Chú ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ

Chú ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ

Chú ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ

Theo thống kê gần đây, mỗi năm nước ta chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ Trung Quốc. Trong số này, có khoảng 48% là thuốc trừ cỏ, còn lại là trừ sâu, trừ bệnh và thuốc điều hòa sinh trưởng. Riêng thuốc trừ cỏ (thuốc diệt cỏ) là mặt hàng được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất. Trước những lợi ích về chi phí, hiệu quả cao, người dân đang trở nên lạm dụng quá mức thuốc diệt cỏ. Do vậy, tình trạng sử dụng bừa bãi đã gây ra những tiềm ẩn vô cùng to lớn đối với nông sản, môi trường, sức khỏe người sử dụng, người tiêu dùng và cả sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Nhằm giúp người dân nhận thức được sự nguy hại để từ đó thay đổi thói quen lạm dụng quá mức.

Sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn nội dung liên quan đến việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Hy vọng sẽ giúp người nông dân chú ý hơn trong quá trình sử dụng thuốc và có thêm nhiều kiến thức bổ ích để bảo vệ tốt nhất cho bản thân mình và những người xung quanh.

  • Tác động

Sức khỏe con người

Người sử dụng thuốc trừ cỏ là người tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nếu bất cẩn để dây vào mắt, mũi, miệng có thể gây ngộ độc, đau đầu, chóng mặt. Lâu dài sẽ gây ra các bệnh lí tiềm tàng như ung thư, tổn thương thần kinh… Ngoài ra, còn bị kích ứng, nặng hơn là bỏng do tiếp xúc qua đường da. Vì thói quen lạm dụng, phần nhiều là do “ham rẻ” nên việc sử dụng mọi lúc, không đúng liều lượng, đúng nồng độ có thể làm nguồn nước ô nhiễm. Mà từ đó có thể gây ngộ độc cho cộng đồng dân cư chẳng hạn như vụ việc 78 người ở Sơn La phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đau bụng và đi ngoài do nhiễm độc bởi thuốc trừ cỏ có thành phần là Paraquat. Theo số liệu thống kê, trên cả nước, bình quân hàng năm có trên 1.000 trường hợp tử vong do thuốc trừ cỏ. Như vậy, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện và có người chết vì thuốc trừ cỏ. Đây là một con số rất kinh khủng. Thực tế, trong ngộ độc cấp tính thì thuốc trừ cỏ là chất gây ngộ độc nhiều nhất cũng như gây tử vong cao nhất. Tỷ lệ tử vong khi bị ngộ độc thuốc trừ cỏ lên tới 70% dù đã điều trị lọc máu hay giải độc. [1]

Động vật

Đa phần người dân sau khi sử dụng xong thuốc thường “tiện đâu vứt đấy” các chai, lọ, bao bì… khắp nơi. Rải rác khắp bờ kè, con mương, mép đường, ngay cả trong ruộng lúa đâu đâu cũng thấy bao bì thuốc BVTV. Điều đó dẫn đến những trâu bò, vật nuôi ăn phải sẽ bị ngộ độc; nhẹ sẽ bị nôn mửa, ỉa phân non mấy ngày liền; nặng thì ngộ độc mà chết.

Không chỉ đối với các loài vật trên cạn, các loài vật thủy sinh cả trong lòng đất cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Bởi vì, lượng thuốc không tập trung nhiều ở cây cỏ mà chủ yếu tích tụ trong đất và nước. Sinh vật trong đất thường gồm các loài giun, lươn, trạch… cùng với tôm, cá tại hồ nuôi hay sông, hồ nếu dính phải thuốc trừ cỏ thì sẽ bị ngộ độc, chết hàng loạt.

Môi trường

Những tác động nguy hiểm đối với môi trường do thuốc diệt cỏ là một vấn đề rất đáng quan tâm. Các loài giun, lươn, trạch… có vai trò rất quan trọng trong việc tạo sự tơi xốp, làm ẩm đất và chất thải của chúng cũng tạo cho đất có nhiều dinh dưỡng. Nhưng sử dụng thuốc trừ cỏ lâu dài khiến cho các sinh vật này khó có thể tồn tại và là nguyên nhân khiến cho đất bị thoái hóa, khô cằn, bờ ruộng bị phá hỏng do bở đất.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới tình hình sâu bệnh diễn ra ngày một phức tạp và phát sinh nhiều đối tượng mới gây mất cân bằng sinh học cũng là vì tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ.

Môi trường nước cũng bị ô nhiễm trầm trọng khi bà con nông dân sử dụng xong thuốc diệt cỏ thì lại vứt bừa bãi, thậm chí còn súc rửa các chai lọ ở các bờ sông, suối.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

  • Xử lý vi phạm

Để hạn chế việc sử dụng đến mức lạm dụng của người dân, pháp luật có quy định các mức xử phạt về vi phạm liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV (thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, bệnh…) áp dụng đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV không đúng với hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc sẽ có bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa là 3.000.000 đồng kết hợp với biện pháp là khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu hành vi trên gây hậu quả nguy hiểm.[2]

Và không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng theo quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.[3]

Thêm nữa, sử dụng thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải tiêu hủy[4]. Bởi vì, thuốc BVTV có chứa một số chất nguy hại không thể tiếp xúc trực tiếp với cơ thể con người và ống tiêm thủy tinh là chất liệu dễ vỡ trong quá trình vận chuyển, phân phối, không đảm bảo an toàn. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thuốc không được phép đóng gói thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh và đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, sử dụng thuốc BVTV không có tên trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng[5]. Và sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam có mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[6]. Cả hai hành vi trên đều phải có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tiêu hủy[7].

  • Lưu ý khi sử dụng

Nguyên tắc “4 Đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách

Đây là nguyên tắc đang được các chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền cho người nông dân thuộc các tỉnh thành trên cả nước và áp dụng với tất cả các loại thuốc BVTV đang được lưu hành trên thị trường. Riêng đối với thuốc diệt cỏ, đây là loại thuốc cần phải rất cẩn trọng khi sử dụng.

+ Đúng thuốc: Khi muốn sử dụng thuốc diệt cỏ, cần phải biết rõ loài cỏ cần phòng trừ. Thay vì chọn thuốc diệt cỏ không chọn lọc nên chuyển sang sử dụng thuốc diệt cỏ có chọn lọc. Bởi vì, khi sử dụng loại thuốc không chọn lọc, thuốc sẽ tác động đến cả nông sản gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và cả sức khỏe người sử dụng. Do đó, nên lựa chọn thuốc không có hại sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường và không tồn đọng lâu dài trong môi trường.

Không mua các loại thuốc đã bị cấm sử dụng trên thị trường chứa các hoạt chất Paraquat, 2.4D và Glyphosate… Những hoạt chất này được xem là cực độc hại và gây bệnh ung thư, ảnh hưởng thần kinh, gây đột biến, dị dạng…

+ Đúng liều lượng: Sử dụng đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước để pha trộn trên một đơn vị diện tích cây trồng, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất được ghi trên bao bì sản phẩm.

Không tùy tiện pha trộn dù ít hay nhiều cũng gây ra nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí. Pha trộn ít với nồng độ thấp cũng khiến sâu bệnh nhờn và kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch.

+ Đúng thời điểm:

– Có hai thời điểm diệt cỏ đó là diệt khi chưa nảy mầm và đã nảy mầm thành cỏ.

– Cần chú ý không phun thuốc vào trời có gió to nên phun vào lúc trời râm mát để thuốc tiếp xúc và bám dính tốt hơn trên bề mặt cây cỏ.

– Hạn chế phun thuốc vào trời sắp mưa vì có thể làm rửa trôi thuốc.

– Không phun thuốc vào thời điểm sắp thu hoạch (cần có thời gian cách ly đối với từng loại thuốc).

+ Đúng cách:

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sau bao bì thuốc. Đối với thuốc trừ cỏ, việc sử dụng chúng phải vô cùng thận trọng, đúng cách để không chỉ hạn chế tác hại của cỏ dại mà còn bảo vệ cây trồng. Lưu ý hướng gió để thuốc không bay xa vào nơi không cần thiết.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Chú ý khi sử dụng thuốc diệt cỏ”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Nguyễn Ngọc Thuận.

[1] Thông tin từ Báo Tiền Phong

[2] Điều 26.1.a, 26.3 và 26.5.b NĐ 31/2016

[3] Điều 26.1.b NĐ 31/2016

[4] Điều 26.2.b NĐ 31/2016

[5] Điều 26.2.a NĐ 31/2016

[6] Điều 26.4 NĐ 31/2016

[7] Điều 26.5.a NĐ 31/2016

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Nông Nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*