Sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép thì Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép thì Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đã được cấp Giấy phép thì người lao động nước ngoài và doanh nghiệp cần phải tiến hành hoàn tất một số thủ tục khác. Thông qua bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cụ thể các thủ tục mà doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam.
Thứ nhất, tiến hành ký kết hợp đồng lao động.[1]
Hợp đồng thể hiện ở hình thức là văn bản; ký kết trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng; và người sử dụng lao động cần lưu ý hai việc:
Một, thời hạn của Giấy phép lao động hoặc Giấy xác nhận (nếu người lao động không thuộc diện xin Giấy phép) tối đa không quá 02 năm. Vì thế, khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cần chú ý đến thời hạn của hợp đồng. Thời hạn của hợp đồng phải được xác định và không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động;
Hai, người sử dụng lao động tiến hành ký kết trước ngày dự kiến làm việc của người lao động. Và trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ký kết, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy phép lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc).
Mức phạt vi phạm: – Nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động mà không tiến hành ký kết hợp đồng bằng văn bản đối với người lao động làm việc có thời hạn từ 01 tháng đến 02 năm thì doanh nghiệp phải chịu mức phạt từ 4 triệu đến 50 triệu đồng và áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả khác;[2]
– Nếu doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng lao động nhưng không gửi bản gốc hoặc bản sao có chứng thực về cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy phép lao động hoặc gia hạn Giấy phép thì sẽ bị phạt từ 01 triệu đến 03 triệu đồng.[3]
Thứ hai, thực hiện thủ tục lưu trú ở Việt Nam
Giấy phép lao động là giấy phép mà Nhà nước thừa nhận người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp, nhưng để lưu trú lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục lưu trú cho người lao động nước ngoài. Căn cứ vào Giấy phép lao động mà doanh nghiệp sẽ xin cấp visa LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm; hoặc thẻ tạm trú có giá trị tương đương với thời hạn của Giấy phép lao động, tức là 02 năm. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài chỉ được cấp khi Giấy phép lao động có giá trị tối thiểu là 01 năm trở lên.[4]
Như vậy, nếu Giấy phép lao động có giá trị từ 01 năm trở lên thì doanh nghiệp nên nộp hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú. Bởi lẽ người lao động có thể xuất nhập cảnh nhiều lần trong thời hạn của thẻ tạm trú mà không cần làm thủ tục gia hạn nhằm tiết kiệm thời gian, công sức.
Mức phạt vi phạm: Trong trường hợp thẻ tạm trú hết hạn (quá hạn từ 16 ngày đến dưới 30 ngày) mà doanh nghiệp không nộp hồ sơ gia hạn thì mức phạt phải chịu là 6 đến 10 triệu.[5]
Thứ ba, đóng bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân.
Sau khi người lao động nước ngoài được làm việc và lưu trú tại Việt Nam thì trong thời hạn ở lại Việt Nam, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng các khoản phí bảo hiểm và thuế theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, hàng tháng doanh nghiệp sẽ đóng các khoản phí sau cho người lao động nước ngoài:[6]
– Trích 14% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội về chế độ hưu trí và tử tuất cho người lao động – gọi tắt là BHXH bắt buộc;
– Trích 3% tiền lương tháng đóng vào quỹ ốm đau và thai sản;
– Trích 3% tiền lương tháng để đóng bảo hiểm y tế bắt buộc;
– Trích 0,5% tiền lương tháng vào quỹ tai nạn lao động;
– Nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có nguy cơ đạt tai nạn lao động cao thì phải chấp thuận việc đóng vào quỹ tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn 0,3%;
– Đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nước ngoài.
Mức phạt vi phạm: + Đối với các khoản phí BHXH thì doanh nghiệp khi có các hành vi sau thì sẽ phải chịu phạt:[7]
– Chậm đóng; đóng không đúng mức; đóng không đủ số người; chiếm dụng tiền đóng BHXH bắt buộc với mức phạt cao nhất là 75 triệu;
– Không đóng BHXH bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu hình sự với mức phạt cao nhất là 75 triệu;
– Trốn đóng BHXH bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu hình sự thì có thể phạt tiền lên đến 70 triệu đồng;
– Nếu hành vi đóng hoặc đóng không đầy đủ từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn phạm vào trường hợp trốn đóng BHXH từ 50 triệu đồng hoặc trốn đóng cho từ 10 người lao động thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn đóng BHXH.
+ Nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế từ 01 đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ thì chỉ cảnh cáo; ngược lại doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 02 triệu đến 25 triệu, tùy vào mức độ và thời hạn chậm nộp hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp[8]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Sau khi người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép thì Doanh nghiệp cần lưu ý gì?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 11.3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP
[2] Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[3] Điều 32.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[4] Điều 1.16 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi năm 2019
[5] Điều 18.3 và Điều 4.2 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[6] Điều 12.1 Nghị định 143/2018/NĐ-CP
[7] Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015
[8] Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP