Nghĩa vụ của doanh nghiệp chưa đóng đủ tiền BHYT cho NLĐ
Nghĩa vụ của doanh nghiệp chưa đóng đủ tiền BHYT cho NLĐ
1) Khi doanh nghiệp có trách nhiệm đóng BHYT cho nhân viên mà quên đóng; cố tình trốn tránh trách nhiệm; không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
– Doanh nghiệp đó phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi tương ứng với thời gian chậm đóng;
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền BHYT và tiền lãi nêu trên thì ngân hàng; tổ chức tín dụng khác; kho bạc nhà nước sẽ trích tiền từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp đó để nộp số tiền BHYT chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT[1];
– Đồng thời, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ số tiền (trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của NLĐ) mà NLĐ phải thanh toán cho chi phí khám chữa bệnh bên ngoài[2].
2) Để được doanh nghiệp hoàn tiền, NLĐ cần phải nộp lại những giấy tờ gì để chứng minh về các chi phí khám bệnh và mua thuốc mà mình đã tự chi trả?
Hiện nay chưa có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về các giấy tờ mà NLĐ cần chuẩn bị để đề nghị Cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp, bao gồm:
- Thẻ BHYT; Thẻ học sinh/sinh viên hoặc các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác[3].
- Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh mà NLĐ đề nghị thanh toán[4].
- Hóa đơn khám bệnh, hóa đơn cấp thuốc và các giấy tờ khác có liên quan[5].
Do đó, theo chúng tôi, trong trường hợp như trên, để được doanh nghiệp hoàn tiền thì NLĐ nên nộp lại đầy đủ những giấy tờ dưới đây để chứng minh về các chi phí khám bệnh và mua thuốc mà mình đã tự chi trả cho doanh nghiệp:
- Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh mà NLĐ đề nghị doanh nghiệp hoàn trả tiền mà mình đã tự thanh toán.
- Hóa đơn khám bệnh, hóa đơn cấp thuốc và các giấy tờ khác có liên quan.
3) Khi thẻ BHYT hết hạn hoặc không sử dụng được do lỗi từ phía doanh nghiệp, NLĐ đi khám và được cho thuốc ngoài danh mục được BHYT chi trả thì NLĐ có được doanh nghiệp hoàn trả số tiền mua thuốc đó hay không?
Danh mục thuốc BHYT có quy định các hoạt chất được quỹ BHYT chi trả. Do đó, trong trường hợp NLĐ đi khám ngoài mà được cấp thuốc có hoạt chất ngoài danh mục được quỹ BHYT chi trả thì cơ quan BHXH không có căn cứ để thanh toán chi phí của những loại thuốc đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà NLĐ phải thanh toán cho chi phí khám chữa bệnh bên ngoài, nhưng chỉ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của NLĐ.
Như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc, đối với các loại thuốc mà NLĐ tự mua nhưng nằm ngoài danh mục được BHXH chi trả thì doanh nghiệp cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn tiền đối với các khoản này cho NLĐ.
4) Trong trường hợp khi tra cứu thì NLĐ thấy hạn sử dụng của thẻ đến ngày 31/12/2020. Doanh nghiệp lựa chọn phương thức đóng tiền BHYT vào mỗi cuối tháng. Tuy nhiên, vì khó khăn kinh tế mà doanh nghiệp đã chậm đóng tiền từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT đó có sử dụng được không?
Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc đóng BHYT theo phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần[6]. Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng tiền BHYT vào mỗi tháng nhưng vì khó khăn tài chính, doanh nghiệp đó không đóng hoặc chậm đóng tiền BHYT cho NLĐ từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của NLĐ sẽ hết giá trị sử dụng[7].
Ví dụ: Trên thẻ BHYT ghi thẻ đó có hạn sử dụng đến ngày 31/12/2020. Doanh nghiệp lựa chọn đóng BHYT vào ngày cuối cùng của mỗi tháng và đã nộp đủ tiền BHYT tháng 1 (nộp vào ngày 31/1/2020). Tuy nhiên, vì khó khăn tài chính nên từ tháng 2 cho đến tháng 4, doanh nghiệp chưa đóng tiền BHYT thì từ ngày 1/3/2020, thẻ BHYT của NLĐ sẽ hết giá trị sử dụng.
Nếu NLĐ đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thì phải tự chi trả các khoản tiền viện phí, thuốc men chứ không được BHXH chi trả. Và NLĐ trong trường hợp này có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại toàn bộ số tiền khám chữa bệnh và mua thuốc men tương ứng với quyền lợi mà lẽ ra người đó phải được hưởng theo diện BHYT.
Chỉ khi doanh nghiệp đã nộp đủ số tiền BHYT và số tiền lãi chậm nộp tương ứng thì BHXH sẽ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh trước đó[8].
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Nghĩa vụ của doanh nghiệp chưa đóng đủ tiền BHYT cho NLĐ”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 49.3.(a) Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014
[2] Điều 49.3.(b) Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014
[3] Điều 15.1, Điều 28.1.(a) Nghị định 146/2018/NĐ-CP
[4] Điều 28.1.(b) Nghị định 146/2018/NĐ-CP
[5] Điều 28.1.(c) Nghị định 146/2018/NĐ-CP
[6] Điều 87.2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Điều 11.1 Quyết định 595/QĐ-BHXH
[7] Điều 47.2.(2.3) Quyết định 595/QĐ-BHXH
[8] Điều 47.2.(2.3) Quyết định 595/QĐ-BHXH