Những trường hợp không được ủy quyền
Ủy quyền là việc một cá nhân, tổ chức trao quyền cho một cá nhân khác thay mình thực hiện các công việc lẽ ra mình phải là người thực hiện. Câu hỏi đặt ra là trong cuộc sống có phải mọi trường hợp chúng ta đều có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện hay không? Câu trả lời tất nhiên là không nhưng cụ thể những trường hợp nào không được phép ủy quyền thì có lẽ nhiều người vẫn chưa nắm rõ. Để giúp mọi người có cái nhìn tổng thể về những công việc không được phép ủy quyền, Luật Nghiệp Thành sẽ liệt kê cụ thể những trường hợp không được phép ủy quyền cho người khác. Khi đã hiểu được những trường hợp không được ủy quyền, mọi người có thể chủ động sắp xếp xử lý công việc một cách hiệu quả. Cụ thể là những công việc sau không được ủy quyền:
- Đăng ký kết hôn
Kết hôn là việc người nam, nữ cùng nhau đến UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi mình sinh sống để đăng ký. Họ cùng nhau ký tên vào giấy đăng ký kết hôn để thể hiện mong muốn được chung sống với người bạn đời của mình. Do ý nghĩa của việc đăng ký kết hôn là sự thể hiện ý nguyện cùng chung sống với người vợ, chồng. Đây là một việc mang ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi người[1]. Vì ý nghĩa và tầm quan trọng của việc này nên chúng ta không thể ủy quyền để người khác thể hiện sự đồng ý cho mình tại cơ quan đăng ký kết hôn.
- Ly hôn
Tương tự như đăng ký kết hôn, việc thực hiện thủ tục ly hôn cũng thể hiện ý nguyện không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân của người vợ, chồng. Việc này chúng ta cũng không thể nhờ người khác thể hiện mong muốn đó thay mình được. Do tính chất quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc, công việc, tài sản của vợ chồng sau khi đưa ra quyết định. Nên việc ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng thì không thể ủy quyền cho người khác thực hiện[2].
- Công chứng di chúc của mình
Việc lập di chúc mang ý nghĩa thể hiện nguyện vọng của người lập di chúc sau khi chết. Ảnh hưởng đến tài sản về vật chất và tài sản tinh thần của người lập di chúc. Đòi hỏi người lập phải tỉnh táo, minh mẫn và tại thời điểm lập di chúc không bị ép buộc hay đe dọa. Vì những lẽ trên việc công chứng di chúc đòi hỏi sự có mặt của người lập để xác định được các yếu tố làm di chúc có hiệu lực. Nên không thể ủy quyền cho người khác tiến hành công chứng di chúc[3].
- Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc
Nói một cách dễ hiểu đây là trường hợp nếu người được ủy quyền cũng đồng thời sẽ là đương sự trong cùng một vụ việc dân sự với bạn. Theo đó nếu quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của bạn[4] thì trong trường hợp này bạn không thể ủy quyền cho người này làm đại diện cho mình được. Mâu thuẫn về lợi ích sẽ không đảm bảo tính minh bạch, công tâm và chính xác của công việc được ủy quyền. Nên pháp luật không cho phép ủy quyền trong trường hợp này.
- Người được ủy quyền đang là đại diện của đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền và lợi ích đối lập với mình
Trong cùng một vụ việc dân sự nếu người sắp được ủy quyền đang làm đại diện cho một người khác mà quyền, lợi ích hợp pháp của người đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của bạn[5]. Trường hợp này bạn không thể cùng ủy quyền cho một người để làm đại diện cho 2 bên có quyền và lợi ích đối lập nhau. Điều này dẫn đến xung đột lợi ích, không đảm bảo tính khách quan khi giải quyết vụ việc. Do đó pháp luật cũng cấm thực hiện việc ủy quyền trong trường hợp này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
- Cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thể hiện danh tính cá nhân, tình trạng hôn nhân, án tích của người yêu cầu cấp phiếu. Do đây đều là những thông tin cá nhân quan trọng của mỗi người nên người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.[6] Pháp luật quy định như vậy nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của mỗi người, đảm bảo an toàn cho mỗi công dân. Vì nếu những thông tin cá nhân này bị tiết lộ sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và những người thân của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng[7]
Ngân hàng nhà nước đã ban hành quy định người gửi tiết kiệm không được phép ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện. Mục đích để đảm bảo an toàn cho tài sản của người gửi tiết kiệm. Đảm bảo người gửi tiết kiệm phải biết, nắm được thông tin và chịu trách nhiệm với việc gửi tiền tiết kiệm của mình. Vì nhiều trường hợp mạo danh gửi, rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của khách hàng, gây thiệt hại về tài sản và cả uy tín của hệ thống tín dụng. Vì những rủi ro trên nên Ngân hàng nhà nước không cho phép việc ủy quyền cho người khác gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.
- Đăng ký nhận cha, mẹ, con[8]
Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con là một việc rất quan trọng liên quan đến nhân thân, quyền lợi của người đăng ký. Do đó để đảm bảo cho việc nhận cha, mẹ, con diễn ra một cách minh bạch thì những người có liên quan phải trực tiếp thực hiện việc này. Quy định này nhằm mục đích tránh việc nhầm lẫn nhận cha, mẹ, con và đảm bảo người có liên quan không có khiếu nại với quyết định của chính mình đưa ra tại thời điểm nhận cha, mẹ, con.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Những trường hợp không được ủy quyền”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Quyết định 3814/QĐ-BTP
[2] Điều 85.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
[3] Điều 56 Luật công chứng 2014
[4] Điều 87.1.a Bộ luật tố tụng dân sự 2015
[5] Điều 87.1.b Bộ luật tố tụng dân sự 2015
[6] Điều 46.2 Luật lý lịch tư pháp 2009
[7] Điều 8.1.a Quy chế về tiền tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN
[8] Điều 25, Điều 47 Luật Hộ tịch 2014
Cá nhân là người Nước Ngoài, đang cư trú tại nước ngoài nhưng có thu nhập từ tiền công, thù lao tại Doanh nghiệp tại Việt Nam, có được ủy quyền cho một Tổ chức tại nước ngoài thay mặt mình nhận tiền công, thù lao vào tài khoản của Bên được ủy quyền tại nước ngoài không?
Chào bạn, Luật Nghiệp Thành trả lời câu hỏi bạn như sau:
Trường hợp này, bạn chưa cung cấp cụ thể vị trí công việc của bạn tại doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi sẽ chia thành hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Bạn là cộng tác viên nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam
Nếu bạn là cộng tác viên nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ và trong hợp đồng có thỏa thuận về việc ủy quyền nhận tiền thì bạn có thể ủy quyền cho tổ chức tại nước ngoài thay mặt bạn nhận tiền công, thù lao. Nếu hợp đồng cung ứng dịch vụ không có thỏa thuận về việc này thì bạn không thể ủy quyền cho tổ chức tại nước ngoài nhận khoản tiền nói trên.
Trường hợp 2: Bạn từng là NLĐ của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa nhận đầy đủ tiền công
Nếu bạn từng là NLĐ của doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc ký kết hợp đồng lao động thì việc ủy quyền này đã được ghi rõ tại Khoản 1 Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, trong trường hợp bạn không thể hoặc không muốn nhận tiền lương trực tiếp thì doanh nghiệp có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp của bạn. Do vậy, trường hợp này bạn chỉ có thể ủy quyền cho cá nhân thay mặt bạn nhận tiền chứ không thể ủy quyền cho tổ chức tại nước ngoài nhận khoản tiền nói trên.
Cảm ơn bạn đọc đã gửi phản hồi tới Luật Nghiệp Thành.