Quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Tem nhãn hàng hóa chính là kênh thông tin về sản phẩm mà doanh nghiệp muốn gửi tới cho khách hàng. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp mang thương hiệu của doanh nghiệp mình đến tay người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói nhãn hàng hóa như là một phần của bộ nhận diện thương hiệu, là yếu tố quan trọng trong việc thể hiện hình ảnh của doanh nghiệp. Đồng thời giúp cho người tiêu dùng nắm rõ được những thông tin của sản phẩm mà mình mua. Đặc biệt là đối với hàng hóa nhập khẩu, để bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng thì nhãn dán sản phẩm cũng đóng vai trò thông tin không nhỏ.

Đối với quy định về nhãn hàng hóa, không phải nội dung nào cũng có thể ghi trên đó, mà các tổ chức/cá nhân kinh doanh hàng hóa phải tuân theo những quy định cụ thể của pháp luật. Theo đó, nghị định số 43/2017/NĐ – CP được ban hành ngày 14/04/2017 thay thế nghị định 89/2006/NĐ – CP ngày 30/08/2006 đã giúp giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắt đến nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp đến các bạn đọc có mối quan tâm về một số quy định liên quan đến nhãn hàng hóa nhập khẩu.

  1. Một số quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu:

Nhãn hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa[1]. Đối với hàng hóa khi được nhập khẩu vào Việt Nam cần đáp ứng về ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa, cụ thể như sau:

Theo quy định của pháp luật, nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt như:

– Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa,…

– Đối với, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Trường hợp, hàng hóa này được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có cùng thương hiệu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu thương hiệu đó hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở Việt Nam trên nhãn hàng hóa nếu được chủ sở hữu thương hiệu đó cho phép, nhưng phải bảo đảm truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết và/hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý và ghi rõ xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa. [2]

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp ngôn ngữ trên nhãn hàng hóa đều phải dịch ra tiếng Việt mà bên cạnh đó còn có những quy tắc dịch sau[3]:

– Thứ nhất, nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung Tiếng Việt.

– Thứ hai, những nội dung không phải nội dung bắt buộc mà thể hiện bằng ngôn ngữ khác không được làm hiểu sai lệch bản chất, công dụng của hàng hóa và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn hàng hóa.

– Thứ ba, tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó. Ví dụ như: Indonesia, Singapore phiên âm ra tiếng Việt không có nghĩa, được phép sử dụng nguyên tên Indonesia, Singapore, hoặc dùng tên phiên âm In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po. Trong khi Russia hay Germany thì phải dịch thành Nga, Đức.

Document

Bên cạnh đó, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải kèm theo nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt này phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc[4].

Trách nhiệm ghi xuất xứ hàng hóa thuộc về tổ chức/cá nhân nhập khẩu, theo đó, tổ chức/cá nhân này phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết[5].

  1. Xử phạt hành vi vi phạm:

Đối với hành vi vi phạm về quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền này là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa[6]. Mức xử phạt hành chính như sau:

*Phạt tiền:

– Thứ nhất, đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có nhãn gốc mà không có nhãn gốc hàng hóa thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng tương ứng với giá trị vi phạm từ dưới 5.000.000 đồng cho đến hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên[7]. Có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa mà cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được thì bị xử phạt tiền ở mức từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng[8].

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì tùy theo giá trị vi phạm mà có mức xử phạt khác nhau theo đó, khung phạt tiền sẽ từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng tương ứng với giá trị vi phạm từ dưới 5.000.000 đồng đến từ 100.000.000 đồng trở lên[9].

Thứ hai, theo quy định của pháp luật hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam[10] thì bị:

  • Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị đến 3.000.000 đồng.
  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tương ứng với giá trị vi phạm từ trên 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa nhập khẩu có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ; kinh doanh hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa[11] thì phạt tiền từ 200.000 đồng đến đến 40.000.000 đồng tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm từ dưới 1.000.000 đồng đến trên 100.000.000 đồng (1).

Lưu ý: (1) Mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: Lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú ý, phân bón,… và các loại hàng hóa khác theo quy định.[12]

*Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Ngoài biện pháp phạt tiền nêu trên bên vi phạm về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính quy định tại Điều này trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;

– Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

[1] Điều 3.1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

[2] Điều 7.1, 10.1 nghị định 43/2017/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN.

[3] Điều 5 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN.

[4] Điều 7.3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

[5] Điều 15.1 Nghị định 43 /2017/NĐ-CP.

[6] Điều 5.3.a Nghị định 128/2020/NĐ-CP và Điều 3.2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

[7] Điều 22.3 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[8] Điều 22.1 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[9] Điều 22.2 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[10] Điều 31.1.b, Điều 31.2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

[11] Điều 31.3 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

[12] Điều 31.3.n Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*