Người bệnh không có thân nhân khi khám, chữa bệnh
Người bệnh không thân nhân nhằm để chỉ cho các người bệnh nhập viện nhưng không có giấy tờ tùy thân, không có người thân đi cùng, không thể liên lạc với người thân hoặc khi ở trong trình trạng khó khăn nhận thức, không làm chủ hành vi, v.v….Đây là những tình huống có thể lường trước được tại các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, nếu chẳng may có các tình huống xảy ra như trên thì các cơ sở khám chữa bệnh sẽ có những ứng xử theo quy định pháp luật. Luật Nghiệp Thành sẽ thông tin đến bạn tại bài viết này.
Người bệnh không có thân nhân là gì?[1]
Nếu thuộc một trong 04 trường hợp sau thì người bệnh sẽ được xem là “người bệnh không có thân nhân”:
(1) Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu nhưng không có giấy tờ tùy thân, không có người thân đi cùng, không có thông tin liên lạc với người thân
(2) Người bệnh tại thời điểm vào bệnh viện không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và không có giấy tờ tùy thân, không có người thân đi cùng, không có thông tin liên lạc với người thân
(3) Người bệnh đã xác định được danh tính nhưng lúc vào bệnh viện không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, không có người thân đi cùng, không có thông tin liên lạc với người thân
(4) Là trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại bệnh viện
Như vậy, nếu người bệnh chỉ cần thuộc một trong 03 trường hợp trên và riêng với trẻ em nếu dưới 06 tháng mà bị bỏ rơi thì được xem là người bệnh không có thân nhân.
Xử lý với người bệnh không có thân nhân[2]
1/ Khi bệnh viện có tiếp nhận người bệnh không có thân nhân thì lúc này các cơ sở sẽ tiến hành kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
2/ Trong 48 giờ kể từ lúc nhận người bệnh, nếu vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì sẽ thực hiện như sau:
-) Bệnh viện sẽ thông báo đến UBND cấp xã nơi bệnh viện đặt trụ sở để tìm thân nhân trên các phương tiện đại chúng như loa phát thanh, đăng tin báo, mạng xã hội, v.v…
*Riêng với trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi, thì bệnh viện sẽ lập hồ sơ để đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội.
3/ Nếu sau thời gian đã điều trị ổn định mà vẫn không xác định được thân nhân và người bệnh cũng thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự.
=> Người bệnh sẽ được bệnh viện lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội do có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Mức hỗ trợ các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh
Tuy là người bệnh không thân nhân, nhưng pháp luật cũng có những quy định để bảo vệ đối tượng này. Mà cụ thể các chi phí nuôi dưỡng, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, khám chữa bệnh đều sẽ được hỗ trợ thông qua khoản trợ cấp hàng tháng[3], cụ thể với trẻ em dưới 04 tuổi sẽ được trợ cấp 1.800.000 đồng/tháng, người từ đủ 04 tuổi trở lên là 1.440.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, còn được cấp trang bị các vật dụng sinh hoạt cơ bản thường ngày, hỗ trợ các chi phí vận chuyển người bệnh từ bệnh viện đến cơ sở trợ giúp xã hội.[4]
Với trường hợp người bệnh tử vong:[5]
+ Nếu đã tử vong trước khi đến bệnh viện:
– Có giấy tờ tùy thân, thì người thân của người bệnh được bệnh viện thông báo đến tiếp nhận thi thể
– Không có giấy tờ tùy thân hoặc có nhưng không thể liên hệ người thân, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thi thể, bệnh viện sẽ thông báo đến UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thi thể và tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo từ bệnh viện.
+ Nếu tử vong tại bệnh viện:
– Bệnh viện sẽ cấp giấy báo tử; kiểm thảo tử vong; hoàn thiện và lưu giữ các hồ sơ bệnh án của người bệnh; lấy và lưu trữ mẫu thi thể để phục vụ xác định thân nhân nếu không có giấy tờ tùy thân và thông báo đến người thân để tổ chức mai táng.
– Nếu không có người nhận hoặc bị từ chối tiếp nhận người bệnh đã tử vong, bệnh viện sẽ thông báo đến UBND cấp xã trong vòng 24 giờ kể từ khi người bệnh tử vong.
UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thi thể và tổ chức mai táng chậm nhất là 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo từ bệnh viện.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Người bệnh không có thân nhân khi khám chữa bệnh”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 2.10 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023
[2] Điều 72 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023
[3] Điều 25, Điều 4.2 Nghị định 20/2021/NĐ-CP “Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.”
[4] Điều 121 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[5] Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023