Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con trong và ngoài giá thú

Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con trong và ngoài giá thú

Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con trong và ngoài giá thú

Một trong những vấn đề nhức nhối, nan giải phổ biến hiện nay trong lĩnh vực hôn nhân gia đình là hiện trạng một số bà mẹ đã hoặc chưa kết hôn phải tự thân vận động, lặng lẽ nuôi con một mình trong đớn đau, hờn tủi, trước sự quay lưng phũ phàng và tàn nhẫn của người từng chung chăn gối, hết mực yêu thương, điển hình nhất là việc trốn tránh trách nhiệm, cự tuyệt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, đặc biệt của những người đàn ông tồi khi đã hết tình, cạn nghĩa. Trong giây phút tối tăm đó của cuộc đời thì người phụ nữ- người trực tiếp nuôi dưỡng không còn con đường nào khác ngoài nhờ sự trợ giúp và can thiệp của pháp luật (Tòa án) để giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi cho con cái sau này. Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con.

Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con

Trước tiên, để khởi kiện cần xác định đúng yêu cầu cấp dưỡng thuộc loại tranh chấp hôn nhân gia đình nào, từ đó có cơ sở chuẩn bị hồ sơ và đơn khởi kiện có nội dung phù hợp gửi đến Tòa án có thẩm quyền thụ lý. Trong trường hợp có con trong gia thú, cả hai đã kết hôn và ở giấy khai sinh thể hiện có cả tên cha lẫn mẹ thì người trực tiếp cấp dưỡng có thể gửi đơn đến Tòa án giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng[1] với nội dung yêu cầu người cấp dưỡng phải có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng. Yêu cầu này xác đáng, vì phù hợp với đạo lý làm người ở đời, cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái mình sinh ra. Còn theo quy định pháp luật hôn nhân gia đình thì cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái chưa thành niên, đã thành niên, không có khả năng lao động hoặc chưa có tài sản để tự nuôi sống bản thân. [2]

Thêm nữa, con cái sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ và cha mẹ đều phải có nghĩa vụ như nhau đối với con cái của mình. [3] Cho nên Tòa án vẫn sẽ giải quyết đối với các trường hợp con ngoài gia thú, trong giấy khai sinh chỉ thể hiện tên cha hoặc mẹ. Với trường hợp này thì trong đơn khởi kiện cần phải thể hiện nội dung với 2 yêu cầu là xác định, công nhận cha, mẹ cho con [4] và yêu cầu người cấp dưỡng phải có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng.

Sau khi đã xác định được yêu cầu và nội dung khởi kiện, cá nhân có thể gửi đơn khởi kiện[5] đến Tòa án có thẩm quyền. Cụ thể, là Tòa án (bị đơn) người có nghĩa vụ cấp dưỡng cư trú[6], ngoài đơn khởi kiện, người trực tiếp cấp dưỡng cần chuẩn bị các giấy tờ kèm theo như: CMND/CCCD, giấy khai sinh và các tài liệu chứng minh con chung của hai người. Sau đó, Tòa án sẽ thụ lý, thực hiện theo thủ tục chung của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành và đưa ra bản án buộc người trốn tránh cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Song với đó, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn né tránh, thì người trực tiếp nuôi dưỡng có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng (bị đơn) phải thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người được cấp dưỡng. Nếu vẫn cố tình né tránh trách nhiệm, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh sau: Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng [7] và Tội không chấp hành bản án [8]. Nên vậy, dù còn hay không còn tình cảm, thì hai bên cũng nên ngồi lại nói chuyện với nhau và nhận lấy phần trách nhiệm của mình với những đứa con mình đã sinh ra và chỉ khởi kiện, nhờ pháp luật giải quyết khi hy vọng không còn.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con trong và ngoài gia thú.

Xem thêm bài viết tại đây.

Document

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 28.5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[2] Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

[3] Điều 68.2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

[4] Điều 28.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[5] Điều 189.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[6] Điều 39.1a, Điều 40.1a Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[7] Điều 380 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.

[8] Điều 186 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*