Quy định về sử dụng người lao động dưới 15 tuổi

Quy định về sử dụng người lao động dưới 15 tuổi

Quy định về sử dụng người lao động dưới 15 tuổi

 

Hiện nay, việc sử dụng người lao động (NLĐ) dưới 15 tuổi đang ngày càng phổ biến ở nước ta. Vì trẻ em luôn là mối quan tâm của xã hội nên việc tham gia vào quan hệ lao động với đối tượng này cần phải tuân theo những quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ chưa đủ 15 tuổi cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trẻ em hiện nay. Mới đây nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư[1] có hiệu lực từ ngày 15/03/2021 hướng một số điều của Bộ Luật Lao động 2019 (BLLĐ) về lao động chưa thành niên.

Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này.

1.Điều kiện sử dụng lao động dưới 15 tuổi[2]

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải:

– Giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng văn bản với cả người dưới 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Cần phải có người đại diện để đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ vì họ là người chưa thành niên, chưa có đầy đủ khả năng để thực hiện các quyền của mình ví dụ như giải quyết các tranh chấp lao động,..

– Sắp xếp giờ nghỉ giải lao; đảm bảo thời gian làm việc không ảnh hưởng thời gian học tập của NLĐ. Thời gian làm việc tối đa 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần và không được làm thêm giờ hay làm việc vào ban đêm.[3]

– Tuân thủ quy định về khám sức khỏe; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi vì người chưa đủ 15 tuổi có thể chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lí.

2.Giao kết hợp đồng lao động[4]

– HĐLĐ cần có các nội dung sau:

Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số CCCD/ CMND/ hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi; Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình và việc bảo đảm bảo điều kiện học tập trong quá trình lao động.

–  Phía NSDLĐ cần:

+ Đảm bảo đúng người kí kết:[5] Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; người đứng đầu  tổ chức; người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác; người trực tiếp sử dụng lao động; người được ủy quyền theo quy định.

+ Phiếu lý lịch tư pháp[6], trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;

Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh NSDLĐ có án tích; có bị cấm hoạt động hay không nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ trẻ em về sức khỏe, tâm sinh lí; …

+ Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.

 

3. Sử dụng NLĐ chưa đủ 13 tuổi[7]

Việc sử dụng NLĐ dưới 13 tuổi không những cần sự đồng ý của người đại diện mà còn phải được SLĐTBXH cho phép nhằm cho thấy sự quan tâm, quản lí, kiểm soát của nhà nước đối với lao động trẻ em. Vì trẻ em ở độ tuổi này chưa dậy thì hoàn toàn, về mặt thể chất và tâm sinh lí vẫn đang thay đổi và phát triển nên phải cần sự quan tâm đặc biệt để bảo vệ sức khỏe, tránh những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc,..

Document

Do đó, NSDLĐ phải gửi hồ sơ đề nghị sử dụng NLĐ của từng người chưa đủ 13 tuổi cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (SLĐTBXH).

Nơi nộp hồ sơ:[8]

+ Nếu NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã thì nộp hồ sơ về SLĐTBXH nơi đặt trụ sở chính của NSDLĐ hoặc nơi có địa chỉ ghi trong một trong các loại giấy tờ sau: (a)

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư;

– Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức;

– Hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác.

+ Nếu NSDLĐ là hộ gia đình hoặc cá nhân thì nộp hồ sơ về SLĐTBXH nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân.

Cách nộp hồ sơ: Gửi trực tiếp; trực tuyến; gửi qua đường bưu điện.

Hồ sơ gồm có:

– Văn bản đề nghị việc sử dụng NLĐ dưới 13 tuổi.

– Bản sao các giấy tờ chứng minh hoạt động như tại mục (a) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đối với cá nhân, hộ gia đình thì cung cấp bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

– Bản sao phiếu lý lịch tư pháp của NSDLĐ.

– Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.

– HĐLĐ hoặc dự thảo HĐLĐ. Trường hợp nộp dự thảo HĐLĐ lao động thì phải kèm theo phiếu đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 13 tuổi làm việc.

– Bản sao giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe của người chưa đủ 13 tuổi. Thời khóa biểu hoặc chương trình học tập của họ nếu đang đi học.

Thời hạn giải quyết: 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

HĐLĐ đối với người chưa đủ 13 tuổi phải có văn bản đồng ý của SLĐTBXH thì mới có hiệu lực.

4.Công việc và nơi làm việc được làm

Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm những công việc về nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, nhân cách.

Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi:

– Được làm 12 công việc có trong danh mục quy định[9] như là các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, các nghề lao động nhẹ,..

– Không được làm việc ở những nơi sau[10]:

+ Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm, công trường xây dựng, cơ sở giết mổ gia súc, sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp, điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;

+ Những nơi gây tổn hại đến thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên quy định tại Phụ lục IV của Thông tư trên.

5.Xử lí vi phạm

Xử phạt vi phạm hành chính [11]

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi:

+ Sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi mà không được sự đồng ý của người đó hoặc không không ký HĐLĐ bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của họ.

+ Người dưới 15 tuổi làm việc quá giờ.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng khi:

+ Sử dụng NLĐ chưa thành niên làm những công việc ngoài danh mục cho phép, làm việc ở những nơi bị cấm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

NSDLĐ có thể bị truy cứu tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi[12] với các hành vi cho làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc chất độc hại; gây thương tích, tổn hại sức khỏe; gây chết người; v.v… Tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ có mức phạt tương đương. Theo đó mức phạt tiền tối thiểu 10.000.000, tối đa 200.000.000 đồng, phạt tù tối thiểu 6 tháng, tối đa là 12 năm, còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Quy định về sử dụng người lao động dưới 15 tuổi”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Cập nhật, bổ sung: ngày 11/02/2022

Người bổ sung: Bùi Thị Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người duyệt bài: Luật sư Thuận

[1] Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[2] Điều 3 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[3] Điều 146.1 Bộ Luật Lao động 2019

[4] Điều 4 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[5] Điều 18.3 Bộ Luật Lao động 2019

[6] Cấp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng

[7] Điều 6, Điều 7 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[8] Điều 5 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[9] Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH

[10] Điều 147.2 Bộ Luật Lao động 2019

[11] Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP

[12] Điều 296 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*