Quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm

Quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm

 Quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm

Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống vật chất-tinh thần của con người cũng được nâng cao một cách đáng kể. Với mức sống ngày càng nâng cao này, nhu cầu cơ bản của người dân đã chuyển từ “đủ ăn đủ mặc” đã dần dịch chuyển sang việc chú trọng đến vấn đề ăn mặc, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Chính vì thế, ngành sản xuất mỹ phẩm ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của mọi người.  Tuy nhiên, vì mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người nên đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật[1]. Theo đó, khi kinh doanh mỹ phẩm, bạn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm[2]. Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung sau:

  1. Yêu cầu, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm:

Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với một hoặc nhiều mục đích chính sau: Làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt[3].

Điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm: Được thành lập hợp pháp; Có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Giấy phép sản xuất mỹ phẩm).

Theo quy định, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, trước tiên cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện sau[4]:

– Điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

– Điều kiện về cơ sở vật chất:

  • Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất (ví dụ: dây chuyền sản xuất dạng ướt, dạng khô, dây chuyền đóng gói,…)
  • Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

– Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu về nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm, nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm, quy trình sản xuất, bộ phận kiểm tra chất lượng theo quy định.

  1. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm:

* Trình tự thực hiện[5]:

Bước 1: Trước khi tiến hành sản xuất, cơ sở sản xuất mỹ phẩm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm tại Sở Y tế, nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính làm việc để chờ xem xét và giải quyết theo đúng quy định hiện hành.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ[6]:

Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Y tế của tỉnh nơi cơ sở sản xuất đặt nhà máy. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cán bộ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho cở sở đề nghị.

Bước 3: Thẩm định và phê duyệt:

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí thẩm định theo quy định, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở sản xuất, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận hoặc yêu cầu cơ sở thay đổi, khắc phục, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Trả Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho cơ sở đề nghị.

* Thành phần, số lượng hồ sơ[7]:

– Thành phần hồ sơ gồm:

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

+ Đơn đề nghi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Tham khảo mẫu tại đây)

+ Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất;

+ Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất;

– Số lượng hồ sơ: 01 bộ

*Phí thẩm định điều kiện sản xuất mỹ phẩm cấp Giấy phép sản xuất mỹ phẩm[8]: 6 triệu đồng/cơ sở.

* Thẩm quyền thực hiện[9]: Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm đối với các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn.

  1. Xử lý vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm:

Xử phạt hành chính:

Theo quy định của pháp luật mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về mỹ phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức[10]. Trong đó, đối với hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm bị xử lý như sau:

Mức phạt tiềnHành vi vi phạmHình phạt bổ sung/ Biện pháp khắc phục hậu quả
 Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng[11]Sản xuất không đúng địa điểm ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

Sản xuất không đúng phạm vi ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp bổ sung phạm vi hoạt động trong giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng[12].

Có thể bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi vi phạm theo quy định.

 

 

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[13]

 

Sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;

Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (1);

Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh mức phạt tiền, hành vi sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm đối tượng vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật (nhưng không quá 24 tháng); bị buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm[14].

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm (1) cơ sở sản xuất mỹ phẩm cũng có thể bị xử phạt theo hình thức tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng; có thể bị thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm[15].

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là đối với cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[16].

Xử phạt hình sự:

Cơ sản sản xuất mỹ phẩm khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm mà thực hiện hành vi sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng, hàng giả gây tổn hại đến người tiêu dùng có thể bị xử lý hình sự theo tội sản xuất, buôn bán hàng giả do lỗi cố ý trực tiếp (do biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện).

Theo đó, dựa theo quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định đủ yếu tố để xử lý hình sự theo tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì sẽ bị phạt tù từ tùy theo mức độ vi phạm.

Trong đó:

* Đối với cá nhân: Tùy theo mức thu lợi bất chính; tỷ lệ tổn thương cơ thể khi hành vi vi phạm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người  khác,… Mức phạt tù có thể từ 01 năm đến 15 năm[17]. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khác hàng theo quy định của pháp luật[18].

* Đối với tổ chức: Tùy theo mức độ vi phạm mà tổ chức có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn tối thiểu là từ 06 tháng hoặc 03 năm; bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định[19].

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

  

[1] STT 192 phụ lục 4 danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

(Ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư).

[2] Điều 3.2 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[3] Điều 2.1 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[4] Điều 4 Nghị định 93/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

[5] Điều 9 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[6] Điều 8 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[7] Điều 7 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[8] STT 13 Biểu mức thu phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm (Ban hành kèm theo Thông tư số 277/2016/TT-BTC).

[9] Điều 5 Nghị định 93/2016/NĐ-CP.

[10] Điều 4.4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[11] Điều 70.1.đ, 70.1.e Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[12] Điều 70.3.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[13] Điều 70.2 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[14] Điều 70.3.b và Điều 70.4.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[15] Điều 70.3.d và Điều 70.4.b Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[16] Điều 4.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP

[17] Điều 1.42 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.

[18] Điều 198 Bộ luật hình sự 2015.

[19] Điều 192.5 Bộ luật hình sự 2015.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*