Mức phạt đối với hành vi vu khống ăn chặn tiền từ thiện
Mức phạt đối với hành vi vu khống ăn chặn tiền từ thiện
Vu khống là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật. Bịa đặt hư cấu những câu chuyện không có thật, loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác. Vậy theo quy định pháp luật thì hành vi này được xử phạt thế nào? Bài viết sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ giải đáp thắc mắc đến quý bạn đọc.
1.Trường hợp nào được coi là phạm tội vu khống
Một người chỉ phạm Tội vu khống nếu biết rõ hành vi của người khác là sai sự thật, là bịa đặt, không có căn cứ nhưng vẫn loan truyền nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại cho người đó hoặc tố cáo hành vi phạm tội không đúng sự thật với cơ quan chức năng[1].
Ngoài ra, người tố giác không được cố ý tố giác tội phạm sai sự thật, nếu không tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự[2].
Theo đó, một người bịa đặt và tố cáo điều này với cơ quan có thẩm quyền, sau đó cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố giác là sai sự thật và có đơn yêu cầu của bị hại thì người tố giác sai sự thật có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vu khống.
Ngược lại, nếu chỉ tố giác tội phạm vì thấy có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không khẳng định người đó vi phạm pháp luật, không tuyên truyền, loan tin hoặc không bịa đặt việc người đó phạm tội và tố cáo với cơ quan có thẩm quyền thì không phạm Tội vu khống.
2.Vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện, bị phạt thế nào?
Vu khống người khác nói chung và vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự của người khác nên người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự:
Xử phạt hành chính
Nếu một người vu khống, bịa đặt người khác ăn chặn tiền từ thiện nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng về hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác.[3]
Nếu lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng[4].
Truy cứu trách nhiệm hình sự[5]
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với:
– Hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Phạt tù từ 01 – 03 năm đối với:
– Vu khống có tổ chức;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vu khống;
– Vu khống từ 02 người trở lên;
– Vu khống cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
– Vu khống người đang thi hành công vụ;
– Dùng mạng máy tính để vu khống người khác;
– Vu khống khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 – 60%;
– Vu khống một người phạm tội rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng.
Phạt tù từ 03 – 07 năm đối với:
– Vì động cơ đê hèn mà vu khống người khác;
– Hành vi vu khống dẫn đến nạn nhân tự sát;
– Vu khống khiến nạn nhân rối loạn tâm thần và có tỷ lệ tổn thương 61% trở lên.
Bạn đọc tham khảo: Phòng chống thông tin giả trên mạng xã hội
Bạn đọc tham khảo: Xử phạt khi đăng video độc hại không phù hợp với trẻ em
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Mức phạt đối với hành vi vu khống ăn chặn tiền từ thiện”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017
[2] Điều 144.5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021
[3] Điều 7.3.(a) Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[4] Điều 101.1.(a) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP
[5] Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017