Quảng cáo trái phép bằng hình ảnh của người khác
Kinh doanh online đơn thuần (kinh doanh trực tuyến) trên các nền tảng như Facebook, Tiktok, Instagram,… hiện nay ngày một nhiều nên việc cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng gay gắt Vì để tăng lượt theo dõi, thu hút thị hiếu của mọi người đến sản phẩm, dịch vụ của mình mà các chủ thể kinh doanh online sẵn sàng vô tư lấy hình ảnh của người khác không xin phép để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Vậy, quy định pháp luật về quảng cáo trái phép bằng hình ảnh của người khác như thế nào, mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết của Luật Nghiệp Thành nhé!
Quy định pháp luật về quảng cáo
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân[1].
Nhờ các công cụ thông tin phát triển trong xã hội 4.0 như hiện nay, việc quảng cáo ngày càng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ cho việc kinh doanh của các chủ thể. Nhờ đó dễ dàng cho các chủ thể kinh doanh sao chép, lưu trữ, sử dụng trái phép các hình ảnh mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu các hình ảnh đó.
Quy định pháp luật về sử dụng hình ảnh của cá nhân
Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền của cá nhân với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải nhận được sự đồng ý từ cá nhân đó. Trong trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó pháp luật cũng quy định, một trong những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo là “sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”[2]. Vì vậy, ngoại trừ các trường hợp sau đây thì khi sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự cho phép của cá nhân đó[3]:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng (hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh).
Vậy việc quảng cáo bằng hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó là hành vi trái pháp luật.
Qua đó, việc một người sử dụng ảnh của người khác mà không xin phép thì chủ sở hữu hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật[4]. Ngoài ra, việc sử dụng trái phép hình ảnh của người khác còn bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trên đây là ý kiến pháp lý về vấn đề “Quảng cáo trái phép bằng hình ảnh của người khác” mà Luật Nghiệp Thành gửi đến bạn.
Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích thì hãy cùng chúng tôi lan tỏa tri thức này đến với cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã quan tâm, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Ngọc Phương Thảo
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 2.1 Luật Quảng cáo 2012
[2] Điều 8.8 Luật Quảng cáo 2012
[3] Điều 32.2 Bộ luật dân sự 2015
[4] Điều 32.3 Bộ luật dân sự 2015