Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bỏ từ ngày 01/01/2023.
Trước khi năm 2023 bắt đầu đã có nhiều quy định pháp luật mới được ban hành, trong đó quy định về việc “khai tử” sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy là một quy định được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Nay, thông qua bài viết sau Luật Nghiệp Thành sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không phải là lược bỏ đi thủ tục đăng ký của người dân, thay vào đó là hướng đến sự thay đổi trong công tác quản lý thông tin cư trú của người dân. Cụ thể, Nhà nước sẽ không thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý mà thay thế bằng phương thức điện tử. Bên cạnh đó, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu vậy, người dân sẽ xuất trình giấy tờ nào để thay thế[1]?
1. Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân
Đây là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân, bao gồm đầy đủ các thông tin về họ tên, giới tính, ngày sinh, đặc điểm nhận dạng, quê quán cũng như địa chỉ thường trú. Tuy nhiên, trước khi sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử thì người dân nên thực hiện thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân gắn chip. Bởi lẽ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các Bộ, ngành sử dụng thông tin trên căn cước công dân gắn chip thay cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu để chứng minh thông tin cá nhân và nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính công.
Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân gắn chip ngoài chứa đựng các thông tin về lý lịch, đặc điểm nhận dạng, địa chỉ thường trú thì con chip điện tử còn kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Vì thể thông tin cá nhân sẽ được xác thực ở mức độ chính xác hơn và được bảo mật cao.
2. Giấy xác nhận thông tin về cư trú (hay còn gọi là giấy xác nhận nơi cư trú) – Tham khảo Mẫu CT07
Văn bản này được sử dụng để xác nhận thông tin về thời gian, địa điểm cư trú cũng như hình thức đăng ký, và các nội dung khác của công dân khi có yêu cầu. Căn cứ vào Thông tư 55/2021/TT-BCA thì công dân có thể yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú bằng hai cách thức sau[2]:
– Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cú trú ở cả nước;
– Gửi yêu cầu xác nhận thông tin qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp công dân xác nhận thông tin về cư trú. Và giấy xác nhận chỉ có thời hạn 6 tháng khi đối tượng là sĩ quan; công nhân công an đang công tác, làm việc và ở trong đơn vị đóng quân của Công quan nhân dân; học sinh, sinh viên, học viên ở trong các trường Công an nhân dân được đăng ký tạm trú tại đơn vị đóng quân…. khi đáp ứng điều kiện đang sinh sống trong một khoản thời gian nhất định tại đơn vị đóng quân ngoài nơi thường trú và đơn vị đóng quân có chỗ ở.[3]
3. Thông báo kết quả đăng ký tạm trú
Hiện nay, thủ tục đăng ký tạm trú thông qua Cổng dịch vụ cổng quản lý cư trú dần trở nên phổ biến. Đối với thủ tục này, khi hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ hẹn ngày trả thông báo về kết quả đăng ký tạm trú. Thông báo về kết quả đăng ký tạm trú có thể thực hiện dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử, hộp thư điện tử, điện thoại hoặc trang thông tin điện của cơ quan đăng ký cư trú, ứng dụng trên thiết bị điện tử, Cổng dịch vụ quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.[4]
Đối với văn bản thông báo trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú cũng sẽ là một trong những giấy tờ chứng minh về thông tin, lý lịch cũng như các địa điểm tạm trú của người dân.
4. Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
Công dân hoặc người đại diện hợp pháp của người đó có thể yêu cầu Công an xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp giấy thông báo. Côn an cấp xã sẽ kiểm tra thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông báo được cấp bởi Công an xã được dùng để chứng minh thông tin cá nhân của công dân với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, nếu như trước đó, các giao dịch dân sự cần dùng đến bản sao của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì từ ngày 01/01/2023 công dân, người tham gia vào quan hệ pháp luật sẽ cung cấp bản sao của các loại giấy tờ sau: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Câu hỏi liên quan: Có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thay thế cho Sổ hộ khẩu không?
Căn cứ vào Nghị định 59/2020/NĐ-CP, tài khoản định danh điện tử ở mức độ 2 có giá trị tương đương với căn cước công dân gắn chip. Vì thể, nếu công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thì đều có thể sử dụng thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bỏ từ ngày 01/01/2023”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 13.7 Nghị định 104/2022/NĐ-CP
[2] Điều 17.1 Thông tư 55/2021/TT-BCA
[3] Điều 19.1 Thông tư 55/2021/TT-BCA
[4] Điều 3.4 Thông tư 55/2021/TT-BCA