Những điểm mới đáng chú ý về Hộ chiếu
Cho đến nay, khái niệm hộ chiếu (Passport) có lẽ không còn quá xa lạ đối với mỗi chúng ta, nhất là đối với những ai có nhu cầu đi du lịch, làm việc và học tập ở nước ngoài.
Hộ chiếu được xem như là một “chứng minh thư” bắt buộc, là “điều kiện cần” để chúng ta có thể xuất cảnh ra nước ngoài và được quyền nhập cảnh trở lại sau những chuyến du lịch, đi công tác hay kết thúc thời gian du học. Các bạn có thể tham khảo bài viết Thủ tục làm Hộ chiếu Việt Nam của chúng tôi tại địa chỉ Website tuvanluat.vn.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 chính thức có hiệu lực. Trong đó, thủ tục làm hộ chiếu có nhiều điểm mới đáng chú ý.
1) Một số điểm mới đáng chú ý trong quy định về Hộ chiếu
Chỉ còn 4 loại giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh: So với trước kia các loại giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh là: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Hộ chiếu thuyền viên; Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương và Giấy thông hành[1], thì nay chỉ còn 4 loại giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh là: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông và Giấy thông hành[2]. Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh không còn bao gồm Hộ chiếu thuyền viên nữa. Đồng thời, thay vì quy định cụ thể 4 loại giấy thông hành như trước kia thì nay chỉ gọi chung là Giấy thông hành.
Được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu nếu có thẻ Căn cước công dân (CCCD): Những người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu cần phải thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú hoặc tạm trú. Riêng đối với những trường hợp mà người có yêu cầu cấp hộ chiếu đã có thẻ CCCD thì có thể thực hiện thủ tục xin cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào thuận lợi cho mình[3].
Thay vì như trước kia, chỉ những trường hợp cấp lại hộ chiếu còn thời hạn mới được làm thủ tục tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, còn khi hộ chiếu đã hết hạn thì người đó sẽ phải đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình thường trú hoặc tạm trú để làm thủ tục cấp lại. Thì nay, những người có yêu cầu cấp hộ chiếu phổ thông từ lần thứ hai trở lên sẽ được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi cho mình hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an[4].
Hộ chiếu có gắn “chíp” điện tử: Đây là loại hộ chiếu được gắn thiết bị điện tử, trong đó có lưu giữ các thông tin cá nhân được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ có quyền lựa chọn xin cấp hộ chiếu có gắn hoặc không gắn “chíp” điện tử[5]. Những người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn “chíp” điện tử lần đầu phải chụp ảnh và cung cấp dấu vân tay[6].
Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn: Hộ chiếu không gắn chíp điện tử sẽ được cấp theo thủ tục rút gọn[7]. Đồng thời, các đối tượng thuộc các trường hợp sau đây cũng sẽ được cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn như: Người Việt Nam ra nước ngoài (có thời hạn) bị mất hộ chiếu phổ thông nhưng có nguyện vọng về nước ngay[8]; Người bị cơ quan nước ngoài ra văn bản trục xuất nhưng không có hộ chiếu[9]; Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận giữa Việt Nam với nước sở tại[10]; Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh[11].
Ưu điểm của việc sử dụng hộ chiếu có gắn “chíp” điện tử
Thông thường, mỗi khi đi qua cửa khẩu sân bay, khi công dân xuất trình hộ chiếu truyền thống thì cán bộ xuất nhập cảnh cần phải đọc hộ chiếu và đóng dấu thủ công. Tuy nhiên, khi sử dụng hộ chiếu điện tử thì cán bộ xuất, nhập cảnh chỉ việc quét hộ chiếu qua thiết bị thì mọi thông tin của người đó sẽ được thể hiện đầy đủ trên hệ thống.
Hộ chiếu điện tử có tính bảo mật cao, thông tin luôn được thể hiện rõ ràng, đầy đủ, đảm bảo được các yêu cầu về quản lý của nhà nước theo quy chuẩn. Khắc phục được các hạn chế của hộ chiếu truyền thống như tình trạng bị làm giả hộ chiếu hay các thông tin trên sổ bị mờ, nhòe gây rắc rối cho người sử dụng.
Hiện nay các cơ quan có liên quan đang gấp rút việc xây dựng, quản lý, thu thập, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác cấp và quản lý hộ chiếu điện tử.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những điểm mới đáng chú ý về Hộ chiếu”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 4.1 Nghị định 136/2007/NĐ-CP
[2] Điều 6.1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[3] Điều 15.3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[4] Điều 15.5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[5] Điều 5.1.(b) Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[6] Điều 12.3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[7] Điều 6.2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[8] Điều 17.1 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[9] Điều 17.2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[10] Điều 17.3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019
[11] Điều 17.4 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019