Quy định về hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông
Cập nhật ngày 30/5/2024
Theo thống kê, trong vòng 11 tháng của năm 2023, khu vực sông Hồng đã có 58 tàu thuyền khai thác trái phép 21.000m3 cát, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, phá hủy hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân[1]. Hành vi trái phép kể trên gồm các trường hợp: giấy phép khai thác đã hết hạn; không thể xuất trình được giấy phép; khai thác vượt hạn mức và khu vực được cho phép. Vì thế, Cơ quan Nhà nước cần phải giám sát, siết chặt hoạt động này để ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra. Một số quy định liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông sẽ được Luật Nghiệp Thành cập nhật tại bài viết sau.
1. Khái niệm liên quan và hậu quả
Trước hết, tại Nghị định hướng dẫn có đưa ra khái niệm cát, sỏi lòng sông là cát, cuội, sỏi tích tụ ở lòng suối, lòng sông, bãi bồi, thềm sông từ thượng lưu đến cửa sông, tích tụ ở lòng hồ và cửa sông.[2]
Cát, sỏi lòng sông là tài nguyên rất quý giá. Nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc sạt lở hai bên sông; mực nước ngầm trong sông bị hạ thấp; tốc độ dòng chảy bị thay đổi. Điều đó khiến hệ sinh thái dưới sông, mặt đất và các khu vực lân cận bị hủy hoại. Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi trái phép sẽ làm mất tính ổn định của các công trình cầu cống và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương, cuộc sống của người dân.
2. Nội dung cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông
Đảm bảo các nội dung chính như sau[3]:
– Tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản;
– Loại khoáng sản, địa điểm, diện tích khu vực khai thác khoáng sản;
– Trữ lượng, công suất, phương pháp khai thác khoáng sản;
– Thời hạn khai thác khoáng sản;
– Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan;
Ngoài ra, có những nội dung trong giấy phép nên lưu ý như sau:
– Thời gian khai thác: thực hiện trong ngày từ 07 giờ sáng đến 05 giờ chiều, không được phép khai thác vào ban đêm.
– Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác có trong nội dung tại Giấy phép như sau:
+ Xác định ranh giới khu vực khai thác; cấm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông;
+ Tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan;
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
+ Yêu cầu lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông. Các nội dung cần thể hiện: tọa độ, diện tích và sơ đồ vi phạm khu vực khai thác; thời gian khai thác, tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi;
– Đối với các giấy phép khai thác cát, sỏi được cấp trước ngày 10/4/2020, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ về thời gian hoạt động khai thác trong ngày và khai thác trong năm.
3. Xử lý vi phạm
Xử phạt hành chính[4]
– Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng: hành vi không tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi khi thấy có hiện tượng sạt, lở hai bên bờ tại khu vực hoạt động;[5]
– Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng: hành vi khai thác khối lượng cát, sỏi lòng sông từ 50m3 trở lên để làm vật liệu xây dựng thông thường (không sử dụng vật liệu công nghiệp) mà không có giấy phép khai thác;[6]
– Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng: hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông khi giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn hoặc khai thác khoáng sản trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép;[7]
– Phạt tiền từ 70 triệu – 500 triệu: hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông vượt công suất cho phép. Tùy thuộc vào mức độ, công suất khai thác hằng năm mà quyết định cụ thể mức phạt tương ứng.[8]
Xử phạt hình sự – Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên[9]
– Cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội này khi xác định được:
+ Có thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên;
+ Cát, sỏi lòng sông trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;
+ Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại tội này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Khi đã xác định được lỗi, mức độ thiệt hại thì người vi phạm sẽ bị phạt tù tối đa là 07 năm tù[10] và mức phạt tiền tối đa là 05 tỷ đồng.[11]
– Tổ chức vi phạm thì có mức phạt tiền tối đã là 7 tỷ đồng.[12]
*Ngoài chịu trách hình sự về vi phạm của mình (Tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên), cá nhân/tổ chức vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho những người dân bị ảnh hưởng.[13]
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Quy định về hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này
Cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được sự phản hồi và góp ý bổ sung
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
Người cập nhật: Quách Gia Hy
Cập nhật ngày: 30/5/2024
[1] “Khai thác cát trái phép làm biến dạng sông Hồng” – Nhóm phóng viên Chuyển động 24h (VTV3) – Ngày 03/01/2024 –
[2] Điều 3.1 Nghị định 23/2020/NĐ-CP
[3] Điều 54.1 Luật Khoáng sản 2010
[4] Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi là mức áp dụng đối cá nhân, hộ kinh doanh. Đối tượng là tổ chức sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân/hộ kinh doanh.
[5] Điều 25.4.(c) Nghị định 36/2020/NĐ-CP
[6] Điều 47.1.(e) Nghị định 36/2020/NĐ-CP
[7] Điều 52.5.(c) Nghị định 36/2020/NĐ-CP
[8] Điều 41 Nghị định 36/2020/NĐ-CP và Điều 2.18 Nghị định 04/2022/NĐ-CP
[9] Điều 227 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[10]Điều 227.2 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[11] Điều 227.2 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[12]Điều 227.2 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
[13] Chương XX: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật dân sự 2015