Quảng cáo trên phương tiện giao thông

Quảng cáo trên phương tiện giao thông

Quảng cáo là một hình thức không thể thiếu đối với mỗi cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp khi muốn kinh doanh đạt hiệu quả cao. Mục đích là giới thiệu sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ rộng rãi đến công chúng thông qua việc sử dụng các phương tiện khác nhau, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, loại hình quảng cáo bằng cách dán các banner, poster lớn lên mặt các xe ô tô, xe buýt đang rất được ưa chuộng vì tính linh hoạt, cơ động cao, dễ gây chú ý với người xung quanh. Vậy nếu có nhu cầu quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ của mình trên ô tô, xe buýt hay xe tải thì cần tuân thủ quy định gì? Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.

Quảng cáo trên phương tiện giao thông

  1. Điều kiện quảng cáo trên phương tiện giao thông

Bắt đầu từ ngày 01/01/2013, việc quảng cáo trên phương tiện giao thông sẽ không còn phải xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo nữa, mà các cá nhân, tổ chức quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo như các điều kiện phải đáp ứng và các luật khác có liên quan.[1]

Điều kiện quy định tại Luật Quảng cáo như sau: [2]

– Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở các mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.

Bởi vì các banner quảng cáo được dán ở mặt trước và sau của xe dễ gây các kích thích về thị giác, tạo sự chú ý của người lái xe khác đối với các tin tức quảng cáo đó nhất là các mẫu quảng cáo gây sốc, màu sắc lòe loẹt. Việc này dễ gây ra tai nạn giao thông do người lái xe khi cứ nhìn vào các mẫu quảng cáo ấy dẫn đến mất tập trung. Quy định dán bên hai hông xe cũng là điều dễ hiểu do các xe lưu thông kế bên ít nhìn vào, đa phần họ sẽ chú ý lái xe ở phía trước mắt nhiều hơn, chỉ nhìn các banner quảng cáo đó khi xe ấy chạy ngang tầm mắt hoặc khi dừng đèn xanh đèn đỏ, họ hay có thói quen quan sát xung quanh nhiều hơn.

– Sản phẩm quảng cáo không vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.

Ví dụ: Diện tích bề mặt xe ô tô được thực hiện quảng cáo là 50% diện tích 2 bên thùng xe ô tô. Hiểu đơn giản là khi dán quảng cáo không nên lớn quá 1 cánh cửa xe.

– Việc thể hiện biểu tượng, logo của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định đã nêu trên và luật giao thông.

Nếu chủ xe chỉ dán tên công ty lên xe hay biểu tượng, logo thì cần tuân theo đúng điều kiện, do chỉ mang mục đích phân biệt xe của công ty với các xe khác. Nhưng nếu là xe dán biểu tượng, logo do được thuê để quảng cáo thì đây là hình thức kinh doanh dịch vụ quảng cáo, sẽ có các hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người yêu cầu quảng cáo.[3]

Lưu ý:

Document

Thủ tục thông báo nội dung sản phẩm chỉ được áp dụng đối với trường hợp là quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo.[4]

Vì cá nhân, tổ chức tự chịu trách nhiệm với nội dung quảng cáo của mình nên Sở Văn hóa, Thể theo và Du lịch sẽ thực hiện quản lý các cá nhân, tổ chức quảng cáo theo phương pháp hậu kiểm.[5] Nghĩa là sẽ thực hiện việc kiểm tra sau khi đã quảng cáo các sản phẩm trên các phương tiện giao thông nếu có phát hiện sai phạm.

Ngoài ra, các tổ chức cá nhân có nhu cầu quảng cáo nên chú ý những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo thiếu thẩm mỹ; làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm; những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo như thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; v.v…[6]

Tổ chức, cá nhân là người yêu cầu quảng cáo hay kinh doanh dịch vụ quảng cáo thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ của mình đã được quy định tại Luật Quảng cáo.[7]

  1. Quy định xử phạt khi vi phạm[8]

– Nếu vi phạm một trong các hành vi sau đây:

+ Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông;

+ Quảng cáo vượt quá phần diện tích cho phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

Đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 2- 5 triệu đồng, mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân là 4 – 10 triệu đồng.[9]

+ Sau khi đã bị xử phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm còn phải thực hiện tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Lưu ý: Chủ sở hữu xe được quyền quảng cho sản phẩm, dịch vụ của chính mình, có quyền quyết định hình thức và phương thức quảng cáo.[10] Tuy nhiên, quảng cáo phải tuân các điều kiện đã nêu trên.

Bạn đọc tham khảo chi tiết tại Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS

Cong van 2310-BVHTTDL-VHCS

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Quy định quảng cáo trên phương tiện giao thông”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Mục 1.d) Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS

[2] Điều 32 Luật quảng cáo 2012.

[3] Điều 2.6 Luật Quảng cáo 2012

[4] Mục 1.b) Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS

[5] Mục 1.d) Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS

[6] Điều 7, 8 Luật Quảng cáo 2012

[7] Điều 12, 13 Luật Quàng cáo 2012

[8] Điều 61 NĐ 158/2013/NĐ-CP.

[9] Điều 3.2 Luật Quảng cáo 2012

[10] Điều 2.5, 2.7 và Điều 12.1 Luật Quảng cáo 2012.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*