sinh[2], hoặc hoàn toàn biến mất và hiện tại chỉ chiếm khoảng 26% diện tích rừng tự nhiên của thế giới[3]. Để có thể trở về trạng thái ban đầu thì phải mất hàng thập kỷ đến tận hàng thế kỷ để hồi phục. Trong thời gian dài đằng đẵng để hồi phục và cân bằng trở lại, con người nên biết rằng mình sẽ không tránh những khỏi biến động dữ dội của thiên nhiên.

Nhưng những số liệu thống kê chỉ hiện hữu trên trang giấy, báo đài, tivi, v.v… khiến chúng ta chưa thực sự cảm nhận được hậu quả do mất rừng. Mà khi cuộc sống của con người bị ảnh hưởng, không còn như trước thì hậu quả mới thực sự hữu hình. Đó là khi khí hậu biến đổi, nơi không có giọt mưa, hạn hán kéo dài; nơi thì lại mưa quá nhiều, dẫn tới bão lụt. Nơi đã nóng lại càng nóng; đã lạnh thì càng lạnh hơn. Không khí ô nhiễm, sức khỏe con người suy giảm. Thiên tai triền miên, dịch bệnh kéo dài, nhiều mầm bệnh mới xuất hiện. Hay chỉ một giống loài động, thực vật nào đó biến mất mà thậm chí ta còn chưa được thấy tận mắt. Có lẽ có kể cũng không kể hết được, bởi vì trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều vấn đề trầm trọng hơn nếu mọi thứ vẫn còn tiếp diễn.

Document

Nguồn: BBC, Bão số 9 năm 2020 tại Việt Nam

Ta cũng nên nhớ rằng, con người không thể sống đơn độc trên hành tinh này, và hành tinh này cũng không phải của riêng con người. Chúng ta không phải tự nhiên mà sinh ra, tự nhiên mà có thể tự lực sinh sống, mà chúng ta là một phần của hệ sinh thái, nhờ đó mà ta mới tồn tại đến bây giờ. Khoảng 13,8 tỷ năm trước, từ vụ nổ Big Bang mang tới sự sống, hình thành nên vũ trụ, các ngôi sao, trong đó Trái Đất theo thời gian cũng được hình thành. Và chúng ta-con người cũng được hình thành từ những bụi sao như những sinh vật khác. Do đó, khởi điểm đều như nhau, và đến hiện tại chúng ta cũng đều chung sống trên một hành tinh. Vì thế, con người chúng ta không phải là quan trọng nhất mà ngôi nhà che chở chúng ta mới là quan trọng.

Nhưng con người chúng ta coi rừng là gì? Chúng ta xem rừng là một lẽ thường, vốn đã tồn tại để chúng ta khai phá. Tổ tiên con người từ lâu đã sinh sống, cư ngụ và được che nắng, che mưa bởi rừng, xem rừng nơi ẩn nấp kẻ thù dữ tợn. Khi đã đạt được sự văn minh, con người lại rời bỏ rừng để xây dựng cuộc sống của mình. Nhưng rồi, chính con người cũng quay lại rừng, không phải để biết ơn hay gây dựng rừng mà để tàn phá rừng, còn giết hại đứa con của rừng. Chúng ta, khai thác rừng không có điểm dừng, rừng cũng đáp trả chúng ta bao báu vật hơn cả sự hào phóng mà đáng ra ta được nhận. Nhưng có lẽ, khi đạt đến điểm cực đại, không còn rừng nữa, thì liệu đến lúc đó chúng ta có nhớ đến hình hài của rừng nữa không? Con cháu chúng ta liệu có thể còn tận mắt cảm nhận một sinh vật rừng bằng da bằng thịt thay vì một tiêu bản vô hồn không?

Nguồn: VnExpress

Như câu nói “Thiên nhiên không cần con người, con người mới cần thiên nhiên” được nhắc đi nhắc lại tại loạt video nằm trong dự án “Nature Is Speaking” của Conservation International. Thực chất, mọi lời nói, tuyên truyền cứu rỗi mẹ thiên nhiên hiện nay mà chúng ta nhắc đi nhắc lại không phải là để bảo vệ thiên nhiên mà mục đích thực chất là để cứu lấy con người chúng ta mà thôi. Bởi, dù thiên nhiên có bị tàn phá thế nào, dù có phải mất hàng thế kỷ đi chăng nữa, thì sau mọi sự biến động ấy, sự cân bằng cũng sẽ về lại đúng chỗ. Chỉ có con người, khi đối mặt với sự mất cân bằng đó, liệu có thể chống chọi mãi trước sức mạnh của tự nhiên hay không?

[1] Thông tin từ Báo kinh tế môi trường, truy cập ngày 10/03/2021, https://kinhtemoitruong.vn/gan-70-dien-tich-rung-nguyen-sinh-tren-the-gioi-da-bi-huy-hoai-53598.html

[2] Là rừng bị tàn phá, chịu sự tác động của con người

[3] Thông tin từ Báo kinh tế môi trường, truy cập ngày 09/04/2021, https://kinhtemoitruong.vn/rung-nguyen-sinh-la-gi-va-tai-sao-chung-ta-nen-bao-ve-chung-54360.html

Document
Categories: Môi Trường

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*