Quy định về phát hành và sử dụng tem rượu

Quy định về phát hành và sử dụng tem rượu

Quy định về phát hành và sử dụng tem rượu

Nhắc đến mặt hàng rượu, ắt hẳn ta đều biết đây là loại đồ uống có cồn và có hại cho sức khỏe người dùng. Do vậy, để tránh lạm dụng quá mức và điều tiết thói quen sử dụng của người tiêu dùng. Mà rượu được liệt kê vào mặt hàng đặc biệt và bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Và để chứng minh các cá nhân, tổ chức đã nộp thuế thì tem rượu là công cụ dùng để nhận biết được điều này. Bên cạnh đó, với rượu nhập, thông qua việc dán tem sẽ giúp cơ quan Hải quan kiểm soát khi làm thủ tục nhập khẩu. Và hiện nay, những quy định được cập nhật về in ấn, phát hành hay sử dụng tem rượu vừa được ban hành và đã có hiệu lực từ ngày 07/05/2020. Do vậy, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về vấn đề trên.

  1. Các trường hợp dán và không dán tem rượu[1]

 Phải dán tem rượu với mặt hàng:

– Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước

– Rượu nhập khẩu

Không phải dán tem rượu:

– Rượu sản xuất thủ công để bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại rượu.

Nghĩa là nấu rượu thủ công để bán cho người tiêu dùng, vì mục đích kinh doanh thông thường thì bắt buộc phải dán tem rượu. Những trường hợp nấu để bán cho các cơ sở mà có Giấy phép như đã đề cập ở trên thì không phải dán tem rượu.[2] Mà lúc này, cơ sở sản xuất rượu công nghiệp đó sẽ đảm nhiệm việc dán tem rượu.

– Rượu bán thành phẩm[3]

– Rượu nhập khẩu, trong trường hợp sau đây: nhập khẩu rượu để thực hiện các thủ tục cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.[4] Và loại rượu nhập khẩu trong trường hợp này không được bán trên thị trường.

  1. Các quy định về mẫu tem rượu và dán tem

Phân loại[5]

Có hai loại tem rượu đối với rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước.

– Đối với tem rượu nhập khẩu có hai tem rượu có nồng độ cồn nhỏ hơn 30° và loại tem cho rượu có nồng độ cồn bằng hoặc lớn hơn 30°.

– Đối với tem rượu sản xuất trong nước cũng có hai loại tem rượu được phân chia theo nồng độ cồn là nhỏ hơn 20° và bằng hoặc lớn hơn 20°.

Nguyên tắc[6]

Theo nguyên tắc, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (gồm cả các loại hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng).

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Mỗi chai sẽ được dán một (01) con tem. Nếu chai có bọc màng bóng kính bên ngoài thì tem phải dán bên trong chai, trước khi đóng màng bóng kính đó.

Quản lý tem[7]

– Tem rượu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan in, phát hành tem rượu

– Tem rượu sản xuất trong nước do Tổng cục thuế in, phát hành tem rượu

Bán tem rượu[8]

– Rượu nhập khẩu:

+ Chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực.

+ Công chức Hải quan tại cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu sẽ có trách nhiệm bán tem cho doanh nghiệp nhập khẩu. Dựa vào số lượng rượu nhập khẩu do người khai hải quan khai, theo đó công chức Hải quan sẽ ghi rõ số lượng, số seri tem thực được sử dụng vào tờ khai.

– Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước:

+ Chỉ được bán cho tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu còn hiệu lực. (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp)

+ Chi cục Thuế có trách nhiệm bán tem rượu cho các tổ chức, cá nhân và sẽ tự dán tem rượu sản xuất trong nước theo quy định.

Lưu ý: Các tổ chức, cá nhân không được chuyển nhượng, bán (trừ cơ quan Thuế), vay, mượn và cả cho vay, cho mượn tem rượu.

Dán tem[9]

– Tem rượu phải được dán vắt qua nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc các vị trí tương tự, để đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

Trường hợp nhập khẩu thùng, bồn lớn nhằm chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì không cần phải dán tem lên các thùng, bồn.

– Doanh nghiệp sẽ thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu với các loại rượu nhập khẩu:

+ Với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp dán tem rượu tại cơ sở của mình. Và sau đó phải báo cáo với cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu về số lượng thực tế sử dụng trước khi tiến hành thông quan.

+ Đối với rượu thành phẩm dạng thùng, bồn được nhập khẩu về để đóng chai trong nước: doanh nghiệp phải dán tem rượu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường.

– Các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu[10] trong nước phải thực hiện việc dán tem tại địa điểm sản xuất rượu khi rượu được đóng chai và trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Lưu ý: Quy định về in ấn, phát hành và sử dụng tem rượu sẽ không áp dụng với trường hợp:[11]

+ Nhập khẩu rượu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế

+ Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, mua bán rượu giữa các khu phi thuế quan.

+ Rượu nhập khẩu là hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong, định mức được miễn thuế; xét miễn thuế, không chịu thuế.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về phát hành và sử dụng tem rượu”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 2 Thông tư 15/2020

[2] Điều 6 Nghị định 105/2017

[3] Là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm. (Điều 3.4 Nghị định 107/2015)

[4] Điều 31 Nghị định 107/2015

[5] Điều 3.2 Thông tư 15/2020

[6] Điều 3.1 Thông tư 15/2020

[7] Điều 4 Thông tư 15/2020

[8] Điều 5.2 và Điều 6.2 Thông tư 15/2020

[9] Điều 3.3, 4 Thông tư 15/2020

[10] Bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

[11] Điều 1.2 Nghị định 107/2015

 

 

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*