Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Hiện nay, mạng xã hội được biết đến như một công cụ để con người có thể kết nối một cách nhanh chóng chỉ bằng cách tạo tài khoản, trò chuyện và chia sẻ thông tin với nhau qua các trang như là Facebook, Instagram, Twitter,…Tại Việt Nam, có đến 72 triệu người đang sử dụng mạng xã hội (tương đướng với 73% dân số nước ta) tính đến tháng 1/2021.[1] Điều đó cho thấy mạng xã hội đã dần đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, gần đây không ít người sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn hóa như là đăng tải thông tin sai sự thật; thông tin gây kích động bạo lực; sử dụng từ ngữ thô tục, nói xấu người khác;… dẫn đến những hậu quả khó lường. Do đó, mới đây Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được ban hành nhằm bảo vệ môi trường mạng được lành mạnh và văn minh hơn.
Sau đây, mời bạn đọc cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu các quy tắc ứng xử dành cho người dùng mạng xã hội.
Đối với người sử dụng mạng xã hội là tổ chức, cá nhân cần tuân theo các quy tắc sau:[2]
– Người sử dụng trước khi đăng ký tham gia mạng xã hội như là Facebook, Twitter, Zalo,… cần tìm hiểu cách sử dụng, chính sách dữ liệu, các nguyên tắc cộng đồng,.. để đảm bảo hiểu rõ cách vận hành của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên.
– Khi đăng ký tham gia phải tuân thủ Điều khoản sử dụng, Điều khoản dịch vụ vì chúng được coi như là bản thoả thuận sử dụng dịch vụ giữa người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ.
– Nên sử dụng họ, tên thật và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc.
– Thực hiện tự quản lý, bảo mật tài khoản và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.
– Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
– Ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc;
– Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phản cảm, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo
– Không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; không tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
– Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
– Vận động người thân, bạn bè, tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Như vậy, mỗi cá nhân, tổ chức khi sử dụng mạng xã hội cần phải tuân theo quy tắc ứng xử trên, cần phải tự ý thức được trách nhiệm, hậu quả hành vi của mình, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các giá trị văn hóa, đạo đức thì môi trường mạng xã hội mới trở nên an toàn, lành mạnh.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Tổng quan toàn cảnh Digital Việt Nam 2021
[2] Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội