Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong hoạt động kinh doanh. Thêm vào đó, hành vi có thể hoặc đang gây ra thiệt hại về mặt tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. Vậy hành vi này được quy định như thế nào trong pháp luật Sở hữu trí tuệ. Qúy bạn đọc hãy cùng tìm hiểu với Luật Nghiệp Thành thông qua bài viết sau.

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:[1]

1. Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn

– “Chỉ dẫn thương mại” là dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

+ Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt với các loại hàng hóa, dịch vụ khác;

+ Nhãn hàng hóa được thể hiện dưới dạng bản viết, bản in, bản vẽ, bạn chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán; và được in, đính, đúc chạm, khắc trực tiếp hoặc trên các chất liệu khác để gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

+ Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh nhằm phân biệt với các chủ thể khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

+Biểu tượng kinh doanh là ký hiệu, chữ viết, hình vẽ, hình khối thiết kế một cách độc đáo, riêng biệt và là biểu tượng của doanh nghiệp dùng trong hoạt động kinh doanh;

+ Khẩu hiệu kinh doanh là nhóm từ ngữ xuất hiện cùng với tên doanh nghiệp hoặc đính kèm cùng nhãn hiệu gắn với sản phẩm nhằm nhấn mạnh mục đích, tiêu chí kinh doanh hoặc đối tượng khách hàng mà hàng hóa hướng tới;

Document

+ Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc xuất xứ cụ thể của sản phẩm;

+ Kiểu dáng bao bì của hàng hóa là thiết kế gồm đường nét, hình vẽ, chữ, số, màu sắc, cách trình bày độc đáo, riêng biệt nhằm tạo nên nét đặc trưng của hàng hóa.

– Một chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn bao gồm các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, màu sắc,…) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại, xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

– Hành vi sử dụng bao gồm hành vi gắn chỉ dẫn lên hàng hóa, bao bì, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán; nhập khẩu hàng có gắn chỉ dẫn thương mại đó.

Lấy một ví dụ từ thực tiễn về hành vi sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn của công ty AsianFoods. Theo đó, năm 2015 Công ty Cổ phần Acecook phát hiện sản phẩm “Mì Hảo hạng, Tôm chua cay và hình” đang có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, Tôm chua cay và hình” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ vào ngày 29/4/2005. Cụ thể, nhãn hiệu Hảo Hạng chứa đựng các yếu tố như kiểu chữ, sợi mì tôm, hình tô mì, màu sắc chủ đạo của bao bì tạo nên một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Acecook. Thêm vào đó, sản phẩm Hảo Hạng được quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, lưu hành sản phẩm trên thị trường, gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu mang yếu tố gây nhầm lẫn nhằm quảng cáo, bán thu lợi và khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm Hảo Hảo của Acecook.

2. Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của Điều ước Quốc tế.

– Nhãn hiệu sử dụng đang được bảo hộ tại một quốc gia là thành viên của Điều ước Quốc tế (Công ước Paris, Thỏa ước và Nghị định thư Madrid, Hiệp định TRIPS,…) có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng mà Việt Nam cũng là thành viên.

– Người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu;

– Hành vi sử dụng không được sự đồng ý của chủ sở hữu và không có lý do chính đáng.

Lưu ý: Một nhãn hiệu có thể được sở hữu bởi hai hoặc nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau. Việc các đồng sở hữu cùng sử dụng nhãn hiệu không được khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ; hoặc nhãn hiệu được sử dụng cho sản phẩm mà các đồng sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

3. Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền.

– Tên miền là địa chỉ không gian mạng dùng để truy cập vào địa chỉ của doanh nghiệp. Đây không phải là đối tượng được bảo hộ tuy nhiên tên miền có mối quan hệ chặt chẽ với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,…

Ví dụ: Tên miền quốc gia Việt Nam là “.vn”

– Hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền có dãy ký tự trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại của doanh nghiệp khác đang được bảo hộ hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng; nhằm chiếm giữ, lợi dụng, gây nhầm lẫn, kiếm lời hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Ví dụ: Công ty W kinh doanh các sản phẩm thẩm mỹ với tên miền “Winsnow.com.vn”. Năm 2019, Công ty N đăng ký tên miền quốc gia “Wisnow.com.vn” có dấu hiệu trùng với tên miền của công ty W đã đăng ký. Theo đó, công ty N sử dụng tên miền để kinh doanh cùng loại hàng hóa với công ty W. Từ năm 2018 đến nay, người tiêu dùng luôn có sự nhầm lẫn nhất định với hai tên miền trên.

Tổng kết, tổ chức, cá nhân bị thiệt hai hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý[2] hoặc áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự. Tuy nhiên, ở mỗi loại hành vi, chủ thể yêu cầu xử lý cần cung cấp các chứng cứ để chứng minh sự thiệt hai hoặc yếu tố gây nhầm lẫn. Bên cạnh đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xuất hiện trong pháp luật sở hữu trí tuệ mà còn ở pháp luật thương mại nói chung. Vì thế, cần xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh thuộc lĩnh vực nào để không ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết của cơ quan thực thi thụ lý hồ sơ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Sở hữu trí tuệ

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2019

[2] Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*