Khai nhận di sản thừa kế khi đang sống ở nước ngoài
Câu hỏi: Mẹ tôi mất có để lại di chúc là cho căn nhà tại Việt Nam cho tôi và em gái. Di chúc đã được công chứng và hợp pháp. Tuy nhiên, tôi đang ở nước ngoài nên chưa thể làm các thủ tục nhận thừa kế và tôi lo ngại sẽ mất thời gian làm thủ tục tại Việt Nam. Vậy tôi phải làm gì để có thể khai nhận thừa kế trong trường hợp này.
Luật Nghiệp Thành giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn hai phương án đối với trường hợp bạn là đang ở nước ngoài
Phương án thứ nhất: Nếu có thể về Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn
Đầu tiên, đồng thừa kế với bạn là em bạn cần đến tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng, văn phòng công chứng) để yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.[1]
Tuy nhiên, trước khi thực hiện công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản trước. Cụ thể là phải niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản. Nếu trong khoảng thời gian trên không có ai khiếu nại, tố cáo thì mới được tổ chức hành nghề mới tiến hành công chứng.[2]
Do đó, để thuận tiện, khi em bạn yêu cầu công chứng thì bạn ở nước ngoài có thể gửi các hồ sơ như giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh quan hệ mẹ con,… (bản photo hoặc có thể kèm thêm bản chụp giấy tờ gốc) cho tổ chức hành nghề công chứng để ghi nhận trước vào văn bản khai nhận di sản.
Sau thời hạn 15 ngày niêm yết đó nếu không có bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào, nếu bạn có thể sắp xếp thời gian thì có thể về Việt Nam và cùng em bạn là đồng thừa kế có mặt tại tổ chức hành nghề công chứng để công chứng văn bản khai nhận di sản.
Lưu ý: Khi về nước cần mang theo các giấy tờ tuỳ thân gốc để công chứng viên đối chiếu và công chứng.
Phương án thứ hai: Nếu không thể về VN thì có thể uỷ quyền cho người khác ở Việt Nam thay bạn thực hiện khai nhận di sản cùng với các đồng thừa kế khác.
Để uỷ quyền bạn cần phải có giấy uỷ quyền và thực hiện chứng thực chữ ký hoặc có thể công chứng cả nội dung giấy uỷ quyền tại Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước bạn đang sinh sống. Cụ thể, là tại Đại sứ quán Việt Nam hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.[3]
Bạn nên ghi rõ người được uỷ quyền là ai, các thông tin cá nhân liên quan và cũng cần ghi rõ nội dung uỷ quyền là uỷ quyền người đó để thay mặt bạn thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Bạn cần lưu ý nội dung uỷ quyền để người được uỷ quyền thực hiện đúng trong phạm vi uỷ quyền.
Sau đó, người được uỷ quyền ở Việt Nam sẽ nhận giấy uỷ quyền có chứng thực chữ ký của bạn và đến tổ chức hành nghề công chứng cùng thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế với đồng thừa kế là em gái bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết Người Việt Nam ở nước ngoài uỷ quyền về nước
Tiếp đó, bạn cần sang tên chủ sở hữu căn nhà từ mẹ bạn sang chủ sở hữu mới là hai anh em bạn. Vì thế, cần tiếp tục đến Văn phòng đăng ký đất đai- Uỷ ban nhân dân cấp xã làm thủ tục. Nếu không có thời gian thì bạn có thể tiếp tục uỷ quyền cho em bạn hoặc người khác để làm thủ tục này.[4]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Khai nhận di sản thừa kế khi đang sống ở nước ngoài”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 58 Luật Công chứng 2014
[2] Điều 57.3 Luật Công chứng 2014, Điều 58.2 Luật Công chứng 2014
[3] Điều 78 Luật Công chứng 2014, Điều 5.3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP
[4] Điều 141.3 Bộ luật Dân sự 2015