Kinh doanh dịch vụ thám tử tư tại Việt Nam
Trong xu thế hiện nay, khi có những trăn trở, thắc mắc và nghi ngại về một vấn đề nhưng không thể trực tiếp mình tìm hiểu và xác minh, các cá nhân hoặc tổ chức thường tìm đến dịch vụ thám tử tư, để thông qua đó giúp họ điều tra, theo dõi và giám sát được các vấn đề còn khúc mắc, bâng khuâng và cần được giải tỏa.
Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của cá nhân, tổ chức, theo dõi vợ/chồng ngoại tình, giám sát việc học hành, vui chơi con cái, điều tra các hoạt động của các đối tác làm ăn, thu hồi nợ… mà dịch vụ này ngày càng phát triển và lớn mạnh. Vậy kinh doanh hoạt động dịch vụ này tại Việt Nam có hợp pháp và được pháp luật thừa nhận hay không, khi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực này là theo dõi bí mật đời tư của người khác. Song với đó pháp luật liệu có cho phép theo dõi bí mật đời tư của người khác khi không được sự đồng ý của người đó, là những câu hỏi cần lời giải đáp.
- Pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận nhưng không cấm:
Tại Việt Nam hiện nay chưa có một hành lang pháp lý hoặc văn bản giấy tờ nào quy định rõ về hoạt động dịch vụ thám tử tư. Cụ thể, tại Luật doanh nghiệp 2014 hay Luật đầu tư 2014 trong các ngành nghề bị cấm kinh doanh quy định tại Điều 6 thì không có ngành kinh doanh dịch vụ thám tử tư.
Song ở một khía cạnh khác, nếu hoạt động thám tử tư xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của cá nhân: bí mật gia đình, bí mật cá nhân, đời sống riêng tư… thì lại trái với quy định pháp luật về quyền riêng tư quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể việc thu nhập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân thì phải được sự đồng ý của người đó.
Trước đây, Nghị định 108/2006/NĐ-CP còn hiệu lực thì đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra thuộc diện bị cấm đầu tư, vì ngành nghề này được xem là ngành nghề gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, còn tại Nghị định hiện hành 118/2015/NĐ-CPthì lại không đề cập đến vấn đề dịch vụ thám tử tư.
Rõ ràng, khi pháp luật còn chưa thừa nhận, còn nhiều mâu thuẫn và chưa có sự thống nhất thì dịch vụ thám tử tư vẫn chưa thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hoạt động được các công ty dịch vụ thám tử tư hiện nay thường có thể ẩn mình dưới hình thức công ty “dịch vụ cung cấp thông tin” nhưng song đó tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
- Chế tài xử lý khi các bí mật thông tin riêng tư bị tiết lộ:
Khi bí mật thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân..,bị tiết lộ thì cả người nhận được thông tin lẫn người cung cấp thông tin (thám tử tư) đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể theo quy định tại Điều 51.2(a) Nghị định 163/2013/NĐ-CP đối tượng tiết lộ hoặc phát tán tài liệu bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng.
Ngoài ra, có thể bị xử lý hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện tín, điện thoại hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác với mức hình phạt cao nhất từ 01 đến 03 năm tù khi tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác[1].
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về kinh doanh hoạt động dịch vụ thám tử tư tại Việt Nam.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 159.2 Bộ luật hình sự 2015 SĐBS 2017