Sử dụng ngư cụ bị cấm khi khai thác thủy sản
Năm 2018 vừa qua, xuất khẩu thủy sản đạt đến con số 09 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay, tăng 8,4% so với năm 2017) với sản lượng 7,74 triệu tấn. Trong đó có 3,59 triệu tấn đến từ hoạt động khai thác (tăng 6% so với năm 2017)[1]. Hoạt động khai thác thủy sản đang dần chứng tỏ được tầm quan trọng của mình trong cơ cấu GDP của cả nước.
Đi cùng với sự khởi sắc của kết quả khai thác là thực trạng vơ vét, tận diệt nguồn thủy sản – điển hình là việc sử dụng các ngư cụ bị cấm (đại đa số là việc sử dụng mắt lưới[2] nhỏ…) để thu được khối lượng thủy sản lớn hơn. Điều này trực tiếp gây hại không nhỏ cho môi trường nói chung và nguồn lợi thủy sản nói riêng.
Ngư cụ là các dụng cụ được sử dụng để khai thác thủy sản. Bao gồm những dụng cụ thô sơ như lao, xiên, cần câu, vợt…cho đến những dụng cụ chuyên dụng như lưới, lồng, đáy…
Ngư cụ bị cấm[3] là những ngư cụ nếu dùng để khai thác có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, do đó sẽ bị hạn chế hoặc cấm sử dụng. Dưới đây là các loại ngư cụ bị cấm:
Ngư cụ bị cấm sử dụng gắn liền với nghề nhất định
Tổ chức cá nhân hoạt động các nghề này sẽ bị xử lý nếu sử dụng những loại ngư cụ nhất định trong phạm vi được quy định:
TT | Nghề, ngư cụ cấm | Phạm vi |
1 | Nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc) | Vùng ven bờ |
2 | Nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn…) | Vùng ven bờ[4]; vùng nội địa[5] |
3 | Nghề, ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) | Vùng ven bờ |
4 | Nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm. | Vùng ven bờ; vùng nội địa |
Ngư cụ cấm sử dụng ở biển[6]
Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở biển mà có sử dụng các loại ngư cụ được liệt kê dưới đây thì phải đảm bảo kích thước mắt lưới tối thiểu (kích thước mắt lưới tại bộ phận tập trung cá phải lớn hoặc bằng kích thước quy định) dưới đây:
TT | Tên loại ngư cụ | Kích thước mắt lưới quy định (2a[7] (mm))
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
|
1 | Rê trích | 28 |
2 | Rê thu ngừ | 90 |
3 | Rê mòi | 60 |
4 | Vây, vó, mành, rút, rùng hoạt động ngoài vụ cá cơm | 20 |
5 | Các loại lưới đánh cá cơm | 10 |
6 | Lưới kéo cá: | |
– Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m | 34 | |
– Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên | 40 | |
7 | Lưới chụp | 40 |
Ngư cụ cấm sử dụng ở vùng nội địa
Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở vùng nội địa mà có sử dụng các loại ngư cụ được liệt kê dưới đây thì phải đảm bảo kích thước mắt lưới tối thiểu tương ứng:
TT | Tên loại ngư cụ | Kích thước mắt lưới quy định (2a (mm)) |
1 | Lưới vây | 18 |
2 | Lưới kéo | 20 |
3 | Lưới rê (lưới bén…) | 40 |
4 | Lưới rê (cá linh) | 15 |
5 | Vó | 20 |
6 | Chài các loại | 15 |
Lấy ví dụ điển hình là lưới, lưới sẽ có nhiều loại lưới với kích thước mắt lưới khác nhau. Mắt lưới hiểu đơn giản là kẽ hở được tạo nên bởi 04 nút lưới, có tác dụng giữ thủy sản (cá) lại khi cá chui vào lưới. Sử dụng lưới có mắt lưới càng nhỏ thì sẽ càng thu được nhiều cá. Do đó nếu sử dụng mắt lưới nhỏ, cá con, cá nhỏ (chưa đến độ thu hoạch) sẽ có thể bị mắc vào lưới. Việc khai thác không chọn lọc như trên sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cá trưởng thành ở tương lai. Chưa kể là việc sử dụng lưới có mắt lưới không đúng theo quy định còn có thể làm ảnh hưởng đến các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Ở một số quốc gia còn có quy định hạn chế hoặc cấm khai thác các thủy sản đang trong quá trình sinh sản (cá đang ấp trứng trong miệng, cua đang có trứng ở yếm…).
Vì ham lợi nhuận, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân dùng ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản. Hành vi này là một trong những yếu tố gây ra sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản – một trong các tác nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Trước thực trạng này, pháp luật đã phải vào cuộc để điều chỉnh. Với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự như sau:
- Phạt hành chính
Thông thường, đối với hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm, nếu chưa đến mức xử lý hình sự[8] thì cá nhân sẽ bị phạt hành chính từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng[9]. Mức phạt hành chính đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt của cá nhân[10].
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thế bị tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 – 06 tháng.
- Xử lý hình sự:
Nếu hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 – dưới 500.000.000 đồng; hoặc thủy sản thu được có giá trị từ 50.000.000 – dưới 200.000.000 đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi bị cấm của Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản[11] thì tùy theo hành vi và mức độ nghiệm trọng của hành vi mà cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 – 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù đến 10 năm; tổ chức có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 – 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng – 03 năm.
Pháp nhân thương mại nếu vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 – 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề Sử dụng ngư cụ bị cấm khi khai thác thủy sản.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 24.12.2018. Hội nghị Tổng kết năm 2018 và Triển khai nhiệm vụ năm 2019. Hà Nội.
[2] Hiểu đơn giản, mắt lưới là kẽ hở được tạo nên bởi 04 nút lưới. Có tác dụng giữ cá lại khi cá chui vào lưới.
[3] Tham khảo về các loại ngư cụ bị cấm tại Phụ lục II, Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT.
[4] Vùng ven bờ là vùng được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biền và các đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm với kinh độ và vĩ độ xác định. Để tìm hiểu thêm về ranh giới vùng ven bờ, bạn đọc có thể xem bài viết “Quy định về vùng khai thác thủy sản”.
[5] Là vùng nước nằm phía trong đường cơ sở của Việt Nam, bao gồm vùng nước ven bờ, vùng nước của các ao, hồ, sông, suối…nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Đường cơ sở là đường ranh giới giữa vùng nội thủy và lãnh hải. Đường cơ sở do quốc gia có biển định ra nhưng phải đảm bảo phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Đường cơ sở của nước ta do Chính phủ công bố thông qua Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982, kéo dài từ đảo Cồn Cỏ đến cửa Vịnh Bắc Bộ. |
[6] Là vùng nước nằm ngoài ranh giới đường cơ sở.
[7] 2a là chiều dài hai cạnh liên tiếp của mắt lưới.
[8] Xem Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015.
[9] Điều 27 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
[10] Điều 5.2 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
[11] Điều 242 Bộ luật Hình sư 2015.