Kích điện đánh bắt cá – Nguy hại cho môi trường và tính mạng con người
Kích điện đánh bắt cá – Nguy hại cho môi trường và tính mạng con người
Phương pháp đánh bắt cá bằng việc kích điện đã được Nhà nước vận động, tuyên truyền và nghiêm cấm người dân không được thực hiện, bởi lẽ phương pháp này đang gây ảnh hưởng khá lớn đến hệ sinh thái, môi trường ở khu vực xung quanh cũng như tính mạng của con người. Vì sao lại nói thế, hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết sau.
Nguy hại cho hệ sinh thái và môi trường
Ngành khai thác và đánh bắt thủy sản là một trong những ngành trọng tâm của Việt Nam bởi địa hình quốc gia giáp biển Đông và tồn tại nhiều sông hồ. Tuy nhiên số lượng và phần loài của nguồn thủy sản đang dần kiệt quệ do việc ô nhiễm môi trường nước; người dân khai thác quá mức và việc khai thác chưa đi đôi với việc bảo vệ, nhân giống nguồn lợi thủy sản. Hơn cả thế là tình trạng người dân sử dụng điện để đánh bắt cá ở các khu vực sông suối, ao hồ, kênh rạch, đồng ruộng,…
Việc người dân sử dụng điện trong đánh bắt cá nhằm khiến thủy sản (chủ yếu là cá) bị giật sốc, tê liệt hoặc chết để có thể dễ dàng đánh bắt chúng. Tuy nhiên phương pháp này là kiểu khai thác “tận diệt”. Bởi căn cứ theo nghiên cứu thì môi trường nước là môi trường dẫn điện tốt nhất, bất kỳ sinh vật, động vật sinh sống trong môi trường nước có dẫn nguồn điện trong vòng bán kính một mét đều có thể bị giật chết, nếu như may mắn sống sót thì loài thủy sản cũng sẽ mang dị tật và mất đi khả năng sinh sản vốn có. Chính vì điều này, chúng ta khó có thể bắt gặp loài thủy sinh nào sinh sống và tồn tại trong môi trường nước từng bị xung điện; và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi hoàn toàn môi trường thủy sinh này.
Tính mạng con người bị đe dọa
Như đã phân tích thì môi trường nước là môi trường dẫn điện tốt nhất, ngoài việc giết chết thủy sản thì bất kỳ động vật nào chạm hoặc tiếp xúc với môi trường nước có nguồn điện đều có thể thiệt mạng, bao gồm cả con người. Chính vì vậy, ở Việt Nam ghi nhận rất nhiều vụ việc thương tâm khi người dân sử dụng phương pháp này để mưu sinh mà dẫn đến thiệt mạng. Có thể kể đến trường hợp tại thông Đông Hà, Xã Kỳ Lâm, Huyện Kỳ Anh, anh N (33 tuổi) đi rà cá bị điện giật chết ngay dưới suối. Hay vụ việc tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khi 3 người đàn ông đánh bắt cá dưới suối Cam Ly (thuộc khu vực Hố Hồng) thì bị điện giật đến tử vong. Không những vậy, tại địa bàn tỉnh Quãng Ngãi, hai vợ chồng đã tử vong khi đang đánh bắt cá bằng hình thức chính điện trên sông Trà Khúc, do sơ ý mà tử vong tại chỗ.
Theo ghi nhận hằng năm, số lượng người dân thiệt mạng do sử dụng phương pháp này tại Việt Nam là rất lớn, báo chí cũng đưa rất nhiều tin tức, Nhà nước cũng khuyến cáo và ngăn cấm nhưng người dân vẫn cố tình luồn lách cơ quan chức năng để thực hiện mà không lường trước hậu quả. Như gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông ở tỉnh Hòa Bình phát hiện một nhóm người dân dùng điện để đánh bắt cá tại khu vực sông Đà. Không những vậy, tại Thành phố Long Xuyên, từ cầu Tôn Đức Thắng đến cầu Nguyễn Trung Trực ra tới vàm sông Hậu đều có người đánh bắt cá bằng điện.
Nghiêm cấm và xử phạt hành vi
Dù đánh bắt cá để sinh sống qua ngày hay để bán thì việc kích điện trong quá trình đánh bắt, khai thác các loài thủy sinh đều là hành vi vi phạm pháp luật[1] và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường, hệ sinh thái thủy sinh và tính mạng con người. Vì thế, căn cứ vào quy định của pháp luật, thì hành vi này có thể bị:
– Xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu (đối với trường hợp không sử dụng tàu cá); phạt tiền từ 15 triệu đến 40 triệu (đối với trường hợp sử dụng tàu cá); 40 triệu đến 50 triệu (đối với trường hợp sử dụng lưới điện) và tịch thu công cụ kích điện mà người vi phạm đã sử dụng để thực hiện hành vi.[2]
– Truy cứu trách nhiệm hình sự: phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
=> Tùy vào mức độ và hậu quả thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định phạt tiền hay phạt tù.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Kích điện đánh bắt cá – Nguy hại cho môi trường và tính mạng con người”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 7.7 Luật Thủy sản 2017
[2] Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP