Định hướng khi lựa chọn theo nghề luật sư

Định hướng khi lựa chọn theo nghề luật sư

Định hướng khi lựa chọn theo nghề luật sư

Chương 1: Chọn nghề.

1.1 Học luật mở ra nhiều nghề.

1.2 Chọn nghề LS.

1.2.1 Chọn trường đại học.

1.2.2 Chọn ngành học.

1.2.3 Chọn đề tài để làm luận văn tốt nghiệp.

1.2.4 Chọn học một số môn luật hỗ trợ khác.

1.2.5 Chọn các môn học hỗ trợ.

1.2.6 Chọn lọc một số môn thể thao hay một nhạc cụ nào đó.

1.2.7 Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề LS.

1.2.8 Những mặt trái của nghề LS.

1.2.9 Các tai nạn nghề nghiệp LS.

1.2.10 Làm thế nào để có thể làm giàu với nghề LS.

Chương 2: Chọn nơi thực tập và làm việc.

2.1 Chọn nơi thực tập.

2.1.1 Tìm kiếm các TCHNLS tuyển thực tập sinh.

2.1.2 Viết thư xin thực tập và soạn sơ yếu lý lịch.

2.1.3 Sẵn sàng cho một bài kiểm tra ngắn.

2.1.4 Sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn.

2.2 Chọn nơi làm việc.

2.2.1 Làm việc cho TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam.

2.2.2 Làm việc cho các TCHNLD danh tiếng trong nước.

2.2.3 Làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước.

2.2.4 Các công việc nên cân nhắc.

2.3 Học đào tạo luật sư.

2.4 Chọn nơi tập sự hành nghề LS.

2.5 Lựa chọn giữa LS tư vấn hay LS tranh tụng.

Chương 3: Khởi nghiệp và chọn mô hình hành nghề.

3.1 Hoạt động độc lập (Văn phòng LS).

3.2 Công ty luật.

3.3 Những lợi thế và bất lợi của từng mô hình.

3.4 Thời điểm phù hợp để mời LS hợp tác.

3.5 Làm thế nào để chọn LS hợp tác phù hợp 

Bài viết này là phần đầu cuốn sách “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư” của Luật sư Nguyễn Hữu Phước chia sẻ với mục đích định hướng cho các bạn sinh viên đang còn trên ghế nhà trường hoặc vừa mới ra trường có được cái nhìn tổng thể với nghề Luật sư. Giúp các bạn có được hướng đi phù hợp không phải bở ngỡ khi bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường trở thành một luật sư. Bạn đọc nên mua cho mình cuốn sách “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư” của Luật sư Nguyễn Hữu Phước người sáng lập Công ty Luật TNHH Phước và Cộng sự do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản, để có thể hiểu rõ hơn những công việc cần làm ngay từ khi bắt đầu chọn theo nghề Luật sư. Luật Nghiệp Thành rất tâm đắc cuốn sách này nên xin phép tác giả cho đăng lại phần đầu của cuốn sách chỉ nhằm mục đích giúp các bạn trẻ định hướng lựa chọn  khi theo nghề luật sư. Luật Nghiệp Thành chân thành cám ơn Luật sư Nguyễn Hữu Phước.

Chương 1: Chọn nghề

Lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là việc tìm được cho bạn một công việc có thể mang lại thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình bạn, nó còn là tìm cho bạn một ngôi nhà thứ hai bên cạnh gia đình bạn. Thật vậy, mỗi ngày bạn chỉ có 24 tiếng đồng hồ, nếu bạn trừ đi thời gian dành cho nghỉ ngơi (từ 7 – 8 tiếng), phần lớn thời gian còn lại của bạn sẽ là dành cho công việc và có mặt tại nơi làm việc. thời gian này thông thường còn nhiều hơn cả thời gian bạn có mặt ở nhà. Chọn đúng nghề nghiệp sẽ giúp bạn nhanh chóng và dễ dàng đạt được thành công trong nghề nghiệp của mình. Ngược lại, nếu chọn sai nghề, bạn đã tự đặt mình vào một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc. Hơn thế nữa, bạn còn phải chịu đựng công việc mà mình không thích hoặc phải làm những thứ mà  bạn không hề có chút hứng thú nào trong suốt phần lớn quãng thời gian mà bạn có. Điều này sẽ khiến bạn mất đi niềm vui trong làm việc, mất đi ý chí phấn đấu và ảnh hưởng đến tất cả các mặt còn lại trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trả lời câu hỏi: Làm thế nào chọn được một nghề phù hợp; liệu nghề LS có phải là công việc mà mình thật sự phù hợp hay không; nghề này có giúp mình đạt được những mong muốn mà mình đặt ra hay không. Với mong muốn giúp bạn có thể đưa ra quyết định chính xác cho nghề nghiệp tương lai của mình. Chương đầu tiên này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về nghề LS để bạn cân nhắc và quyết định bạn nhé.

1.1 Học luật mở ra nhiều nghề

Nếu bạn chọn nghề không phải vì sự áp đặt của gia đình, bạn bè, người thân, không chạy theo mốt hay phong trào, không chọn nghề vì danh tiếng, dễ kiếm tiền, và thật sự có đam mê và mong muốn theo đuổi ngành luật thì nên nhớ rằng, học luật không nhất thiết phải trở thành LS. Bạn có thể có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau kho học ngành luật. Có người học ngành luật để trở thành công chức, viên chức như thẩm phán, kiểm sát viên hay làm chuyên viên trong các cơ quan nhà nước, hay trở thành giảng viên các trường đại học, cao đẳng… Cũng có nhiều người muốn học ngành luật để trở thành trọng tài viên của các trung tâm trọng tài, thừa phát lại, công chứng viên, quản tài viên… Một bộ phận khác học ngành luật để làm việc trong các doanh nghiệp với vai trò LS nội bộ.

Tuy vậy, điểm chính ở đây là cho dù bạn chọn nghề nào đi nữa thì việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng và chuẩn bị đầy đủ ngay từ khi bạn chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học hay khi bắt đầu bước vào năm học đầu tiên tại trường đại học luật sẽ luôn là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ cho sự thành công trong nghề nghiệp sau này của bạn.

1.2 Chọn nghề LS

Nếu bạn chọn học ngành luật để sau này trở thành LS hành nghề chuyên nghiệp qua việc thành lập hoặc tham gia vào các TCHNLS như các văn phòng LS, công ty luật thì bạn cần có một kế hoạch rõ ràng và chi tiết cho bạn ngay từ đầu. Trong khuôn khổ quyển sách này, xin được chia sẻ một số công việc quan trọng và xuyên suốt mà bạn cần cân nhắc và chuẩn bị cho mình trong khoảng thời gian từ khi vào đại học cho đến sau khi bạn về hưu.

1.2.1 Chọn trường đại học

Bước đầu tiên trong vòng đời nghề nghiệp là chọn trường dạy ngành luật. Bạn phải cân nhắc và chọn cho mình một trường đại học dạy về ngành luật phù hợp với năng lực học vấn của bạn, khả năng tài chính của gia đình bạn, nơi sinh sống của gia đình bạn, cơ sở vật chất đầy đủ và danh tiếng của trường. Bạn có thể cân nhắc giữa các trường đại học trong nước, các trường đại học nước ngoài hay các trường đại học có sự hợp tác của cả hai hệ thống trường trong và ngoài nước.

  • Đại học trong nước

Trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, nếu muốn học về ngành luật thì bạn có thể chọn các trường đại học luật chuyên ngành ví dụ: Trường Đại học luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư Pháp, Trường Đại học Luật TP.HCM trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hay trường Đại học Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học Quốc Gia TP.HCM. Để xem thống kê các trường đào tạo ngành luật của cả nước thì bạn có thể tham khảo đường dẫn: http://danluat.luat-2016-144118.aspx. Các cơ sở đào tạo ngành luật này thường tuyển sinh vào khoảng tháng 7 hàng năm với số lượng sinh viên được tuyển hiện nay khoảng vài ngàn sinh viên. Các môn dự thi là sự thuận lợi đáng kể cho bạn khi quyết định chọn ngành luật và nghề LS trong tương lai.

Ngoài ra, bạn có thể xem xét đi dường vòng bằng cách đăng ký thi vào khoa luật của các trường đại học khác ví dụ như Trường Đại học Luật – Đại học Huế, khoa luật của Trường Đại học Đà Lạt, khoa luật Trường Đại học Cần Thơ, khoa Luật Trường Đại học kinh tế – Đại học Đà Nẵng hay khoa luật của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hàng năm, các trường đại học này đều có đợt tuyển sinh khoa luật hệ chính quy vào cùng thời điểm với đợt tuyển sinh của các trường đại học luật chuyên ngành nói trên với số lượng tuyển vào khoảng vài trăm sinh viên mỗi trường. Các môn dự thi của các trường đại học này cũng tương tự như môn thi tuyển sinh vào các trường đại học chuyên ngành.

  • Đại học nước ngoài

Đi học ngành luật tại các đại học ở nước ngoài như anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức – những cái nôi đào tạo ngành luật – cũng là một sự chọn lựa đang được lưu tâm, đặc biệt là nếu gia đình bạn có đủ điều kiện tài chính trong trung và dài hạn cùng với yếu tố quan trọng là bạn có đủ khả năng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh hay tiếng Pháp) để tham gia các khóa học này.

Dưới đây là một số các trường đại học có dạy ngành luật nổi tiếng của thế giới, chủ yếu là ở các nước phát triển phương Tây, Mỹ và Úc để bạn tham khảo:

  • Trường Luật Harvard của Đại học Harvard (Mỹ)
  • Trường Luật của Đại học Stanford (Mỹ)
  • Khoa luật của Đại học Yale (Mỹ)
  • Trường Luật của Đại học Columbia (Mỹ)
  • Trường Luật của Đại học California, Berkeley (Mỹ)
  • Trường Luật của Đại học Newyork (Mỹ)
  • Khoa Luật của Đại học Cambridge (Anh)
  • Khoa Luật của Đại học Oxford (Anh)
  • Khoa Luật của Trường Đại học London School ò Economics (Anh)
  • Khoa Luật của Đại học Melbourne (Úc)

Ở khu vực Châu Á thì có một số trường đại học có dạy ngành luật nổi tiếng ví dụ như:

  • Trường Đại học Tokyo
  • Trường Đại học Hongkong
  • Trường Đại học Bắc Kinh
  • Trường Đại học Quốc gia Seoul
  • Trường Đại học Kyoto
  • Trường Đại học Quốc gia Singapore

Để bạn có thể theo đuổi 4 năm học ngành luật ở đại học nước ngoài tại các trường đại học thường thường bậc trung thôi thì phí tổn cho tiền học phí sẽ thường không dưới 1 tỷ đồng bạn nhé. Ngoài ra, còn phải cộng thêm vào học phí tiền chi phí sinh hoạt, đi lại cũng gần gấp đôi số tiền học phí đó nữa, tùy theo quốc gia và trường đại học mà bạn chọn. Đây thực sự không phải là một số tiền nhỏ so với thu nhập của một gia đình Việt Nam trung lưu bạn nhé.

Kinh nghiệm cho thấy, việc đi học ngành luật tại các trường đại học ở nước ngoài sẽ hợp lý nếu: (1) bạn đã học tại một trường quốc tế nào đó tại Việt Nam cho giai đoạn tiểu học hoặc phổ thông trung học; (2) gia đình bạn có điều kiện tài chính khá và ổn định; và (3) bạn có trình độ ngoại ngữ đủ tốt để theo học.

  • Bạn thường phải học luật theo một hoặc hai trường phái điển hình là hệ thống pháp luật thông luật – Common Law (hệ thống pháp luật ở Anh, Mỹ, Úc, Singapore, Malaysia) và Hệ thống pháp luật lục địa – Civil Law (hệ thống pháp luật của Đức, Pháp và một số nước lục địa châu Âu chịu ảnh hưởng của Luật La Mã) trong khi hệ thống pháp luật Việt Nam lại khá khác biệt so với hai hệ thống pháp luật này. Pháp luật Việt Nam hiện nay, nếu xét theo góc độ học thuật, thì có thể được xếp vào hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế thì lại có nhiều quy định về tố tụng, dân sự, hệ thống tòa án mang khá nhiều đặc điểm của hệ thống pháp luật Civil Law kết hợp với một số đặc điểm cơ bản của hệ thống Common Law (ví dụ như án lệ). Cho nên, sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài và về Việt Nam tham gia các khóa học đào tạo LS, thực tập và hành nghề LS, bạn có thể gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết, bạn có thể sẽ không hiểu rõ luật việt Nam, kế đến là tư duy pháp lý mà bạn được đào tạo ở nước ngoài có thể không phù hợp với tư duy pháp lý “kiểu Việt nam”. Vì vậy bạn sẽ phải mất thêm thời gian để cập nhật thông tin kiến thức pháp luật việt Nam để hiểu và vận dụng chúng trong công việc hàng ngày của bạn; và
  • Vì các công việc liên quan đến pháp lý ở các TCHNLS tại Việt Nam thường không vận dụng nhiều kiến thức pháp luật mà bạn đã được đào tạo ở nước ngoài, mức lương và phúc lợi không thật sự hấp dẫn so với chi phí đầu tư cho việc học mà gia đình bạn đã bỏ ra cho bạn, bạn có thể sẽ từ chối làm việc cho họ để tiếp tục tìm kiếm những vị trí hay công việc khác mà bạn cho là xứng đáng hơn. Hay nói cách khác, sau khi đi học ngành luật ở nước ngoài về, bạn thường có khuynh hướng kén việc và điều đó trong một chừng mực nào đó sẽ có thể gây khó khăn và làm giảm đi cơ hội nghề nghiệp cho chính bạn.
  • Nếu thật sự muốn phát triển nghề nghiệp LS của bạn và gắn bó lâu dài với nó tại Việt Nam thì lời khuyên cho bạn là bạn nên cân nhắc việc học cử nhân luật tại một trường đại học có tiếng tại Việt Nam. Sau khi làm việc tại một TCHNLS trong nước từ 01 đến 02 năm để bạn có cơ hội hiểu thấu đáo hơn về khung pháp luật của Việt Nam và sau đó tham gia các khóa đào tạo cao học luật tại các trường đại học ở nước ngoài với thời gian từ 01 đến 02 năm. Với kế hoạch học tập như vậy thì: (1) chi phí học tập mà gia đình bạn phải bỏ ra sẽ ít hơn ít nhiều so với trường hợp bạn học toàn bộ 04 năm tại trường đại học ở nước ngoài; (2) bạn vẫn được cấp bằng thạc sĩ luật nước ngoài chính quy; (3) khi đi học ở nước ngoài, bạn sẽ ít gặp khó khăn hơn về kiến thức pháp luật nền tảng cũng như rào cản về ngoại ngữ bởi vì: (i) bạn đã có nền tảng pháp lý chung ít nhiều trong thời gian học cử nhân luật và làm việc tại Việt Nam; và (ii) kiến thức ngoại ngữ cơ bản của bạn cũng tạm đủ cho việc theo học ở nước ngoài quãng thời gian học ngoại ngữ tại Việt Nam; (4) khi về Việt Nam bạn có thể xin việc và đi làm ngay mà không bị bỡ ngỡ và tốn nhiều thời gian cho việc tiếp cận và làm quen với công việc mới; (5) bạn sẽ có khuynh hướng dễ dàng chấp nhận các công việc với mức lương hợp lý và thực tế hơn; (6) các TCHNLS ở Việt Nam có khuynh hướng thích ứng viên loại này vì chi phí tiền lương hợp lý hơn và ứng viên có kiến thức văn hóa/ pháp luật Việt Nam đồng thời có sự giao lưu với kiến thức pháp luật quốc tế.
  • Kết hợp học luật tại Việt nam và tại nước ngoài để lấy bằng nước ngoài

Một cách khác mà có thể giúp giảm thiểu hơn nữa chi phí học tập nhưng vẫn phần nào đạt được mục đích của bạn là có kiến thức và bằng cấp có yếu tố nước ngoài, chính là việc bạn đăng ký theo học các khóa đào tạo thạc sĩ luật theo các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học ở nước ngoài. Thông thường, theo các chương trình hợp tác này, trường đại học tại Việt Nam sẽ đảm nhận công tác tuyển sinh và bố trí giảng viên Việt Nam tham gia giảng dạy giai đoạn đầu một số môn luật học cơ bản tại cơ sở giảng dạy của trường đại học tại Việt Nam, cũng như có thể đưa một số giảng viên nước ngoài của trường đại học nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, các sinh viên này sẽ được đưa sang học tiếp giai đoạn tiếp theo tại cơ sở của trường đại học ở nước ngoài và được cấp bằng của trường đại học đó.

Một ví dụ điển hình của mô hình hợp tác đào tạo này là của Trường đại học Luật TP.HCM, cơ sở đào tạo pháp lý đầu tiên của Việt Nam thực hiện chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ luật thương mại quốc tế (LLM) cùng với Đại học West of England của Vương quốc Anh.

  • Học luật tại đại học Việt Nam để lấy bằng đại học nước ngoài

Một cách khác mà có thể giảm thiểu hơn nữa chi phí học tập của bạn so với các cách trên là đăng ký theo học tại các khóa đào tạo thạc sĩ luật theo các chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ học tại Việt Nam. Thông thường, theo các chương trình hợp tác này, các trường đại học tại Việt nam sẽ thực hiện công việc tuyển sinh và cử giảng viên Việt nam tham gia giảng dạy tại cơ sở của trường tại Việt Nam. Còn trường đại học nước ngoài thì đưa một số giảng viên nước ngoài của họ vào Việt Nam để trực tiếp giảng dạy sinh viên tại cơ sở của trường đại học tại Việt Nam theo giáo trình do hai bên cùng biên soạn và theo lịch học phù hợp với thời gian của sinh viên. Các sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng thạc sĩ luật của trường đại học nước ngoài.

Ví dụ như chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh doanh quốc tế giữa Trường Đại học Panthéon – Assas Paris II, Pháp và Trường Đại học Kinh tế -Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM với thời gian học 02 năm tại trường Đại học Kinh tế – Luật và bằng Thạc sĩ do Trường Đại học Panthéon – Assas Paris II, Pháp cấp.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

  • Học luật tại công ty con của đại học nước ngoài tại Việ Nam

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam ( Fulbright University Vietnam) theo mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận vào ngày 25/5/2016, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cho Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV Bob Kerry. Dự kiến trong niên học 2017 – 2018, Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mở khóa đào tạo thạc sĩ luật kinh doanh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Đây có thể coi là một kênh học tập ngành luật mới để bạn có thể lựa chọn lấy bằng thạc sĩ luật quốc tế tại Việt Nam với yếu tố thuận lợi là bằng cấp sẽ do FUV, một trường đại học danh tiếng có yếu tố nước ngoài cấp (có liên kết với Đại học Harvatd của Mỹ), bằng được Chính phủ Việt Nam công nhận, học phí khá hợp lý, giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tiễn môi trường pháp lý của Việt Nam, được tạo điều kiện thực tập tại các công ty luật danh tiếng tại Việt Nam và được tiếp tục làm việc tại Việt nam trong suốt thời gian tham gia khóa học.

Ngoài ra, hiện nay Trường Đại học Việt – Đức đang trong giai đoạn đầu hoạt động hay xa hơn là việc thành lập Trường Đại học Việt – Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội tại Việt Nam. Có khả năng là các trường này sẽ có đào tạo ngành luật trong tương lai không xa để bạn có thêm sự lựa chọn cho mình.

1.2.2 Chọn ngành học

Sau khi chọn được trường đại học luật phù hợp, việc kế tiếp cũng không kém phần quan trọng là bạn phải chọn được cho mình chuyên ngành luật phù hợp với nghề LS.

Hiện nay, nhìn chung các trường đại học dạy về luật ở Việt Nam có sự phân chia về chuyên ngành luật để sinh viên đăng ký lựa chọn trước khi tham gia kỳ thi đại học (điển hình như Đại học Luật TP.HCM) chia thành 5 khoa chính là luật dân sự, luật thương mại, luật hành chính, luật hình sự và quản trị luật). Việc phân chia chuyên ngành luật tại các trường đại học sẽ có ý nghĩa giúp sinh viên phát triển hơn nữa kiến thức chuyên sâu của mình ở những lĩnh vực chuyên ngành mà họ lựa chọn cũng như có được lợi thế hơn khi tìm kiếm công việc mà họ ước mơ sau này khi tốt nghiệp. Do đó, tùy theo mục tiêu nghề nghiệp của mình, bạn có thể cân nhắc lựa chọn chuyên ngành luật cho phù hợp. Ví dụ, nếu như bạn thích công việc tư vấn và tố tụng liên quan đến hôn nhân gia đình, đất đai, bạn có thể chọn học chuyên ngành luật dân sự. Hay nếu bạn muốn trở thành LS tranh tụng để bào chữa cho khách hàng trong các vụ án hình sự là nghề nghiệp mục tiêu thì bạn có thể lựa chọn cho mình chuyên ngành luật hình sự. Trong số những ngành này, quản trị luật là một ngành mới được Đại học Luật TP.HCM mở trong những năm gần đây. Ngành học này nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại về kinh doanh, quản trị và luật để làm nền tảng nghề nghiệp cho các nhà quản trị và nhà tư vấn. Những sinh viên học ngành này được định hướng đến có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết về các vấn đề quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý. Khi ra trường, sinh viên có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp quản trị và luật như: thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn quản trị, tư vấn kinh doanh và các dịch vụ công.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là việc phân chia các chuyên ngành luật như trên sẽ không có nghĩa là bạn sẽ chỉ được dạy các môn luật có liên quan đến chuyên ngành của bạn thôi. Trong thực tế, do quy định pháp luật giữa các chuyên ngành luật đều có sự liên quan với nhau và nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể tìm kiếm được công việc trong tương lai ở nhiều lĩnh vực, các trường đại học luật đều áp dụng mô hình giảng dạy các môn luật chuyên ngành là gần như tương đồng nhau ở các chuyên ngành luật. Điều này có nghĩa là nếu bạn lựa chọn ngành luật hình sự, bạn vẫn được dạy các môn quan trọng của những ngành luật khác như luật thương mại, luật dân sự, luật hành chính và thậm chí cả luật tư pháp/công pháp quốc tế. Điểm khác biệt giữa các chuyên ngành này là một số môn học chuyên sâu đối với từng chuyên ngành mà sinh viên có thể được học ở giữa cuối năm 3 hoặc năm 4. Do vậy, bạn hãy yên tâm là việc lựa chọn một chuyên ngành luật bất kỳ cũng sẽ không làm bạn mất đi cơ hội tìm kiếm công việc ở một lĩnh vực khác bạn nhé.

1.2.3 Chọn đề tài để làm luận văn tốt nghiệp

Việc chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp của bạn cũng không kém phần quan trọng. Đây là phần kiến thức pháp lý tổng hợp và chuyên sâu nhất mà bạn đúc kết được sau 04 – 05 năm học tập ở trường đại học. Theo quy định hiện hành của các trường đại học tại Việt Nam việc viết luận văn tốt nghiệp sẽ chỉ áp dụng hạn chế cho một số lượng sinh viên đủ điều kiện. Tùy vào quy định riêng của mỗi trường đại học đào tạo luật, thường chỉ có khoảng từ 05 – 10% số sinh viên tham gia theo học là có đủ tiêu chuẩn để được viết luận văn tốt nghiệp.Vì vậy, nếu bạn được chọn viết luận văn, trước hết xin chức mừng vì bạn đã có một quá trình phấn đấu hiệu quả trong suốt thời gian học tập tại trường đại học.

Tiếp đến, điều cần thiết và quan trọng nhất trong quá trình viết luận văn tốt nghiệp là bạn phải chọn đúng đề tài, lĩnh vực pháp lý nào mà bạn thật sự yêu thích bởi vì những kiến thức tích lũy được từ đề tài này sẽ rất hữu ích khi bạn ra trường và hành nghề LS sau này. Trong trường hợp muốn hành nghề LS thì lời khuyên dành cho bạn trong việc chọn đề tài luận văn tốt nghiệp là đừng nên chọn những đề tài có tính học thuật cao, ít có tài liệu tham khảo và dẫn chiếu, quá chuyên sâu về học thuật và không có tính phổ biến, hay ít ai muốn tìm hiểu hay nói cách khác là các đề tài này khó tìm được khách hàng trong tương lai. Bạn hãy chọn cho mình những đề tài bao quát và phổ biến mà khách hàng trong tương lai của bạn sẽ có thể cần đến khi bạn hành nghề LS sau này.

1.2.4 Chọn học một số môn luật hỗ trợ khác

Chọn được ngành học và chọn được đề tài để làm luận văn tốt nghiệp cho phù hợp như đã nói ở trên là rất cần thiết cho bạn, nhưng đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Do đó bạn vẫn cần được tăng cường thêm các kiến thức ở các lĩnh vực pháp lý hỗ trợ khác nữa thì sau này mới có thể hành nghề LS tốt được.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn trở thành LS chuyên về tư vấn và tranh tụng trong lĩnh vực pháp luật lao động thì ngoài các quy định của luật lao động ra, bạn còn cần phải biết một số luật hỗ trợ khác ví dụ như:

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân (để bạn biết thu nhập nào của người lao động sẽ chịu thuế, thu nhập nào được miễn thuế, nếu chịu thuế thì số thuế là bao nhiêu);
  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (để bạn biết một khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động có được đưa vào chi phí hợp lệ của doanh nghiệp);
  • Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế (để bạn biết mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, các trường hợp được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp v.v…);
  • Luật Sở hữu trí tuệ (để biết trường hợp nào mà người lao động được xem là vi phạm các sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp);
  • Luật Doanh nghiệp (để biết các thủ tục để thành lập các công ty cung cấp dịch vị lao động, tìm việc làm, cho thuê lại lao động, các trường hợp chia tách, sáp nhập để cho người lao động dôi dư nghỉ việc);
  • Luật Tố tụng dân sự (trong trường hợp có vụ việc tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp và người lao động được đưa ra tòa án để xét xử);
  • Luật Xuất, nhập cảnh (để làm thị thực nhập cảnh, đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người lao động nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp);
  • Luật Dân sự (trong trường hợp có những thỏa thuận phát sinh trước hoặc sau thời kỳ tồn tại mối quan hệ lao động) v.v…

Và còn nhiều luật khác nữa.

1.2.5 Chọn các môn học hỗ trợ

Một LS khi hành nghề, ngoài kiến thức chuyên môn sâu trong một lĩnh vực pháp lý nào đó, thì cũng cần có một số kiến thức phổ quát ở một số lĩnh vực hỗ trợ khác để giúp cho việc tư vấn có chiều sâu, có chất lượng và hiệu quả hơn cho khách hàng. Ví dụ, bạn có kiến thức sâu rộng trong các vấn đề pháp lý  trong luật sở hữu trí tuệ nhưng bạn lại không biết cách viết một thư tư vấn gãy gọn, súc tích bằng tiếng anh qua email cho khách hàng hay trong trường hợp bạn có một buổi thuyết trình thuyết phục với khách hàng về phần tư vấn của bạn nhưng bạn lại gặp khó khăn trong việc chuẩn bị tài liệu thuyết trình bằng phần mềm Power Point chuyên nghiệp. Qua đó có thể thấy, việc bổ sung các kiến thức phổ quát về một số lĩnh vực hỗ trợ khác như kiến thức kinh tế, kế toán cơ bản, kỹ năng viết tài liệu pháp lý bằng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vi tính văn phòng, kỹ năng thuyết trình, hùng biện… là hết sức cần thiết.

Dưới đây là ví dụ về một số môn học bổ trợ quan trọng mà bạn cần trang bị thêm cho mình:

  • Kiến thức cơ bản về kinh tế, nhất là kế toán

Ngoài việc học các môn pháp lý chuyên ngành, muốn trở thành LS giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, bạn còn phải được trang bị thêm các kiến thức cơ bản về kinh tế, đặc biệt là về kế toán.

Học kinh tế giúp bạn hiểu được cách nền kinh tế vận hành và các doanh nghiệp hoạt động. Học kế toán giúp bạn có thể tư vấn được cho khách hàng trong lĩnh vực thuế doanh nghiệp, một mảng tư vấn pháp lý rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, học kế toán cũng giúp bạn thể hiện suy xét đến góc độ thuế khi tư vấn cho khách hàng trong các giao dịch mua bán, sáp nhập cũng như giúp bạn giám sát một cách có hiệu quả công tác kế toán, thuế cho chính TCHNLS của bạn sau này, giúp cho phí thuế thấp mà vẫn đảm bảo tính hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành.

  • Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ

Bên cạnh lĩnh vực kế toán, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ đặc biệt là Tiếng Anh cũng không kém phần quan trọng, nhất là khi bạn đặt trọng tâm khách hàng của bạn trong tương lai là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện hay chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và/ hoặc các cá nhân nước  ngoài hoạt động kinh doanh hay làm việc tại Việt Nam. Tiếng Anh nói chung có thể được xem là ngôn ngữ phổ biến nhất trong luật pháp quốc tế và vì vậy cũng là công cụ hổ trợ rất quan trọng đối với những LS hành nghề có liên quan đến pháp luật có yếu tố nước ngoài. Khả năng tiếng Anh pháp lý không chỉ đơn thuần giúp LS hiểu rõ vấn đề pháp lý của khách hàng mà còn là thước đo phản ánh sự chuyên nghiệp của LS và có ảnh hưởng nhất định đến sự thành công nghề LS của bạn. Do đó, ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn nên đầu tư khá nhiều thời gian và công sức của bạn cho việc học tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý bằng cách tự học tại nhà qua sách vở, online hoặc thông qua các khóa học tiếng Anh pháp lý tại các trung tâm dạy ngoại ngữ chuyên ngành tại Việt Nam hay tại các trường đại học luật. Các khóa học này có thể trang bị cho bạn một số kiến thức về các đặc tính pháp lý và bản chất của pháp luật, khả năng trao đổi, thương thuyết một cách khá tự tin trong việc giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, khả năng sử dụng tự nhiên từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh liên quan đến pháp luật. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp và đây thực sự là một lợi thế rất quan trọng của bạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu chỉ biết Tiếng Anh không thôi thì có thể vẫn chưa đủ bạn ạ. Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên học thêm một ngoại ngữ phổ biến khác nữa, chẳng hạn như tiếng Pháp hay tiếng Trung Quốc vì có khá nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang sử dụng các ngôn ngữ này và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của bạn, bởi vì các khách hàng nước ngoài thường thích trao đổi các vấn đề pháp lý của họ với LS bản xứ bằng tiếng mẹ đẻ của họ hay một ngôn ngữ phổ biến mà họ thông thạo nhất. Ngoài ra, bạn vẫn có thể chọn một loại ngôn ngữ dù không quá phổ biến trên thế giới nhưng lại khá phổ biến tại Việt Nam để học ví dụ như tiếng Nhật hay Hàn Quốc vì hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư của Nhật bản, Hàn Quốc đang đầu tư, làm ăn tại Việt Nam nhưng lại có rất ít LS Việt Nam có thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ của họ. Do vậy, việc thông thạo một trong các ngôn ngữ này sẽ là lợi thế và bạn sẽ có nhiều khả năng được khách hàng chọn là LS của họ.

  • Kỹ năng vi tính

Kỹ năng vi tính, bao gồm việc sử dụng thông thạo các phần mềm trong bộ Microsoft Office (ví dụ như Word, Excel, Outlook) là hết sức cần thiết cho việc hành nghề LS của bạn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi việc giao tiếp giữa khách hàng và LS phần lớn được thực hiện thông qua email. Bên cạnh đó, việc giới thiệu các dịch vụ pháp lý cũng thường được thực hiện thông qua phần mềm Power Point của bộ Microsoft Office. Một điểm dễ nhận thấy là các dạng giao tiếp của khách hàng – LS truyền thống qua thư/fax hiện đã không còn thông dụng nữa nên việc biết cách sử dụng thuần thục các phần mềm này là hết sức cần thiết và là công cụ không thể thiếu đối với một LS hành nghề chuyên nghiệp.

Nếu thật sự muốn hơn thế nữa thì bạn có thể học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế đồ họa (là các khóa học hướng dẫn thiết kế, quảng cáo và tự sáng tạo ra những áp phích, nhãn hiệu hay những bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp như được nói ở các mục 5.5.2 của quyển sách này) là bạn có thể tự tin trong việc làm cho TCHNLS của bạn một bộ ấn phẩm giới thiệu dịch vụ pháp lý đẹp và chuyên nghiệp theo phong cách riêng của bạn. Các khóa học này sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn các phần giới thiệu, trình bày về TCHNLS của bạn, tạo ấn tượng tốt và sự tin tưởng của các khách hàng tiềm năng qua các ấn phẩm như profile, brochure, catalogue, tờ bướm.

  • Kỹ năng thuyết trình và hùng biện

Nếu muốn là LS tranh tụng ở các tòa án hay tại các trung tâm trọng tài hoặc đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện hành chính thì bạn cũng nên học thêm khóa học đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng về kỹ năng thuyết trình và hùng biện. Bạn nên tìm học các khóa học thuyết trình và hùng biện chuyên dành cho các ngành nghề mang tính dịch vụ chuyên nghiệp “Professional”. Kỹ năng thuyết trình và hùng biện sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều trong việc thuyết phục người nghe (mọi đối tượng người nghe, kể cả thẩm phán, trọng tài, hội thẩm nhân dân, LS đối phương, khách hàng của bạn v.v…) để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng của bạn tại tòa án hay trung tâm trọng tài thương mại.

1.2.6 Chọn lọc một số môn thể thao hay một nhạc cụ nào đó

Bạn có thể thắc mắc tại sao trong Quyển Sách dành cho LS, lại nói về thể thao và âm nhạc. Thể thao và âm nhạc mang đến cho người chơi cơ hội giao tiếp xã hội rất lớn bạn ạ. Như bạn đã biết, việc biết chơi một môn thể thao phổ biến nào đó (ví dụ như golf, tennis, cầu lông…) cũng là một lợi thế lớn cho bạn trong việc tìm kiếm, duy trì và phát triển các khách hàng tiềm năng có cùng sở thích với bạn. Bạn biết đó, bất kỳ ai không ít thì nhiều cũng đều có sở thích thể thao cá nhân của mình và các khách hàng của bạn cũng không phải ngoại lệ. Nếu bạn biết chơi một môn thể thao mà khách hàng của bạn yêu thích thì đó hoàn toàn có thể là chủ đề chung để hai bên có cơ hội trò chuyện, trao đổi với nhau ngoài những vấn đề pháp lý phức tạp. Nếu có điều kiện thì hai bên thậm chí còn có thể giao lưu thi đấu với nhau nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ sẵn có. Đây có thể xem là một trong những thuận lợi  của việc biết chơi một môn thể thao phổ biến nào đó. Bạn có thể xem thêm ở mục 9.4 của Quyến Sách này về lợi ích của việc chơi thể thao đối với sức khỏe của bạn.

Ngoài việc biết chơi ít nhất một môn thể thao phổ biến, bạn cũng có thể xem xét việc học chơi thêm một loại nhạc cụ nào đó (ví dụ như guitar, trống, keyboard, piano…) hay thậm chí tập hát (học thanh nhạc) hay học khiêu vũ để khi có dịp giao lưu với khách hàng tiềm năng của bạn tại những sự kiện nào đó, bạn có thể tự đệm, song tấu, song ca hay khiêu vũ chung với các khách hàng tiềm năng nhằm tạo sự thiện cảm của khách hàng đối với bạn và như vậy là bạn sẽ có thêm những cơ hội có được các công việc pháp lý tuyệt vời từ khách hàng sau đó. Bạn có thể xem thêm ở mục 9.5 của Quyển Sách này về lợi ích của việc chơi một nhạc cụ phổ biến đối với sức khỏe của bạn.

1.2.7 Những ngộ nhận thường gặp khi chọn nghề LS

Chọn nghề là một trong những quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc đời bạn bên cạnh việc quyết định chọn vợ chồng. Người xưa có câu: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc quan trọng trong đời người. “Tậu trâu” chính là chọn nghề và là việc quan trọng đầu tiên. Việc chọn sai nghề có thể dẫn đến những hệ lụy cho bản thân bạn bởi vì nhiều khi trong tương lai nếu bạn không còn có cơ hội để quyết định lại một lần nữa vì có thể hoàn cảnh vào thời điểm đó không còn cho phép làm như vậy thì bạn chẳng thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục than thân trách phận cho quyết định sai lầm của mình cho đến lúc tuổi già. Với nghề LS cũng vậy, cũng có nhiều bạn trẻ có thể qua dư luận xã hội, phim ảnh, sách… thường hay có một số ngộ nhận về nghề này và như con thiêu thân lao vào mà không biết được những mặt trái, điểm yếu của nó. Xin được thống kê một số ngộ nhận thường gặp dưới đây.

  • Làm LS để cứu người

Đúng là một trong những mục tiêu chính của nghề LS là tìm cách cứu người khi họ gặp phải những vấn đề pháp lý trong cuộc sống, công việc hàng ngày dẫn đến  phải ra hầu tòa, tuy nhiên bạn nên nhớ rằng không phải ai làm LS cũng đều ra sức cứu người trong những hoàn cảnh như vậy. Ví dụ, có những LS làm việc trong các doanh nghiệp như những LS nội bộ mà công việc hàng ngày của họ sẽ chỉ là tư vấn cho doanh nghiệp của họ làm sao để tuân thủ các quy định pháp luật (ví dụ như tham gia tư vấn cho khách hàng trong các giao dịch mua bán, sáp nhập chứ không ra tòa/ trọng tài biện hộ cho khách hàng). Cũng có một số LS lại không tham gia hay tư vấn hay tranh tụng mà lại dành hết thời gian tham gia viết sách luật, dạy học hay làm trọng tài viên tại các trung tâm trọng tài thương mại. Do đó, bạn đừng lầm tưởng về điều này để rồi khi đã dày công cố gắng để trở thành LS nhưng vì hoàn cảnh thực tế buộc bạn phải làm những công việc khác đi mà không có điều kiện thực hiện công việc cứu người như bạn hằng mong ước thì bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng, mất phương hướng và làm hại đến sự nghiệp của bạn.

  • Làm LS chắc rất giỏi thuộc lòng các VBPL

Có thể nhiều lúc bạn nhìn thấy các LS ngoài tòa án, trên phim ảnh, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình hay trả lời pháp luật trên báo chí thường hay trích dẫn pháp luật rất chi tiết từ luật, nghị định, thông tư, công văn khi bàn về các vấn đề pháp lý nào đó. Tuy nhiên, xin bạn đừng ngộ nhận rằng LS là người có trí óc siêu phàm, rất giỏi thuộc lòng các văn bản pháp luật, không hẳn như vậy đâu bạn nhé vì mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng riêng tại Việt Nam thôi đã có hàng trăm, hàng ngàn văn bản pháp luật ở rất nhiều lĩnh vực pháp lý được các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ban hành nên không có một LS nào mà có thể nhớ hết từng câu, từng chữ của các văn bản quy phạm pháp luật đó được bạn ạ.

Thông thường, mỗi LS sẽ có một thế mạnh riêng trong một hay vài mảng pháp luật nào đó và họ thường đọc rất kỹ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong (các) lĩnh vực pháp luật đó để phục vụ cho công việc hành nghề hàng ngày của họ nên họ sẽ nhớ khá chính xác nội dung một số điều khoản quan trọng có liên quan và từ đó suy ra các điều khoản liên quan khác, còn những quy định trong các mảng pháp luật khác thì họ chỉ có thể nhớ những quy định cơ bản chung mà thôi. Bên cạnh đó, trước khi ra tòa, ghi hình phỏng vấn, viết báo, trả lời pháp luật họ thường dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm các văn bản pháp lý có liên quan để trích dẫn cho phù hợp nên khi bạn nhìn thấy họ trích dẫn rất lưu loát các điều khoản quy định pháp luật thì bạn lại tưởng là họ đã thuộc lòng chúng. Bạn biết đó, nghề LS là nghề phải biết tư duy, hiểu và có óc phân tích vấn đề pháp lý, tìm hướng giải quyết, biết đọc và chọn lựa các quy định pháp luật nào có liên quan, từ đó suy luận ra tiếp các văn bản pháp lý khác cần đọc, điều này mới làm nên sự thành công của nghề LS bạn nhé.

  • Làm LS chắc sẽ cãi giỏi

Từ lâu trong xã hội chúng ta đã có quan niệm là LS thì phải ra tòa bào chữa cho thân chủ nên LS còn được gọi là thầy cãi và do đó người nào đã là LS thì được cho là phải có khả năng ăn nói hơn người. Về điểm này, bạn cần lưu ý rằng không phải ai là LS thì cũng ra tòa tranh tụng bảo vệ thân chủ như đã nói ở Mục trên bạn nhé, cũng có người làm LS tư vấn hay làm LS nội bộ trong doanh nghiệp… mà những công việc này thì không cần phải giỏi cãi. Thêm vào đó, giả sử như bạn là LS tranh tụng mà phải đi ra tòa đi chăng nữa thì bạn nên nhớ rằng LS cãi ở đây là cãi lý với mục đích là thuyết phục người khác nghe theo lập luận pháp lý của mình dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bằng chứng và sự phân tích pháp lý rõ ràng cũng như trình bày phải mang tính thuyết phục chứ không phải là hùng hổ “cãi chày cãi cối” (cãi mà không có cơ sở pháp lý) để làm sao có thể nói nhanh hơn, dài hơi hơn, giọng to hơn bên đối thủ để giành chiến thắng.

  • Làm LS sẽ được xã hội trọng vọng

Đúng là nghề LS giống như nghề bác sĩ là hai trong số các nghề nghiệp cao quý mà từ xưa đến nay xã hội đặc biệt tôn trọng, vì họ được xem như là những người có học vấn cao trong lĩnh vực chuyên môn của họ khi so sánh với những người bình thường khác. Bên cạnh đó, họ thường là người biết luật pháp nên sẽ tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh, là tấm gương cho những người khác noi theo cũng như việc một trong những mục tiêu nghề nghiệp chính của họ là cứu giúp người khác khỏi những vấn đề pháp lý của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghề LS cũng là một nghề cung cấp dịch vụ đặc thù và bạn chính là người cung cấp dịch vụ đó cho nên đừng nghĩ rằng bạn đang ban phát ân huệ cho khách hàng và mọi người sẽ phải tôn trọng bạn. Là một người cung cấp dịch vụ như bao loại dịch vụ khác, bạn vẫn phải chăm sóc khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng về chất lượng chuyên môn và thái độ phục vụ của bạn và mong muốn trở thành khách hàng trung thành với bạn lâu dài.

  • Làm LS để trở nên giàu có

Bạn có thể đã đọc rất nhiều báo giấy, báo mạng chắc bạn có thể biết là hiếm có ai làm nghề LS mà trở thành tỷ phú Đô la cả. Ở Việt Nam cũng vậy, cũng hiếm thấy có LS nào hành nghề  LS mà được biết là giàu có cả. Có thể bạn đã thấy một số LS nổi tiếng trên báo đài qua các vụ án đình đám, có công ty luật của riêng mình, có nhà to, được làm đại diện cho khách hàng là các công ty đại chúng, được mời đi tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề pháp luật v.v.. nhưng chung quy lại thì LS vẫn là người làm việc chuyên môn và cung cấp dịch vụ bạn ạ. Dịch vụ của LS thường là dựa trên số giờ làm việc thực tế mà LS bỏ ra cho công việc khách hàng. Với tư cách là người làm chuyên môn, thông thường theo yêu cầu của khách hàng, chính bạn phải là người trực tiếp thực hiện công việc cho khách hàng thay vì đồng nghiệp của bạn trong khi bạn chỉ có 24 giờ mỗi ngày để làm tất cả các công việc từ vệ sinh các nhân, ăn uống, làm việc, ngủ, giải trí, công việc gia đình, xã hội… Nói tóm lại là bạn khó có thể nào gia tăng số giờ tính phí khách hàng hàng ngày thêm được nên không thể nào có cơ hội gia tăng thu nhập của bạn theo cấp số nhân để trở nên giàu có như những tỷ phú trong các lĩnh vực khác được.

Bạn cũng cần lưu ý rằng hiện nay tại Việt Nam số lượng LS ra nghề hàng năm khá nhiều và một phần không nhỏ trong số đó mặc dù hành nghề LS đi chăng nữa nhưng thu nhập rất thấp hay thậm chí không có việc làm, buộc phải đi làm các công việc trái nghề. Do đó, cũng có nhiều LS gặp nhiều khó khăn kinh tế trong cuộc sống. Vì vậy cho nên bạn đừng chỉ nhìn vào một nhóm nhỏ LS thành đạt nào đó mà bạn có cơ hội biết họ để từ đó đi ngay đến kết luận rằng, nghề LS mang lại vinh quang, phú quý cho tất cả LS. Nếu bạn đã chọn làm nghề LS thì lời khuyên dành cho bạn là bạn cần phải có sự cố gắng vượt bậc để chinh phục chính mình và vượt lên những đồng nghiệp khác, vì đây là một nghề có tính cạnh tranh rất cao bạn ạ.

  • Làm LS để giúp thay đổi quy định pháp luật

Đúng là khi làm LS hành nghề chuyên nghiệp, bạn sẽ có điều kiện đọc và nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên hơn những người khác, nên bạn sẽ có điều kiện góp phần không nhỏ trong việc đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới giúp cho hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Đây cũng là một cách hết sức hữu ích mà bạn giúp cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng không phải bất cứ đề xuất đóng góp ý kiến gì của bạn đều được các cơ quan nhà nước lắng nghe và ghi nhận hết dù rằng nó rất hợp lý đi chăng nữa. Bạn cần biết rằng trong xã hội thường có nhưng nhóm lợi ích khác nhau và nhiều khi các văn bản quy phạm pháp luật ban hành, trong cùng chừng mực nào đó, phải dung hòa nhiều nhóm lợi ích hay do một hoàn cảnh chính trị nào đó mà các nhà lập pháp và các nhà hành pháp phải ban hành các văn bản luật, quy định nào đó mà chưa thật sự hợp lý cho cộng đồng, xã hội.

  • Làm LS để làm nhà lãnh đạo

Đồng ý với bạn là hiện nay các nước trên thế giới rất nhiều lãnh đạo các đảng phái chính trị thường là LS hay có học luật và có nhiều tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nước có xuất thân từ nghề LS mà ra – ví dụ điển hình như ở Mỹ có cựu tổng thống Bill Clinton, hay ở vương quốc Anh thì có nguyên Thủ tướng Margaret Thatcher, Tony blair, những người đã từng là LS trước khi được bầu vào chức vụ tổng thống, thủ tướng. Tại Việt Nam nhiều nhà lãnh đạo Nhà nước cũng có bằng đại học Luật. Tuy nhiên, bạn đừng ngộ nhận là cứ  làm LS thì bạn sẽ có nhiều khả năng để trở thành người có chức vị cao trong bộ máy cơ quan công quyền. Hàng năm ở Việt Nam có hàng ngàn cử nhân luật ra trường từ các trường dạy luật và cũng có không ít hơn vài ngàn cử nhân luật được cấp chứng chỉ hành nghề để trở thành LS chính thức và vì thế cơ hội để bạn trở thành nhà lãnh đạo các cơ quan nhà nước là khá thấp trừ một số ngoại lệ bạn ạ. Bạn cần biết rằng nghề LS sẽ giúp bạn có kiến thức về pháp luật cũng như các kỹ năng phân tích sự việc, trình bày, thuyết trình… thứ sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác hành chính nhà nước và do đó sẽ tăng cơ hội cho bạn được làm việc ở vị trí công chức chuyên viên) cho các cơ quan nhà nước khi bạn tham gia thi tuyển công chức hàng năm mà thôi chứ không mang tính quyết định là bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại các cơ quan đó vì nhiều lúc tiêu chuẩn xét tuyển lãnh đạo cơ quan nhà nước còn có thêm những yêu cầu khác có liên quan đến đảng phái chính trị mà bạn chưa có (ví dụ như phải là đảng viên).

  • Làm LS để biết luật rồi lách luật

Cũng có quan niệm cho rằng làm LS thì phải biết rất rõ quy định pháp luật và khi biết luật thì LS thường có khuynh hướng không chỉ tư vấn cho khách hàng làm thế nào để tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật mà còn tìm ra những khe hở của pháp luật (vùng xám), nơi pháp luật chưa quy định tới hay dù có quy định nhưng lại chưa rõ ràng để khách hàng có thể lách luật làm các hành vi có lợi cho khách hàng nhưng lại có nguy cơ vi phạm pháp luật, trật tự xã hội và trong một chừng mực nào đó làm phương hại đến lợi ích của nhà nước và xã hội. Về vấn đề này, bạn nên nhớ rằng một trong những khả năng chuyên môn của LS là phân tích pháp luật, tìm hiểu ý định của nhà nước làm luật trong các văn bản pháp luật khi có những quy định chưa rõ ràng nhằm mục đích chính là tư vấn cho khách hàng làm sao tuân thủ đúng quy định pháp luật theo ý định của nhà làm luật, tránh trường hợp khách hàng hiểu sai để rồi làm sai và bị coi như vi phạm pháp luật khi có kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước. Qua việc phân tích pháp luật đó cũng giúp hỗ trợ LS trong việc gợi ý cho các nhà làm luật và các cơ quan nhà nước thay đổi các quy định cho phù hợp, rõ ràng và đầy đủ hơn. Cũng không thể tránh khỏi việc LS biết được những khe hở của pháp luật rồi tư vấn lách luật cho khách hàng như đã nói ở trên nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ LS mà thôi và việc này hoàn toàn có thể gây ra các rủi ro cho khách hàng khi thực hiện theo những tư vấn không rõ ràng như vậy, bạn có thể cũng phải gián tiếp liên lụy nếu có chuyện gì xảy ra cho khách hàng của bạn.

1.2.8 Những mặt trái của nghề LS

Không phủ nhận rằng nghề LS là một nghề cao quý, được xã hội trọng vọng. Tuy nhiên, trong thực tế thì nghề LS cũng giống như bao nhiêu nghề khác bạn à, đều có những mặt trái của nó, mà nếu bạn hiện vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã tốt nghiệp nhưng chưa từng làm việc thực tế cho bất kỳ TCHNLS nào thì hi vọng rằng, những chia sẻ bên dưới có thể giúp bạn phần nào có được suy nghĩ thật chín chắn trước khi lựa chọn đi trên con đường trở thành một LS chuyên nghiệp.

  • Làm việc không có giờ giấc cố định

Nếu bạn mong đợi một công việc với giờ giấc cố định, xin được chia buồn cùng bạn bởi vì, nghề LS hoàn toàn không phải là nghề có thể giúp bạn đạt được mục tiêu này. Do đặc thù nghề nghiệp, công việc của LS có thể phát sinh vào bất cứ lúc nào tùy theo yêu cầu của khách hàng chứ ít khi có giờ giấc cố định. Rõ ràng là bạn không thể yêu cầu khách hàng (đặc biệt là những khách hàng ở nước ngoài có múi giờ khác với múi giờ của Việt Nam) chỉ tìm đến bạn vào giờ hành chính như những ngành dịch vụ khác. Do đó, trong thực tế có đôi lúc bạn có thể rất rảnh rỗi, không có việc gì làm nhưng nhiều khi bạn phải làm việc tối tăm mặt mũi, không biết đến ngày đêm, không có cả thời gian để nghỉ ngơi, cơm nước. Lịch làm việc của bạn thường không cố định sẽ ảnh hưởng đến  các hoạt động cá nhân của bạn cũng như thời gian mà bạn dành cho gia đình. Khi chọn nghề này, bạn phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho những tình huống mà bạn không thể giữ được lịch hẹn với gia đình, bạn bè của bạn cũng như phải bỏ lỡ những dịp, sự kiện  quan trọng với những người mà bạn thân thiết. Chính vì lẽ đó, nếu quyết định lựa chọn nghề này, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn trên và người bạn đời của bạn cũng phải hiểu và thông cảm với bạn cũng như sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình với bạn thì bạn mới có thể yên tâm và tập trung cho công việc được bạn nhé.

  • Áp lực công việc khách hàng dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, nghiện rượu, thuốc lá và… ly hôn

Trở thành một LS, công việc chính của bạn là giúp khách hàng vượt qua các vấn đề pháp lý mà họ gặp phải trong công việc hằng ngày của cá nhân họ hay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp họ. Hiểu một cách khái quát là bạn phải nhận về mình các phiền toái pháp lý của nhiều khách hàng khác nhau cùng một thời điểm, rồi thì vừa tư vấn cho khách hàng thông hiểu được các vấn đề pháp lý của nó, bạn cũng vừa phải nghiên cứu để tìm kiếm các giải pháp khả thi mà không trái với quy định của pháp luật để tư vấn cho khách hàng một cách hiệu quả.  Bởi vì việc của bạn là phải giải quyết cho được các phiền toái pháp lý mà khách hàng không tự giải quyết được nên bạn đừng mong đợi công việc của mình sẽ dễ dàng. Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp của khách hàng mà LS phải theo đuổi hàng vài năm trời với biết bao công sức và thời gian bỏ ra để bảo vệ hiệu quả quyền lợi pháp lý của khách hàng. Chính vì vậy, công việc của khách hàng, luôn tạo áp lực đáng kể trong tâm trí của bạn mỗi ngày, kể cả sau giờ làm việc và thậm chí ngay trong giấc ngủ. Điều này lâu dài có thể dẫn đến việc bạn thường hay bị trầm cảm, căng thẳng, dễ nghiện ngập cũng như thiếu quan tâm đến các hoạt động của gia đình mình. Đây cũng là nguyên nhân khiến nghề LS  là nghề có tỷ lệ tự tử và ly hôn khá cao so với các nghề khác.

  • Phải làm một số công việc của khách hàng mà bản thân bạn không hề muốn

Là LS, bạn cũng phải cần phải chuẩn bị tâm lý cho những tình huống khó xử lý và có thể xảy ra khi bản thân bạn thật sự không muốn tham gia vào vụ việc của khách hàng những vẫn buộc phải làm do trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Một ví dụ điển hình là bạn phải đứng ra đối đầu, tranh cãi trực tiếp với bạn bè hoặc LS đồng nghiệp của mình nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các vụ kiện hoặc vụ tranh chấp mà họ là LS bảo vệ quyền lợi của bên đối kháng với khách hàng của bạn. Khi ấy, với trách nhiệm của một người LS đối với khách hàng, dĩ nhiên là bạn phải tìm mọi cách và khả năng mà pháp luật cho phép đề chiến thăng vụ kiện hay dành về cho khách hàng của bạn những lợi thế đàm phán, mà điều này trong một số tình huống có thể dẫn đến những sứt mẻ khó hàn gắn trong mối quan hệ của bạn với bạn bè và đồng nghiệp.

Một trường hợp khác mà bạn cũng có thể không muốn nhận vụ việc là khi gặp phải các khách hàng mất lịch sự, ăn nói thô lỗ, coi LS như tôi tớ, người phục vụ của họ, hay các vụ việc mà khách hàng không có hứng thú làm việc như các vụ án về hiếp dâm, giết người, trốn nợ, ly hôn, tranh chấp trong gia đình, dòng họ… Tuy nhiên, với trách nhiệm nghề nghiệp, bạn vẫn có thể bị buộc phải làm dù không mấy nhiệt tình hay thậm chí muốn từ chối công việc.

  • Xã hội thường đánh giá khắt khe LS hơn những người bình thường khác

Ắt hẳn đã có lúc khi nghĩ về LS, hình ảnh luôn hiện lên trong đầu bạn là một người oai phong, mặc áo thụng, đầu đội tóc giả, đi đứng với điêu bộ, cử chỉ và lời  nói lúc nào cũng đầy vẻ trang trọng, nghiêm túc và mẫu mực. Đấy là vai trò và hình ảnh tiêu biểu mà xã hội gắn cho LS (cho dù rất thiên kiến). Thực tế thì những yếu tố đóng vai trò khá quan trọng đối với khách hàng khi đánh giá ban đầu về một LS mà họ dự định lựa chọn. Thực tế này xuất phát từ đặc thù công việc của LS, vốn liên quan đến các quy định của pháp luật, sự đúng mực và tuân thủ pháp luật, do đó quan niệm đánh giá của xã hội về LS cũng thường có sự khắt khe hơn nhiều so với người bình thường. Vì vậy, nếu quyết định trở thành LS, bạn cũng nên có một số hạn chế và thận trọng nhất định trong việc giao tiếp trên các mạng xã hội (như Facebook, Twitter, LinkedIn). Ngôn ngữ bạn thể hiện trên các diễn đàn công cộng phải có chừng mực, các ý kiến cá nhân do bạn đưa ra cũng phải có cơ sở và các hình ảnh của bạn đăng trên đó cũng không nên quá đời thường nhằm tránh làm mất đi hình ảnh của một LS chuyên nghiệp, nghiêm túc trong công việc. Khi giao lưu, ăn uống với bạn bè nhiều khi cũng phải giữ ý, không say xỉn nói năng bất lịch sự để rồi hình ảnh của bạn được bạn bè vô tình đưa lên mạng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của bạn trong mắt gia đình, bạn bè, khách hàng và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, do là một người có kiến thức pháp luật sâu rộng, bạn phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành, bởi nếu bạn vi phạm pháp luật với bất kỳ lý do nào thì (ngoài việc phải gánh chịu các hậu quả pháp lý theo luật định) xã hội có cái nhìn tiêu cực về bạn so với những người bình thường khác trong tình huống tương tự.

  • Là đối tượng được báo chí, truyền thông quan tâm, chăm sóc

Nghề LS là một nghề cao quý, được xã hội tôn trọng, nhưng đồng thời xã hội cũng luôn có những đòi hỏi rất cao về phẩm chất đạo đức của người LS. Chính vì lẽ đó, bất kì tin tức gì về LS mà chưa phù hợp với chuẩn mực trên sẽ luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội và trở thành chủ đề “nóng sốt” trên nhiều mặt báo. Một số chủ đề mà bạn có thể dễ dàng gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay chẳng hạn như khách hàng than phiền về chất lượng dịch vụ hay phí thù lao của LS, LS bị khách hàng kiện, LS vi phạm pháp luật, LS có tình cảm quan hệ không trong sáng, LS có con riêng, LS chi tiêu hoang phí v.v… Bạn thấy đó, Nghề LS rõ ràng rất được giới báo chí, truyền thông quan tâm cho nên mọt khi bạn đã chọn nghề LS, lời khuyên cho bạn là cần chuẩn bị tâm lý cho một số hạn chế nhất định trong các hoạt động hàng ngày của bạn và nhiều lúc quyền tự do, riêng tư của bạn cũng bị giới hạn.

  • Có lúc lên đỉnh cao những có lúc xuống vực sâu

Nếu bạn mong muốn trở thành LS, dặc biệt là các LS chuyên về tranh tụng tại tòa án hay các trung tâm trọng tài thương mại trong nước và quốc tế, đây có thể là một thực tế mà bạn không thể tránh khỏi. Thời điểm mà bạn ở trên đỉnh cao chính là khi bạn đại diện cho khách hàng tham gia tranh tụng và giành chiến thắng trong các vụ kiện tại tòa án hay trung tâm trọng tài thương mại. Có thể nói vào thời điểm đó bạn sẽ một bước được lên mây, vừa được khách hàng khen ngợi, được trả thù lao LS đầy đủ theo thỏa thuận, được hưởng thêm tiền (có thể có hoặc không có thỏa  thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý), lại vừa có cơ hội được khách hàng giao thêm nhiều việc mới hay được khách hàng giới thiệu các khách hàng mới. Trong một số vụ kiện đình đám, bạn có thể còn có cơ hội được báo chí, truyền thông săn đón phỏng vấn, viết bài. Tiền tài danh vọng vì đó mà có thể đến theo.

Tuy nhiên, đánh trận rồi cũng sẽ có lúc thua bạn ạ. Việc thắng hay thua trận nhiều khi chính bạn cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được bởi nó còn chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan trong thực tế. Khi đó, nếu khách hàng không thấu hiểu và thông cảm cho bạn (dù khách hàng có thể biết rõ là bằng chứng do họ cung cấp quá yếu nên dẫu LS có tài ba và cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì cũng không làm thay đổi nhiều vị trí pháp lý yếu thế của họ trong vụ kiện được), bạn sẽ cảm thấy thực sự như rơi xuống vực sâu của mình, phải lặng lẽ bước ra khỏi phòng xử án trong sự hờ hững không thèm đếm xỉa của khách hàng. Tình huống xấu hơn, khách hàng còn có thể tránh nhìn mặt bạn và có thể không chịu trả hết thù lao như đã thỏa thuận chỉ với lý do họ bị thua kiện vì LS không giỏi.

  • Có thể bị xã hội xem là nghề mưu sinh trên nỗi đau của người khác

Giống như nghề bác sĩ, bệnh nhân khi đến khám bác sĩ thì phải trả tiền khám bệnh và điều trị. Điều này là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên không phải mọi bệnh nhân ai cũng có đủ điều kiện để chi trả cho các khoản chi phí này. Trong một số trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn gặp phải bệnh nan y chết  người nhưng lại không mua bảo hiểm y tế hay dù có mua bảo hiểm y tế đi chăng nữa nhưng bệnh lại nằm ngoài danh mục các căn bệnh được bảo hiểm thì số tiền khám chữa bệnh thực sự là một gánh nặng vô cùng lớn, xoáy sâu thêm vào nỗi đau của người bệnh. Nhiều bệnh nhân vì đó mà buộc phải bán nhà, đất, cầm cố tài sản hay thậm chí phải đi vay nóng xã hội đen để trả tiền bác sĩ. Cũng có một số bác sĩ vì lợi ích cá nhân có thể đã lợi dụng bệnh tình hiểm nghèo của bệnh nhân để báo thù lao điều trị trên trời.

Nghề LS cũng gần tương tự như vậy, khi khách hàng có bệnh (tức vướng vào một vấn đề pháp lý nào đó) thì họ thường đến nhờ LS thăm khám và điều trị (tư vấn và bảo vệ quyền lợi pháp lý). Gặp phải các vụ việc phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, phí LS ắt hẳn cũng sẽ phải cao hơn để bù đắp công sức LS đã bỏ ra. Điều này, xét trong một khía cạnh nào đó cũng tạo thêm gánh nặng cho khách hàng, đặc biệt là khi khách hàng lại đang trong hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, cũng không thể không phủ nhận việc trong thực tế có một số ít LS đã lợi dụng sự khó khăn về pháp lý của khách hàng đã làm cho khách hàng nhiều lúc bị tổn thương qua việc báo phí thù lao LS quá cao, hay buộc khách hàng phải trả thù lao rất lớn dựa trên sự thành công nếu kết quả tư vấn và bảo vệ quyền lợi được thuận lợi cho khách hàng. Điều này vô hình trung làm cho xã hội không thể nhìn thấy được hết những mục đích cao đẹp khác của nghề LS và có cái nhìn không đúng về nghề này.

1.2.9 Các tai nạn nghề nghiệp LS

Làm nghề nào thì cũng có các tai nạn nghề nghiệp của nghề đó và nghề LS cũng không nằm ngoài quy luật này. Bạn có thể sẽ ít gặp tai nạn nghề nghiệp khi mà LS chuyên về tư vấn nhưng nếu con đường mà bạn lựa chọn là LS chuyên về tranh tụng, nguy cơ các tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn xảy đến với bạn sẽ cao. Khi làm LS tranh tụng, bạn thường đại diện cho một trong các bên để đối đầu lại với các bên khác trong những vụ tranh chấp, mà sự thật là nếu khách hàng đã nhờ đến bạn đại diện cho họ nghĩa là tranh chấp đã đạt đến một mức căng thẳng cao giữa các bên và một tình huống vãn hòa để hai bên đều hài lòng là khó có thể xảy ra. Với trách nhiệm của mình, bạn phải cố gắng hết sức trong khả năng của bạn và căn cứ vào khuôn khổ pháp luật cho phép để bảo vệ tối đa quyền lợi cho khách hàng của bạn trong vụ tranh chấp. Khi cố gắng để thực hiện quyền biện hộ cho khách hàng, bạn nhiều khi lại làm cho các bên tranh chấp còn lại phật ý, không hài lòng, khó chịu, giận dữ. Nhiều lúc họ không kìm chế được và có những hành vi vi phạm pháp luật như nói xấu bạn thông qua các mạng xã hội, mắng chửi hay đe dọa bạn gia đình bạn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, họ còn có thể trực tiếp hay gián tiếp thuê người phá hoại tài sản hay thậm chí là có hành vi gây tai nạn, thương tích cho bạn và gia đình bạn. Do đó, đối với các vụ việc nghiêm trọng mà bạn nhận làm LS bảo vệ hay bào chữa, khi cần gặp (các) bên có tranh chấp với khách hàng của bạn. Nếu buộc phải đi đến địa điểm của các bên tranh chấp hay một nơi nào khác do các bên lựa chọn hay khi ra tòa án hay đến trung tâm trọng tài thương mại, bạn nên đi chung ít nhất với một cộng sự của bạn. Trong trường hợp không thật sự yên tâm, việc thuê thêm dịch vụ bảo vệ do các công ty bảo vệ chuyên nghiệp cung cấp có thể là một phương án hợp lý để đảm bảo sự an toàn tối thiểu cho bạn (một lưu ý nhỏ là bạn cũng cần thông báo trước cho khách hàng biết về việc sử dụng dịch vụ này là cơ sở để bạn có thể yêu cầu khách hàng thanh toán lại phần phí dịch vụ hộ tống mà bạn đã thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ bảo vệ).

Một tai nạn nghề nghiệp nữa mà LS cũng có thể gặp phải đó là khi khách hàng cố tình không thanh toán phí LS. Trong phần lớn các trường hợp, khách hàng có thể vì những lý do khác nhau như tôn trọng hoặc có thể ngại gây ra xung đột với LS nên đều sẽ thanh toán đầy đủ phí dịch vụ cho TCHNLS của bạn. Tuy nhiên, không phải khi nào bạn cũng may mắn gặp được những trường hợp như vậy. Trong thực tế đã có trường hợp khách hàng vì tiếc tiền nên dù đã thắng kiện và có ký hợp đồng thỏa thuận đàng hoàng nhưng vẫn cố tình chây lì không muốn trả thù lao cho LS. Trong những tình huống khó xử như vậy, mặc dù bạn đã tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để theo đuổi vụ kiện cho khách hàng nhiều khi ròng rã cả vài năm trời nhưng sau khi thắng kiện xong, bạn lại phải tiếp tục tốn thêm rất nhiều thời gian, công sức và chi phí của bạn để đưa chính khách hàng củ bạn ra tòa/trọng tài để nhờ phân xử thắng thua việc thỏa thuận với TCHNLS của bạn rồi lại tiếp tục làm việc với cơ quan thi hành án để thu tiền từ khách hàng của bạn (nếu TCHNLS của bạn thắng kiện).

1.2.10 Làm thế nào để có thể làm giàu với nghề LS

Khi nói đến khái niệm làm giàu ở đây thì theo quan điểm riêng của tác giả là khi một người có tài sản thuần (net worth) trên 23 tỷ đồng (tức là khoảng trên 1 triệu Đô la Mỹ) tại Việt Nam thì có thể được xem là giàu.

LS cũng là một nghề cung cấp dịch vụ mà thôi nên thoạt nhìn bên ngoài nên nếu có cố gắng và may mắn thì bất kỳ ai cũng có thể làm giàu bằng nghề LS. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trên, do nghề LS được xã hội nhìn nhận là một nghề đặc thù (nghề cao quý) chuyên cứu người khi gặp các vấn đề khó khăn về pháp lý, và cũng vì phải tự mình làm cái việc cứu người đó dựa trên số thời gian có hạn nên LS gặp khó trong việc gia tăng thu nhập nhanh chóng để làm giàu bằng chính nghề LS mang lại.

Dù hoàn cảnh khách quan là thế nhưng nếu bạn thật sự có quyết tâm cao thì bạn vẫn có thể đạt được điều mong muốn đó. Vậy bạn sẽ làm cách gì đây? Có nhiều cách để bạn cân nhắc, trực tiếp có, gián tiếp có và bạn nên tận dụng thực hiện cả hai cùng lúc dù không cần thiết là với mức độ bằng nhau.

Các cách trực tiếp ở đây là làm sao để giảm chi phí hoạt động và tăng doanh thu TCHNLS của bạn. Đó có thể là:

  • Như bạn đã biết, tiền thuê văn phòng là chi phí lớn thứ hai (sau tiền lương) trong các khoản chi phí của TCHNLS của bạn, cho nên nếu tiết giảm được nó thì bạn có thêm một khoản thu nhập đáng kể trong tổng thu nhập hàng tháng của bạn. Bạn có thể đầu tư mua căn hộ theo mô hình Officetel rồi cho TCHNLS của bạn thuê lại để làm văn phòng làm việc. Vì các Officetel thường tọa lạc tại các vị trí đắc địa, kinh doanh sầm uất trong trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc di chuyển, có nhiều tiện ích ví dụ như trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, siêu thị nên có thể nói đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa văn phòng làm việc và nơi nghỉ ngơi tiện nghi cho gia đình bạn. Với một số LS trẻ thì mô hình căn hộ Officetel là cực kỳ phù hợp, vừa kết hợp căn hộ và phòng làm việc 2 trong 1, tiết kiệm chi phí tiền thuê văn phòng, tiết kiệm thời gian di chuyển từ nhà đến chỗ làm, và Officetel có tính thanh khoản cao do dễ bán và có thể có lời từ việc đầu tư vào đó.
  • Tăng cường việc thiết lập các quy trình làm việc hiệu quả trong nội bộ TCHNLS của bạn cũng như xây dựng và thu nhập các biểu mẫu tài liệu, giấy tờ trong công việc khách hàng và công việc hành chính nội bộ để tiết kiệm việc sử dụng nhân sự không hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí tiền lương TCHNLS của bạn, Hay bạn có thể tìm các công việc pháp lý có tính chất ổn định, dễ dàng, không mất nhiều chất xám để làm (ví dụ như thu hồi nợ, công chứng hợp đồng bất động sản, giải chấp tài sản …) vì bạn không phải dành nhiều thời gian cho các công việc đó, bạn cũng không phải thuê mướn nhân sự có nhiều kinh nghiệm, thâm niên với chi phí tiền lương cao để thực hiện cho các công việc đó.
  • Có một số khách hàng nghi ngờ dịch vụ pháp lý của LS lại muốn thanh toán thù lao LS bằng các dịch vụ, hàng hóa, cổ phiếu, phần vốn góp của công ty, doanh nghiệp của họ thay vì trả bằng tiền và thường các tài sản này có giá đề nghị khá hữu nghị. Bạn nên cân nhắc tận dụng các cơ hội này (trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép) để có thêm một số tài sản mới và giá hợp lý để rồi bạn sẽ bán lại chúng trong một số thời điểm phù hợp trong tương lai. Hay trường hợp có một số khách hàng lại muốn trả thù lao cho LS theo kết quả vụ việc và theo tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản tranh chấp, và nếu theo kinh nghiệm hành nghề và sự đánh giá của bạn mà có thể chấp nhận cách tính phí này (với điều kiện là pháp luật cho phép các tính phí thù lao LS như vậy) và công việc may mắn thành công như khách hàng mong đợi thì bạn sẽ có một khoản thu nhập khá lớn từ đó trong thời gian ngắn mà có thể gia tăng nhanh chóng sản nghiệp của bạn.
  • Cách gián tiếp ở đây có thể là một hay nhiều cách sau:

Với nguồn thu nhập cao và ổn định hàng tháng, bạn luôn được các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tại Việt Nam săn đón làm khách hàng quan trọng (VIP) của họ. Họ sẵn sàng cho bạn vay vốn vào bất kỳ khi nào bạn cần với thủ tục hành nhanh chóng, lãi vay thấp, số tiền vay nhiều, và có trường hợp bạn được vay tín chấp. Đây là đòn bẩy tài chính không thể bỏ qua để bạn có thể dùng một phần trong số tiền thu nhập của mình cộng với vốn vay nhân hàng ưu đãi để tham gia vào thị trường bất động sản năng động tại một quốc gia đang phát triển nhanh với nhu cầu nhà ở rất lớn tại Việt Nam hiện nay thông qua việc mua, bán lại nhà, căn hộ. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng chọn những dự án bất động sản đáng tin cậy, không đầu tư theo phong trào, mua nhà có giấy tờ pháp lý rõ ràng, không có tiềm ẩn tranh chấp. Vì việc đầu tư vào bất động sản không làm bạn tốn nhiều thời gian và bạn cũng không phải dành quá nhiều thời gian hàng ngày để nghe ngóng tin tức thị trường nên rất phù hợp cho nghề LS bận rộn của bạn.

  • Cùng với nguồn thu nhập cao và ổn định hàng tháng, bạn có thể cân nhắc việc đầu tư một phần thu nhập của mình vào thị trường chứng khoán đang tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, bạn nên chọn các mã chứng khoán có tính chất ổn định, phát triển bền vững để đầu tư thay vì chọn các mã chứng khoán theo tính chất lướt sóng, vì có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn mà bạn không có đủ thông tin, không đủ thời gian để phán đoán chính xác được. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là việc đầu tư chứng khoán sẽ làm mất của bạn rất nhiều thời gian hàng ngày trong việc giao dịch mua bán cổ phiếu, nghe ngóng thông tin các công ty mà bạn có mua cổ phiếu nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc hành nghề LS hàng ngày của bạn.
  • Bạn cũng có thể trích một phần thu nhập của mình để bỏ tiết kiệm kỳ hạn dài trong các ngân hàng thương mại, để đạt được hai mục đích cùng lúc là hưởng lãi suất tiền gửi cao và luôn có tiền thanh khoản để có thể sử dụng ngay khi các nhu cầu khác cần đến.

Chúc bạn thành công trong việc áp dụng các lời khuyên ở trên để làm giàu hợp pháp và chân chính cho mình bạn nhé.

Để khởi nghiệp thành công với nghề LS, việc lựa chọn nơi đào tạo và chương trình đào tạo ngành luật tại Việt Nam hay ở nước ngoài là một trong những việc quan trọng đầu tiên mà bạn cần lưu tâm. Ngành luật là một lĩnh vực rộng và bao quát vì vậy bạn cũng cần tập trung nhiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực luật mà mình yêu thích và có khả năng phát triển. Trong quãng thời gian hành nghề ban đầu sau khi tốt nghiệp, bạn nên dành thời gian để bồi dưỡng thêm chuyên môn, kiến thức và các kỹ năng bổ trợ về kinh tế (nhất là kế toán), ngoại ngữ, vi tính, thuyết trình và hùng biện… Học tập tốt chính là nền tảng thuận lợi giúp bạn vững vàng trên con đường khởi nghiệp với nghề LS của bạn sau này.

Bạn cần hiểu đúng về bản chất nghề LS để tránh các ngộ nhận về nghề LS như làm LS là để cứu người, làm LS sẽ cãi giỏi, làm LS sẽ được xã hội tôn trọng, để trở nên giàu có, giúp thay đổi pháp luật, để làm nhà lãnh đạo, hay làm LS để biết luật rồi lách luật. Nếu bạn quyết định chọn nghề LS trước tiên bởi vì các ngộ nhận này thì bạn cần sớm cân nhắc lại quyết định của mình hoặc thay đổi lại cách suy nghĩ để có thể khởi nghiệp thành công với nghề LS trong tương lai.

Bên cạnh những hào quang rực rỡ của nghề LS, bạn cũng cần phải đối mặt với một số mặt trái mà nghề LS thường mang lại như: làm việc không có giờ giấc cố định; áp lực công việc dễ dẫn đến trầm cảm, nghiện ngập, căng thẳng, ly hôn; phải làm một số công việc của khách hàng mà bản thân không hề mong muốn; bị xã hội đánh giá khắt khe hơn những người bình thường và bản thân bạn cũng có thể thuộc những đối tượng được báo chí, truyền thông quan tâm, chăm sóc, bị tai nạn nghề nghiệp…

Nghề nào cũng có cái ưu và cái khuyết bạn ạ. Nếu bạn đã quyết định chọn nghề LS, hãy vững tâm bước tiếp con đường mình đã chọn bạn nhé. Hy vọng sẽ có cơ hội gửi lời chào mừng bạn trở thành đồng nghiệp trong tương lai không xa.

Chương 2: Chọn nơi thực tập và làm việc

Sau khi đọc xong chương 1 của quyển sách này, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn về nghề LS và có sự cân nhắc thiệt hơn khi chọn LS là nghề nghiệp tương lai của bạn rồi phải không nào. Nếu bạn vẫn kiên định với quyết định lấy nghề LS làm cái nghiệp cho mình, trước hết xin được chúc mừng bạn. Những công việc mà bạn cần làm tiếp theo chính là đi tìm chỗ thực tập và sau đó là xin việc làm trong ngành này. Mong rằng các chia sẻ bên dưới sẽ phần nào giúp bạn thuận lợi và suôn sẻ trong gia đoạn đầu tiên trên con đường trở thành LS của mình.

2.1 Chọn nơi thực tập

Giờ đây bạn phải tính tiếp là dù bạn hiện vẫn còn đi học hay vừa tốt nghiệp đại học luật với số điểm bao nhiêu đi chăng nữa thì điều đó cũng không bảo đảm chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được công việc tốt với mức lương mơ ước tại một trong những TCHNLS danh tiếng tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp bạn ạ. Thông thường, bạn cần có một mức độ kinh nghiệm chuyên môn nhất định để các TCHNLS có thể xem xét tuyển dụng bạn vào làm việc cho họ. Vào thời điểm hiện tại, một kỳ thực tập từ 3 đến 6 tháng tại một trong những TCHNLS mà bạn muốn ứng tuyển thường là những thứ tối thiểu mà bạn cần để có thể bắt đầu sự nghiệp của mình tại một TCHNLS danh tiếng.

Đọc đến đây, chắc hẳn bạn có thể sẽ tự hỏi rằng, liệu việc tham gia vào một kỳ thực tập tại TCHNLS có thực sự cần thiết hay không khi mà bạn đã được học qua rất nhiều những quy định pháp luật tại trường đại học rồi. Lời khuyên cho bạn nghề LS là việc ứng dụng luật vào thực tế, tức có nghĩa nó là một nghề kỹ thuật, nó đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hành ngoài thực tế bên cạnh kiến thức lý thuyết được đào tạo tại trường đại học luật. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều TCHNLS danh tiếng thường có quan niệm khác với cách nghĩ của bạn vì họ cho rằng nếu ứng viên chỉ có học giỏi lý thuyết ở trường đại học thì chỉ đáp ứng được điều kiện cần mà chưa thỏa  mãn điều kiện đủ theo chỉ tiêu của họ đó là kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Việc vận dụng đồng thời cả hai kiến thức pháp luật đã học tại trường và kinh nghiệm thực tiễn là rất cần thiết để hành nghề LS cho nên nó đòi hỏi bạn phải trải qua tối thiểu một kỳ thực tập tại một TCHNLS danh tiếng trước khi có một công việc liên quan đến ngành luật chính thức.

Để có thể theo đuổi một kỳ thực tập tại các TCHNLS danh tiếng, bạn nên cân nhắc việc thực hiện các bước tiếp cận như sau:

2.1.1 Tìm kiếm các TCHNLS tuyển thực tập sinh

Kênh đầu tiên mà bạn có thể tiếp cận để tìm kiếm các TCHNLS tuyển thực tập sinh chính là thông qua trường đại học luật nơi bạn theo học. Thông thường các trường đại học luật sẽ ít nhiều biết tên hay có mối quan hệ với một số TCHNLS danh tiếng tại địa phương và thường sẽ có sự phối hợp, hợp tác với các TCHNLS này trong việc tạo điều kiện cho sinh viên của trường thực tập tại TCHNLS của họ.

Việc bạn thường xuyên kiểm tra internet (ví dụ như google) cũng là một kênh hữu ích khác có thể giúp bạn tìm kiếm các thông tin có liên quan đến việc tuyển dụng thực tập sinh của các TCHNLS danh tiếng có lĩnh vực chuyên môn hành nghề phù hợp với chuyên ngành luật mà bạn yêu thích và đang theo đuổi.

Dưới đây là bảng liệt kê một số (không phải là tất cả) TCHNLS danh tiếng tại Việt Nam mà có thể nhận thực tập sinh hàng năm để bạn tham khảo.

Một số TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam (theo thứ tự abc)

STTTên TCHNLSVăn phòngWeb và thông tin liên hệ
1Allen & OveryHanoi & TP.HCMhttp://www.allenovery.com
2Audier & Partners Vietnam LLCHanoi & TP.HCMhttp://audierpartners.com
3Baker & McKenzieHanoi & TP.HCMwww.bakermckenzie.com/Vietnam
4DFDLHanoi & TP.HCMhttp://www.dfdl.com
5FrasersHanoi & TP.HCMhttp://www.frasersvn.com
6Freshfields Bruckaus DeringerHanoi & TP.HCMhttp://www.freshfields.com
7Hogan LovellsHanoi & TP.HCMwww.hoganlovells.com
8Indochina LegalHanoi & TP.HCMhttp://www.indochinalegal.com
9LOGOS Law LLCHanoi & TP.HCMhttp://www.lawlogos.com
10Mayer Brown JSMHanoi & TP.HCMwww.mayerbrown.com
11Nishimura & AsahiHanoi & TP.HCMhttp://www.jurists.co.jp/
12Russin &VecchiHanoi & TP.HCMwww.russinvecchi.com/
13Tilleke & Gibbins Consultants LimitedHanoi & TP.HCMhttp:/www.tilleke.com/
14YulchonHanoi & TP.HCMhttp://www.yulchon.com

Một số TCHNLS trong nước (theo thứ tự abc)

STTTên TCHNLSVăn phòngWeb & thông tin liên hệ
1BizconsultHanoi & TP.HCMhttp://www. Bizconsult-vietnam.com
2BizLawHanoi & TP.HCMhttp://www.bizlaw.vn
3DencoHanoi & TP.HCMhttp://www.dencolawfirm.com
4Dzungsrt & Associates LLCHanoi & TP.HCMhttp://www.dzungsrt.com
5Indochine CounselHanoi & TP.HCMhttp://www.indochinecounsel.com
6Leadco Legal CounselHanoi & TP.HCMhttp://www.Leadcolawyers.com
7Luật ViệtHanoi & TP.HCMhttp:www.luatviet.com
8Lexcomm VietnamHanoi & TP.HCMhttp://www.lexcommvn.com
9LNT & PartnersHanoi & TP.HCMhttp://www.lnt-partners.com
10Nghiêm & ChínhTP.HCMhttp://www.nghiemchinh.com
11Phuoc &PartnersHanoi & TP.HCM & Đananghttp://www.phuoc-partners.com
12Rajah & Tann LCT LawyerHanoi & TP.HCMhttp://www.vm.rajahtannasia.com/
13S&BLAWHanoi & TP.HCMhttp://sblaw.vn
14Thang & AssociatesTP.HCMhttp://www.thang-associates.com
15VB LAWHanoi & TP.HCMhttp://www.vblaw.com.vn/home
16VCI LegalHanoi & TP.HCMhttp://www.vci-legal.com
17VilafHanoi & TP.HCMhttp://www.vilaf.com.vn
18Vision & AssociatesHanoi & TP.HCMhttp://www.vision-associates.com
19YKVNHanoi & TP.HCMhttp://www.ykvn-law.com

Bạn hãy dành thời gian kiểm tra thường xuyên website của các TCHNLS danh tiếng này và nếu cần thiết, viết mail cho người phụ trách việc tuyển dụng của họ hay thậm chí chủ động viết thư hay gọi điện thoại đến văn phòng của họ để hỏi xem họ có đang tuyển thực tập sinh hay không. Hiển nhiên là trước khi gọi, bạn phải nhớ đọc kỹ các thông tin của TCHNLS đó. Trong giai đoạn này, bạn cần tìm hiểu xem các loại hình thực tập mà TCHNLS cần tuyển, ví dụ như thực tập toàn thời gian hay bán thời gian; có thù lao, trợ cấp thực tập không, thời gian thực tập là bao lâu, quy trình tuyển dụng như thế nào.

Cũng còn một kênh khác nữa mà bạn cũng có thể tìm hiểu trước khi liên lạc với TCHNLS là đọc các trang blog cộng đồng trên mạng giới thiệu về các kỳ thực tập tại các TCHNLS danh tiếng và bạn có thể sẽ ngạc nhiên trước những lời giới thiệu và lời khuyên mà các chủ blog này mang đến cho bạn.

2.1.2 Viết thư xin thực tập và soạn sơ yếu lý lịch

Kinh nghiệm cho thấy việc chuẩn bị sơ yếu lý lịch và viết thư xin thực tập cũng quan trọng không kém việc viết thư xin việc để ứng tuyển vào một công việc pháp lý thực sự tại các TCHNLS sau khi tốt nghiệp đại học. Về cơ bản, cơ cấu nội dung của chúng là tương tự nhau trừ phần kinh nghiệm làm việc thực tiễn vì lúc xin đi thực tập thì bạn có thể chưa có kinh nghiệm làm việc.

Bạn nên soạn một bản sơ yếu lý lịch chi tiết, liệt kê trình độ học vấn, các thành tích nổi bật, những hoạt động đội nhóm, phong trào, đoàn thể mà bạn đã tham gia tại trường đại học và kinh nghiệm của bạn có liên quan đến lĩnh vực pháp luật (nếu có). Thông qua website của TCHNLS mà bạn muốn thực tập, nếu bạn biết họ chuyên phục vụ cho khách hàng nước ngoài thì thư xin thực tập và sơ yếu lý lịch bạn nên soạn bằng tiếng Anh hay một loại ngoại ngữ thông dụng khác mà TCHNLS đó thường sử dụng. Để đảm bảo rằng chất lượng nội dung gây ấn tượng cho TCHNLS, bạn có thể sử dụng các mẫu sẵn có trên mạng hay tự viết và nhờ người có trình độ tốt về ngoại ngữ kiểm tra, chỉnh sửa giúp. Trong trường hợp chữ viết tay của bạn thật sự đẹp, bạn có thể cân nhắc việc viết tay thư xin thực tập và sơ yếu lý lịch nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp thì sử dụng máy tính để soạn thảo thư xin việc và sơ yếu lý lịch sẽ tiện lợi, phù hợp và chuyên nghiệp hơn.

Trong thư xin thực tập, bạn cũng cần trình bày một cách sơ lược sự hiểu biết của bạn về TCHNLS mà bạn dự định thực tập để chứng tỏ sự quan tâm của bạn đối với TCHNLS của họ, giải thích một cách hợp lý (không cường điệu) lý do tại sao bạn muốn trải qua kỳ thực tập cũng như nói cho họ biết lĩnh vực hành nghề pháp luật chuyên môn mà bạn dự định sẽ theo đuổi trong tương lai để họ có đủ thông tin và cơ sở để xem xét hồ sơ xin thực tập của bạn.

Kinh nghiệm cho thấy có một số lỗi phổ biến mà các sinh viên luật thường hay mắc phải khi nộp hồ sơ xin thực tập đó là:

  • Gửi hồ sơ xin thực tập đến không đúng người có thẩm quyền trong TCHNLS nên không được phản hồi;
  • Gửi hồ sơ thực tập cho nhiều TCHNLS cùng một lúc nhưng lại quên xóa các thông tin riêng của từng TCHNLS;
  • Mắc nhiều lỗi chính tả không đáng có trong hồ sơ;
  • Gửi hồ sơ bằng tiếng việt cho các TCHNLS nước ngoài;
  • Gửi hồ sơ xin việc bằng mail mà lại không có thư chào hỏi bằng mail bên ngoài;
  • Gửi hồ sơ xin việc đến nhiều TCHNLS thay vì bằng từng email riêng lẻ thì lại vô ý gửi đến toàn bộ các email của các TCHNLS bằng chỉ một email mà thôi, hay sau khi gửi hồ sơ xin thực tập thì lại không theo dõi tình hình xử lý hồ sơ để nhận được trả lời của TCHNLS;
  • Trang trí hồ sơ quá sặc sỡ, nhiều màu, thiếu sự nhất quán, đồng bộ…

2.1.3 Sẵn sàng cho một bài kiểm tra ngắn

Tại một số TCHNLS có quy mô vừa và nhỏ thì quy trình tuyển dụng thực tập sinh nhìn chung khá đơn giản. Thông thường, LS điều hành chỉ xem qua hồ sơ xin thực tập mà các ứng viên nộp và nếu xét thấy phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì sẽ tổ chức một buổi phỏng vấn ngắn và quyết định ngay có tuyển dụng hay không rồi báo luôn cho thực tập sinh biết.

Đối với một số TCHNLS có quy mô lớn hơn và đòi hỏi chất lượng cao hơn của nhân sự đầu vào và có nhu cầu sẽ tuyển thực tập sinh ở lại làm việc sau khi thực tập xong, họ thường thành lập phòng/bộ phận phụ trách vấn đề nhân sự trong tổ chức. Khi đó, quy trình này thường phải thêm tối thiểu một bước nữa đó là ứng viên sẽ được yêu cầu trải qua một bài kiểm tra ngắn về lĩnh vực pháp luật chuyên môn nào đó mà ứng viên có thế mạnh hay yêu thích mà được ứng viên nêu trong hồ sơ thực tập. Bài kiểm tra này thường sẽ được yêu cầu làm theo dạng bài luận hơn là kiểm tra theo dạng chọn câu đúng sai. Mục đích của việc này là giúp cho TCHNLS có điều kiện kiểm tra khả năng viết lách của ứng viên, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng phân tích pháp lý cũng như kinh nghiệm thực tiễn (nếu có).

Bài kiểm tra có thể được các ứng viên làm tại nhà hay tại văn phòng của TCHNLS, tùy theo quy định của TCHNLS. Nếu bạn được yêu cầu làm tại nhà thì lời khuyên dành cho bạn là bạn không nên nhờ người khác, đặc biệt là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề LS, làm giúp bạn thay vì chỉ đơn thuần góp ý cho bạn bởi mục đích của TCHNLS là muốn đánh giá sự phát triển ban đầu các kỹ năng nghiệp vụ của bạn. Nếu nhà tuyển dụng nhận thấy bài kiểm tra của bạn làm quá hoàn hảo, lẽ hiển nhiên, họ sẽ nghi ngờ về khả năng của bạn và sẽ không tiếp tục mời bạn phỏng vấn hay nếu có mời bạn phỏng vấn thì trong cuộc phỏng vấn họ sẽ tìm cách khảo nghiệm nội dung bài kiểm tra mà bạn đã làm để đánh giá xem bạn có thực sự làm bài kiểm tra đó hay không. Các TCHNLS có rất nhiều chuyên môn và kinh nghiệm về vấn đề này nên việc phát hiện sự không thành thật này hoàn toàn có thể trừ một vài trường hợp bạn thật sự may mắn.

2.1.4 Sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn

Sau khi đã trải qua bài kiểm tra và được thông báo vượt qua vòng sơ tuyển thì bước tiếp theo là bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc phòng vấn với người có thẩm quyền các TCHNLS mà bạn đã gửi hồ sơ xin thực tập.

Những người này thường đặt những câu hỏi tương tự như một cuộc phỏng vấn xin việc thật sự hoặc sẽ hỏi bạn về những điều mà bạn đã viết trong thư xin thực tập. Trước khi đến cuộc phỏng vấn, hãy chắc chắn rằng bạn đã tham khảo qua các thông tin của TCHNLS trên website của họ hay trên internet cũng như nghiên cứu tất cả các câu trả lời một cách chuyên nghiệp hợp lý cho các chất vấn của họ. Rất nhiều website trên internet có hướng dẫn bạn cách trả lời các câu hỏi của người  tuyển dụng và bạn nên dành nhiều thời gian nghiên cứu chúng trước khi tham dự buổi phỏng vấn.

Khi tham dự buổi phỏng vấn, bạn nên ăn mặc lịch sự, sạch sẽ, gọn gàng, ví dụ áo sơ mi dài tay dành cho nam và váy dành cho nữ, tránh đi dép lê, bạn có thể kiểm tra xem TCHNLS mà bạn sẽ phỏng vấn có yêu cầu gì riêng về trang phục không. Tắt hay để máy điện thoại di động ở chế độ im lặng trong buổi phỏng vấn. Người phỏng vấn bạn, ngoài việc đánh giá các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của bạn, ngoài việc đánh giá các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của bạn, còn đánh giá bạn thông qua vẻ bề ngoài, tác phong, hình thức, cách ăn nói của bạn nữa nên bạn cần quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Kinh nghiệm cho thấy các TCHNLS thường đặt ra cho ứng viên thực tập sinh một số câu hỏi sau đây khi tham gia phỏng vấn:

  • Tại sao bạn lại chọn TCHNLS của chúng tôi để thực tập?
  • Bạn biết gì về quy trình tuyển dụng thực tập sinh của chúng tôi?
  • Theo bạn thì mục đích mà các TCHNLS muốn tuyển thực tập sinh là gì?
  • Bạn có biết TCHNLS của chúng tôi có thế mạnh trong lĩnh vực hành nghề nào?
  • Theo đánh giá riêng của bạn thì bạn có thể làm được những gì để giúp ích cho TCHNLS chúng tôi trong thời gian thực tập;
  • Bạn dự định sẽ làm công việc gì sau khi hoàn thành kỳ thực tập tại TCHNLS của chúng tôi?
  • Nếu chúng tôi mời bạn ở lại làm việc cho chúng tôi sau thời gian thực tập, theo bạn thì những yếu tố nào từ bạn có thể thúc đẩy chúng tôi ra một quyết định như vậy?

Các kỳ thực tập tại các TCHNLS sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa doanh nghiệp nói chung, văn hóa doanh nghiệp của các TCHNLS nói riêng được thể hiện tại văn phòng nơi các LS làm việc. Đối với những cử nhân luật sắp ra trường như bạn, đây thực sự là một cơ hội trải nghiệm tuyệt vời, bởi vì bạn sẽ có cơ hội được các LS của TCHNLS kiểm tra năng lực của mình, nhận được từ họ nhiều lời khuyên hữu ích và có cơ hội được trực tiếp làm việc, học hỏi trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp của một TCHNLS danh tiếng mà nhiều sinh viên mới ra trường khác cùng lứa với bạn mơ ước. Bất kể điều gì mà một kỳ thực tập mang lại, nó sẽ luôn trang bị cho bạn các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết giúp bạn phát triển nhanh hơn trong quá trình hành nghề LS thực thụ của bạn sau này.

Lời khuyên là nếu bạn đã được nhận vào thực tập, hãy tự đặt ra các mục tiêu mà bạn cần đạt được khi hết kỳ thực tập đó. Bạn có thể sẽ không biết mình sẽ đi đến đâu nếu không có mục tiêu trước.

2.2 Chọn nơi làm việc

Khi bạn mới tốt nghiệp, nếu chọn nghề LS để khởi nghiệp thì ắt hẳn đa số mội sinh viên tốt nghiệp đều mơ ước được làm việc trong các TCHNLS lớn (đặc biệt là chi nhánh hay công ty con của các công ty luật nước ngoài), có danh tiếng, lương và phúc lợi cao, địa điểm làm việc lý tưởng, có điều kiện cọ xát với các công việc phức tạp, hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu sau này bạn muốn ra hành nghề LS độc lập thì lời khuyên cho bạn là mỗi nơi làm việc đều có những thuận lợi và bất lợi cho công việc của bạn sau này, vì vậy bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi có quyết định cho bản thân mình.

Thực tế thì sẽ không có một nơi làm việc nào được xem là lý tưởng và hoàn hảo tuyệt đối cả bạn ạ, thậm chí là ngày cả ở những TCHNLS lớn có yếu tố nước ngoài, mỗi nơi luôn có những thuận lợi và bất lợi của nó. Do đó bạn cần xác định rõ công việc pháp lý mà bạn sẽ làm trong tương lai là gì để chọn lựa cho mình một nơi làm việc phù hợp. Dưới đây là những phân tích cơ bản về nơi làm việc trong các môi trường TCHNLS khác nhau để bạn tham khảo, xem xét và quyết định nhé.

2.2.1 Làm việc cho TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam

Làm việc cho các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam có thể là ưu tiên số 1 trong dự định của bạn và nếu bạn được làm việc cho họ khi bạn vừa mới ra trường thì có thể nói đó là một sự khởi đầu khá thành công của bạn rồi. Hiện nay có khoảng hơn 20 TCHNLS nước ngoài đang mở chi nhánh hay công ty con hoạt động tại Việt Nam. Xin tham khảo danh sách tại mục 2.1.1.

Các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam thường có các chế độ đào tạo bài bản, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp với sự hỗ trợ đào tạo từ nhân sự của công ty mẹ ở nước ngoài. Họ chú trọng đào tạo bạn từ những công việc giản đơn nhất trong TCHNLS như sao chụp giấy tờ, đánh máy vi tính, lưu hồ sơ, cách viết biên bản các cuộc họp với khách hàng đến những công việc phức tạp hơn như soạn thảo bản thảo tư vấn, tham dự các cuộc họp với khách hàng (nhưng sẽ không được trao đổi với khách hàng, lắng nghe và ghi chú nội dung các cuộc họp với khách hàng là chủ yếu) và thậm chí các công việc khó khăn hơn nữa như tham gia tư vấn pháp lý các giao dịch mua bán giá trị cao, làm LS bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các tranh chấp pháp lý phức tạp. Họ không chỉ đào tạo bạn dựa trên công việc được giao mà còn có thể sẽ xem xét đưa bạn đi học các khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng mềm ở bên ngoài hay thậm chí là đi tu nghiệp ở nước ngoài và làm việc tại văn phòng của họ ở nước ngoài để tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi quay về Việt Nam tiếp tục làm việc cho họ.

Một thế mạnh khác khi làm việc cho các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam là nó giúp bạn có tư duy theo cách của các nước phương Tây, được trao đổi, giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng bằng tiếng Anh. Nếu bạn định hướng các khách hàng mục tiêu của bạn trong tương lai là khách hàng nước ngoài thì đây là một yếu tố vô cùng thuận lợi. Một thế mạnh khác nữa có thể kể đến là các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam thường có các công việc pháp lý liên quan đến các giao dịch thương mại lớn, tính phức tạp cao, có tính chất xuyên quốc gia và như vậy bạn sẽ có nhiều cơ hội cọ xát với công việc chuyên môn, giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về pháp luật quốc tế. Sau cùng, làm việc cho các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam thường được trả lương, thù lao cao hơn so với mặt bằng lương chung mà các TCHNLS trong nước trả thường từ 10-20%.

Tuy nhiên, điểm bất lợi khi làm việc cho các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam là họ thường có khuynh hướng chuyên môn hóa bạn, tức là họn sẽ đào tạo làm sao để bạn sẽ rất giỏi nhưng chỉ ở trong một lĩnh vực pháp lý chuyên môn nào đó, hay thậm chí chỉ là giỏi trong một phần lĩnh vực pháp lý nào đó mà thôi (ví dụ, họ đào tạo bạn là LS về pháp luật lao động nhưng bạn sẽ chỉ chuyên về tư vấn sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà thôi, còn các lĩnh vực pháp lý khác cũng trong lĩnh vực pháp luật lao động thì bạn chỉ biết một cách chung chung và dừng lại ở mức cơ bản). Điều này có thể sẽ tốt nếu bạn làm việc trong một môi trường hành nghề LS chuyên nghiệp với đội ngũ LS đông đảo, có phân chia các phòng, ban rõ ràng, dựa trên sự chuyên môn hóa tối đa để tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, nó sẽ là bất lợi cho bạn nếu sau này bạn muốn đứng ra thành lập một TCHNLS riêng cho mình, vì khi bạn làm dịch vụ pháp lý cho chính mình, bạn sẽ khó có thể từ chối các công việc pháp lý khác nhau mà khách hàng đưa tới TCHNLS của bạn, đặc biệt là trong giai đoạn ban đầu mới khởi nghiệp kinh doanh nghề LS khi TCHNLS của bạn chưa có nhiều khách hàng.

Bất lợi thứ hai xuất phát từ mục tiêu chính mà các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam muốn hướng tới đó là nhanh chóng đào tạo bạn trở thành một LS giỏi để bạn có thể làm việc tạo ra doanh thu ngay cho họ thay vì tốn thời gian đào tạo bạn trở thành người quản lý công ty luật của họ trong tương lai vì họ đâu biết rằng họ có tiếp tục kinh doanh lâu dài tại Việt Nam hay không hay rằng bạn có muốn gắn bó lâu dài họ hay không, hay trong trường hợp chính sách nhân sự toàn cầu của họ là không nội địa hóa nhân sự cấp cao. Do đó, nhìn chung là bạn có thể sẽ không được trang bị một số kỹ năng mềm mà thật sự là không thể thiếu trong việc điều hành và quản lý TCHNLS sau này của bạn như kỹ năng về kế toán, thuế, thu hồi công nợ khách hàng, nhân sự, quản trị, phát triển kinh doanh.

Thời gian làm việc cho các TCHNLS nước ngoài tại Việt Nam lý tưởng cho bạn là từ 4-6 năm với điều kiện là bạn đừng nhảy việc quá nhiều từ TCHNLS này sang TCHNLS khác trong thời gian này vì không có TCHNLS nào lại muốn giao những công việc khách hàng khó và phức tạp cho các LS mới ra trường hay chỉ mới làm cho họ trong thời gian ngắn từ 1-2 năm cả.

2.2.2 Làm việc cho các TCHNLD danh tiếng trong nước

Một chọn lựa khác là bạn vào làm việc cho các TCHNLS danh tiếng trong nước. Theo thống kê của Liên đoàn LS Việt Nam, hiện nay trên toàn quốc có khoản hơn 30 TCHNLS Việt Nam danh tiếng (tham khảo danh sách tại mục 2.1.1 ở trên). Nếu bạn thật sự có thực lực cộng thêm một chút may mắn, bạn có thể nhận được lời đề nghị làm việc cho một trong các TCHNLS Việt Nam danh tiếng này.

Do các TCHNLS tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và đa số là các TCHNLS trẻ được thành lập không hơn 20 năm trở lại đây nên một trong những thuận lợi chính khi làm việc cho các TCHNLS này là họ có chính sách đào tạo dài hạn dành cho nhân viên để phát triển đội ngũ kế thừa cho họ sau này. Do đó, bạn sẽ có cơ hội là một trong những ứng viên tiềm năng có thể kế thừa công việc hiện tại của họ trong tương lai. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ sớm được giao các công việc quan trọng và chịu nhiều áp lực và trách nhiệm hơn so với các công việc mà bạn đã làm cho các TCHNLS nước ngoài. Bên cạnh đó, do các TCHNLS này không có khuynh hướng chuyên môn hóa chặt chẽ nhân viên, nên bạn sẽ có cơ hội được giao và làm việc ở nhiều mảng luật khác nhau, tùy theo nhu cầu của khách hàng tại từng thời điểm và như vậy sẽ giúp bạn có điều kiện tích lũy nhiều kiến thức pháp lý và kinh nghiệm cần thiết để hành nghề độc lập sau này. Các TCHNLS trong nước ngày nay cũng đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với thời kỳ Việt Nam mới mở cửa hơn 25 năm trước đây nên họ cũng bắt đầu chú trọng đến công việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ năng mềm, yếu tố sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc hành nghề LS sau này.

Các điểm bất lợi chính khi làm việc cho các TCHNLS trong nước là cách tư duy của bạn, trong một chừng mực nào đó, vẫn còn theo kiểu Việt Nam, chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Rõ ràng tư duy pháp lý kiểu “một chiều” sẽ là một hạn chế rất lớn khi bạn phải tiếp cận và xử lý những vấn đề pháp lý phức tạp và có thể liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Bạn sẽ không có góc nhìn rộng về một sự việc pháp lý nào đó, đặc biệt là các giao dịch, tranh chấp có tính chất xuyên quốc gia và có sự xung đột pháp luật của nhiều nước khác nhau. Một điểm bất lợi khác nữa khi làm việc cho các TCHNLS trong nước là thu nhập cho bạn thường không cao bằng khi bạn làm cho các TCHNLS nước ngoài do thu nhập mà khách hàng trả cho họ cũng thường không cao bằng các công ty luật nước ngoài trong khi họ phải tốn kém nhiều khoản chi phí để đào tạo nguồn nhân lực dài hạn cho tương lai. Một điều rõ ràng, việc tích lũy tài chính để phục vụ cho công việc hành nghề sau này của bạn sẽ có phần hạn chế và theo đó cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

2.2.3 Làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước

Một chọn lựa khác là vào làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước. Theo thông kê của Bộ tư pháp Việt Nam, hiện tại đến tháng 12/2014 có khoảng 3.500 TCHNLS đang hoạt động trên 63 tỉnh thành trong cả nước và con số này có thể đã lên đến 4.000 TCHNLS vào thời điểm hiện tại.

Ưu điểm nôt bật khi làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước là bạn có thể được giao ngay trọng trách công việc khách hàng từ đầu khi mới nhận việc, do đó tính cọ xát công việc khách hàng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Bạn cũng có thể được giao phụ trách một số công việc nội vụ văn phòng và vì thế bạn sẽ tích lũy thêm được một số kinh nghiệm quản lý, điều hành văn phòng TCHNLS của bạn trong tương lai. Sau cùng, do các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước thường chuyên về các vấn đề dân sự (hôn nhân gia đình, đất đai…) và hình sự hay làm các dịch vụ tuân thủ (compliance) và họ rất giỏi về lĩnh vực này nên nếu bạn có định hướng hành nghề luật sau này ở những lĩnh vực như đã đề cập thì bạn nên chọn làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước.

Tuy nhiên, làm việc cho các TCHNLS vừa và nhỏ trong nước lại có một số điểm bất lợi như quy mô văn phòng của họ nhỏ nên sẽ không có nhiều điện kiện để bạn làm việc theo nhóm cũng như làm việc với nhiều LS khác nhau. Thêm vào đó, công tác đào tạo nhân viên chủ yếu thường là dựa trên các công việc khách hàng giao là chính hơn là đào tạo bài bản từ thấp đến cao, từ chuyên môn phần cứng đến kỹ năng mềm, cũng như được đào tạo ở dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp bên ngoài. Một số TCHNLS vừa và nhỏ trong nước lại chưa có nhiều các vụ việc có giá trị giao dịch, tranh chấp lớn, phức tạp nên bạn sẽ khó có điều kiện tiếp cận các loại công việc này.

2.2.4 Các công việc nên cân nhắc

Khi mới ra trường, nếu muốn hành nghề LS và được làm việc trong các TCHNLS nước ngoài hay các TCHNLS danh tiếng trong nước là bạn đã gặp may mắn rồi. Nếu không được như vậy thì bạn có thể tìm kiếm công việc tại các TCHNLS vừa và nhỏ Việt Nam tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà chưa thể vào làm việc được ở những nơi này thì bạn nên cân nhắc việc đi học thêm để bổ sung kiến thức (học cao học luật hay học các môn phụ trợ cho nghề LS) và nếu có thể thì tạm thời chưa xin làm LS nội bộ danh nghiệp hoặc công việc trái nghề ngay.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu bạn vừa ra trường và làm LS nội bộ (ví dụ như làm phòng nhân sự hay phòng dự án trong doanh nghiệp bình thường) thì khả năng để bạn quay trở lại con đường LS chuyên nghiệp sau này sẽ khó khăn hơn nhiều so với những người ra trường và vào làm ngày cho các TCHNLS và trên thực tế chỉ có những người có ý chí quyết tâm cao mới có thể quay trở lại được và thành công. Trong thực tế, sau một thời gian làm LS nội bộ của doanh nghiệp, bạn thường chỉ được yêu cầu tập trung làm việc ở một số vấn đề pháp lý đặc thù chung của doanh nghiệp của bạn mà thôi ví dụ luật lao động, hợp đồng, thuế đặc biệt là tập trung vào vấn đề tuân thủ pháp luật, bạn thường không có ai kinh nghiệm cao hơn bạn trong lĩnh vực pháp lý tại Việt Nam trong doanh nghiệp để hướng dẫn cho bạn, điều này trong một chừng mực nào đó sẽ khiến cho bạn không phải chịu áp lực công việc cao, không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và dĩ nhiên là khi bạn quay trở lại con đường hành nghề chuyên nghiệp, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì cách suy nghĩ, suy luận, phân tích pháp lý của bạn đã khác đi nhiều so với một LS hành nghề chuyên nghiệp và những thói quen đó khó có thể thay đổi trong một ngày một buổi được hay có thể là không thể thay đổi được.

Còn nếu bạn quyết định làm một công việc trái nghề nào đó ví dụ như làm nhân viên phòng hành chính, nhân sự chẳng hạn, một điều chắc chắn rằng, khả năng sau này để bạn quay trở lại hành nghề LS sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Những kiến thức pháp lý mà bạn được học ở trường đại học sẽ dần dần rời xa khỏi tâm trí bạn trong thời gian này do bạn không có điều kiện sử dụng và cập nhật chúng thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, có một số người rất chịu khó phấn đấu, nhạy bén vẫn thành công khi quay trở lại hành nghề LS dù họ buộc phải làm công việc trái nghề hay làm LS nội bộ ngay khi mới tốt nghệp.

2.3 Học đào tạo luật sư

Ngoài kiến thức chuyên môn ngành luật mà bạn được học tại các trường đại học, để hành nghề LS, bạn còn cần phải có chứng chỉ hành nghề LS do Bộ tư pháp cấp mà điều kiện tiên quyết để được cấp chứng chỉ này là bạn phải tham gia khóa đào tạo nghề LS do Học viện tư pháp trực thuộc Bộ tư pháp tổ chức. Theo quy định hiện hành, các khóa học này sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm với thời hạn tham gia khóa học là 12 tháng. Khi kết thúc khóa học, bạn sẽ phải tham gia kỳ thi đầu ra để đảm bảo chất lượng và trong trường hợp vượt qua được kỳ thi này, bạn sẽ được cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề LS.

Về chương trình học của khóa đào tạo nghề LS thì theo Quyết định số 3101/QĐ-BTP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ tư pháp về Chương trình Đào tạo Nghề LS, mục tiêu đào tạo nghề LS là: (i) trang bị cho học viên kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, hình thành năng lực hành nghề đáp ứng yêu cầu của nghề LS; và (ii) rèn luyện phẩm chất chính trị phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc và sau khi hoàn thành khóa học học viên có khả năng tiến hành được các ông việc cơ bản của nghề LS.

Phương pháp đào tạo của khóa đào tạo LS là sự kết hợp giữa hình thức giảng dạy trên lớp, thực hành nghề nghiệp và tự nghiên cứu. Việc giảng dạy trên lớp chủ yếu thông qua các bài tập tình huống cụ thể; khuyến khích sự tham gia tích cực của học viên trên cơ sở hướng dẫn, gợi mở của giảng viên; và đảm bảo cho học viên bước đầu tiếp cận với thực tế nghề nghiệp thông qua việc diễn án, kiến tập tại các phiên tòa, phiên xét xử của trung tâm trọng tài, TCHNLS.

Theo quy định của Bộ tư pháp, Chương trình Đào tạo Nghề LS bao gồm:

Phần I: Khối kiến thức chung; kiến thức kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp LS và thông tin chính sách, pháp luật mới bao gồm:

  • Các kiến thức chung về nghề nghiệp LS (bắt buộc); và
  • Các kiến thức và kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp LS và thông tin chính sách, văn bản pháp luật mới (bắt buộc).

Phần II: Khối kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp LS, bao gồm:

  • Các kiến thức kỹ năng cơ bản của LS trong hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý, tham gia trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính và lao động (bắt buộc); và
  • Các kiến thức chuyên sâu, bổ trợ về từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp LS (tự chọn).

Phần III: Khối kiến thức về thực hành và thực tập nghề nghiệp LS, bao gồm:

  • Thực hành nghiên cứu hồ sơ, diễn án tại các cơ sở đào tạo và tổ chức hành nghề LS trong thời gian học; và
  • Thực tập nghiên cứu hồ sơ, tham dự lấy lời khai, tham dự phiên tòa, tham gia thực hành tư vấn pháp luật… tại TCHNLS và các cơ quan tư pháp.

Phần IV: Ôn tập và thi tốt nghiệp

2.4 Chọn nơi tập sự hành nghề LS

Theo quy định của LS, nếu bạn có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề LS thì được tập sự hành nghề tại TCHNLS. Thời gian tập sự hành nghề LS là 12 tháng, trừ một số trường hợp được giảm thời gian tập sự như bạn đã là thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật, điều tra viên sơ cấp…Thời gian tập sự hành nghề LS được tính từ ngày bạn đăng ký tập sự tại Đoàn LS đại phương nơi có trụ sở của TCHNLS mà bạn tập sự và sẽ được Đoàn LS xem xét và cấp Giấy chứng nhận bạn là người tập sự hành nghề LS.

Thông thường thì bạn sẽ tập sự tại nơi bạn đang làm việc và đó có thể là TCHNLS nước ngoài hay TCHNLS trong nước. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đang làm việc như một LS nội bộ của doanh nghiệp dân doanh hay làm công việc trái nghề thì rất có  thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm một TCHNLS phù hợp để xin tập sự hành nghề LS theo quy định vì đa số các TCHNLS đều muốn bạn phải thật sự đến tập sự tại TCHNLS của họ trong khi bạn thực tế lại đang làm việc ở một nơi khác để có thu nhập.

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, bạn phải tham dự một kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS trước khi được Bộ tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề LS. Ban chủ nhiệm Đoàn LS đại phương sẽ xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS gửi cho Liên đoàn LS Việt Nam quyết định theo khu vực nhưng ít nhất là 6 tháng một lần. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS tiến hành. Nếu bạn đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS: thì sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS cho bạn. Sau đó, bạn làm hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề LS gửi cho Ban chủ nhiệm Đoàn LS địa phương. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn LS địa phương sẽ chuyển hồ sơ của bạn cho Sở Tư pháp tỉnh/thành phố kèm theo bản xác nhận bạn có đủ tiêu chuẩn hành nghề LS. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp tỉnh/thành phố có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề LS gửi Bộ Tư pháp ra quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề LS cho bạn. Trong thực tế, các quy định về thời gian ở trên sẽ dài hay ngắn hơn tùy theo thực tế tại từng địa phương vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan bạn nhé.

Sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề LS, Đoàn LS còn phải làm thủ tục với Liên đoàn LS Việt Nam để bạn được cấp thẻ LS. Theo đó, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập đoàn LS, Ban chủ nhiệm Đoàn LS địa phương sẽ gửi văn bản đề nghị Liên Đoàn LS Việt Nam cấp thẻ LS cho bạn gia nhập đoàn LS. Bạn sẽ chỉ có đủ điều kiện hành nghề LS khi có đầy đủ cả hai là Chứng chỉ hành nghề LS và thẻ LS.

2.5 Lựa chọn giữa LS tư vấn hay LS tranh tụng

Khi được cấp thẻ LS tức là bạn đã chính thức trở thành một LS (tiếng Mỹ gọi là attorney hay tiếng Anh gọi là lawyer) rồi. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là trở thành một LS giỏi, có tiếng tăm thì bạn không thể chỉ dừng lại ở đó mà cần phải phát triển, tuy nhiên trong thực tiễn hành nghề, do yêu cầu đặc thù về kỹ năng của từng hướng hành nghề, các LS tại Việt Nam thường được chia thành LS tranh tụng (tiếng Anh gọi là barrister hay prosecution counsel – luật sư hướng dẫn buộc tội hay defence counsel – luật sư hướng dẫn bào chữa) hay trở thành LS tư vấn – solicitor (là LS chuyên tư vấn pháp luật cho khách hàng và chuẩn bị tài liệu và hồ sơ pháp lý, thường ít xuất hiện ở tòa án).

Bạn có thể nôm na xem LS tư vấn như là một bên canh giữ thành trì, luôn tìm mọi cách để gia cố chúng thêm vững chắc, cản trở để không cho bên công thành phá được thành (tức là tư vấn để khách hàng tuân thủ và vận dụng pháp luật), còn LS tranh tụng có thể được xem như là một bên công thành, luôn tìm mọi cách để công phá thành trì bên giữ thành (tức là tìm mọi khe hở pháp luật của bên giữ thành để khai phá thành mà có lợi cho thân chủ của mình). LS tư vấn do đó đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật sâu rộng và bao quát về các vấn đề pháp lý của khách hàng cùng với các đức tính cẩn trọng trong công việc để từ đó đưa ra những tư vấn pháp lý phù hợp, kịp thời và cần thiết để khách hàng có thể tuân thủ và vận dụng pháp luật một cách đúng quy định pháp luật nhưng lại hiệu quả và tiết kiệm nhất, giảm thiểu đến mức tối đa các khe hở pháp lý do các quyết định thương mại/quản trị doanh nghiệp đưa ra trong hoạt động hàng ngày của khách hàng. Do yêu cầu về sự thận trọng, cẩn trọng luôn được đặt lên hàng đầu, LS tư vấn sẽ không cần phải quá nhạy bén, nhanh chóng trong công việc, không nhất thiết phải có khiếu hùng biện dù khả năng ăn nói lưu loát là cần thiết để tạo niềm tin cho khách hành, đối tác. Trong khi đó, đối với LS tranh tụng thì yêu cầu quan trọng nhất là phải rất nhạy bén trong công việc để đưa ra hướng xử lý trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi có những tình tiết mới phát sinh trong quá trình tham gia vụ kiện phải có cách ứng biến ngay tại phiên xử án, có khiếu ăn nói, hùng biện, ngoại hình thân thiện, dễ gần và phải giỏi về các thủ tục tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, LS tranh tụng lại không cần phải có kiến thức pháp luật quá chuyên sâu trong một lĩnh vực pháp lý nào đó (trừ luật tố tụng), đặc biệt là trong những lĩnh vực khá chuyên môn như ngân hàng, xây dựng, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ vì có thể có sự trợ giúp từ các LS tư vấn cùng làm chung.

Chọn lựa giữa việc trở thành LS tranh tụng hay LS tư vấn là điều kiện cần để bạn phát triển nghề nghiệp LS của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần lựa chọn cho mình một hay một vài lĩnh vực pháp lý chuyên ngành mà bạn ưa thích nhất để phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực đó cộng với một số lĩnh vực pháp luật có liên quan để bổ trợ cho chuyên ngành pháp luật thuộc chuyên môn của mình.

Cần lựa chọn nơi thực tập và làm việc phù hợp

Việc lựa chọn nơi thực tập và làm việc phù hợp có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công khi khởi nghiệp với nghề LS sau này của bạn. Nếu được trải qua quá trình thực tập, bạn sẽ thu nhận được cho mình những trải nghiệm đầu tiên về môi trường làm việc của nghề LS trong thực tế thì thông qua những nơi làm việc ban đầu, bạn sẽ tích lũy cho mình những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn phù hợp với lĩnh vực pháp lý mà bạn mong muốn theo đuổi khi khởi nghiệp về sau.

Trong suốt quá trình này, sự chủ động của bạn là điều vô cùng cần thiết để bạn có thể chọn được nơi thực tập, nơi làm việc và tập sự hành nghề LS phù hợp. Để sự lựa chọn của bạn là tốt nhất và đúng với mong mỏi của bạn, lời khuyên dành cho bạn là bạn nên nghiên cứu thật kỹ thông tin có liên quan về nơi thực tập, nơi làm việc mà bạn dự định ứng tuyển cũng như tự đánh giá thật kỹ lưỡng bản thân của mình. Với góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân tác giả, nếu bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lựa chọn phù hợp, đây sẽ là một bước đệm rất vững chắc giúp bạn đạt được thành công khi khởi nghiệp với nghề LS.

Chương 3: Khởi nghiệp và chọn mô hình hành nghề

Giờ đây sau khi bạn đã quyết định chọn nghề LS làm nghề nghiệp cho mình rồi và đã có khá đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc hành nghề LS, bao gồm bằng cử nhân luật tại một trường đại học danh tiếng, có 1 số năm kinh nghiệm làm việc cho các TCHNLS danh tiếng đủ lâu để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, bạn cũng đã được cấp chứng chỉ hành nghề LS và thẻ LS để có thể chính thức hành nghề. Bạn cũng đã được trang bị 1 số kỹ năng mềm phục vụ cho công tác chuyên môn và công tác quản trị TCHNLS. Bên cạnh đó, bạn cũng đã tích lũy được một khoản tài chính kha khá để dành cho việc thành lập TCHNLS của bạn và có thể duy trì hoạt dộng tối thiểu của nó trong một khoảng thời gian hợp lý (thông thường là từ 04 đến 06 tháng với giả định là TCHNLS của bạn sẽ không có doanh thu hay nếu có thì cũng không đáng kể trong thời gian ban đầu này). Bước kế tiếp mà cũng không kém phần quan trọng mà bạn cần cân nhắc đó là chọn lựa cho TCHNLS của bạn một hình thức hoạt động phù hợp theo quy định của Luật LS hiện hành để phục vụ cho việc hành nghề LS của bạn.

Theo quy định của Luật LS, TCHNLS có thể được thành lập và hoạt động dưới một trong những  hình thức là văn phòng LS hoặc công ty luật. Mỗi hình thức hoạt động sẽ mang đến cho TCHNLS của bạn và bản thân bạn những thuận lợi và bất lợi nhất định. Tùy thuộc vào mục tiêu phát triển, điều kiện khởi nghiệp, cũng như chuyên môn hành nghề của bản thân và những LS mà bạn dự định hợp tác, bạn sẽ cân nhắc hình thức hoạt động phù hợp để phát triển TCHNLS của bạn tốt nhất bạn nhé.

3.1 Hoạt động độc lập (Văn phòng LS)

Theo hình thức hoạt động này, văn phòng LS của bạn sẽ do một mình bạn là người thành lập và sẽ tổ chức và hoạt động theo hình thức như 1 doanh nghiệp tư nhân[1]. Điều này có nghĩa là bạn, với tư cách là LS sáng lập, sẽ là Trưởng văn phòng và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng LS của bạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng toàn bộ tài sản của bạn về mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của văn phòng LS.

3.2 Công ty luật

Một hình thức hoạt động khác mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn đó là thành lập công ty dưới một trong hai hình thức là công ty luật hợp danh hay công ty luật TNHH. Trong khi công ty luật hợp danh do ít nhất 2 LS thành lập (gồm bạn và ít nhất là một LS cộng sự của bạn) và không có thành viên góp vốn thì công ty luật TNHH bao gồm công ty luật TNHH hai thành viên trở lên và công ty luật TNHH một thành viên.

Tuy nhiên, công ty luật TNHH hai thành viên trở lên do ít nhất hai LS thành lập thì công ty luật TNHH một thành viên do một LS thành lập và làm chủ sở hữu. Bạn và các LS thành viên của công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH có hai thành viên trở lên sẽ thỏa thuận cử một LS thành viên làm giám đốc công ty. Đối với công ty luật TNHH một thành viên, bạn là LS làm chủ sở hữu sẽ đồng thời là giám đốc công ty.

3.3 Những lợi thế và bất lợi của từng mô hình

Dưới đây là một số lợi thế và bất lợi của từng mô hình để bạn tham khảo và có một quyết định đúng cho mình:

Mô hìnhThuận lợiKhó khăn
Văn phòng LSQuản lý nội bộ đơn giảnLoại hình doanh nghiệp tư nhân, chịu trách nhiệm vô hạn
Có thể đóng TTNDN trên cơ sở khoán phần trăm trên hóa đơn nên công tác kế toán khá đơn giảnKhông có điều kiện chuyên môn hóa đội ngũ nhân sự.
Quyền quyết định được tập trung về một mối là trưởng văn phòng LS nên việc ra các quyết định sẽ nhanh chóngKhó có điều kiện thu hút nhân tài
Chi phí thành lập và duy trì hoạt động thấpKhó có được những khách hàng lớn vì kiến thức và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù có hạn
Không mất thời gian tính toán việc phân chia lợi nhuận giữa các thành viênBạn không thể đi đâu xa hay nghỉ bệnh lâu ngày được vì nếu nghỉ lâu ngày thì sẽ không ai đủ tin cậy để thay bạn điều hành văn phòng LS trong thời gian bạn vắng mặt.
Có thể đưa người thân, họ hàng (vợ, con, bà con, người quen,…) vào làm việc để giảm chi phí và đáng tin cậy hơn người ngoài.Không có điều kiện để giới thiệu các dịch vụ pháp lý khác không phải là thế mạnh của bạn cho các đồng nghiệp khác trong cùng tổ chức.
Không có điều kiện huấn luyện và đào tạo nhân viên một cách bài bản
Phát triển kinh doanh tương đối chậm hơn so với các mô hình hoạt động khác
Trong trường hợp chọn nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì chi có thể xuất hóa đơn dịch vụ, không có thuế GTGT nên khách hàng không thể đưa thuế GTGT vào thuế GTGT đầu vào của khách hàng mà nó trở thành chi phí của khách hàng.
Công ty luật hợp danhRủi ro được chia sẻ giữa các thành viên theo điều lệ công ty luậtChịu trách nhiệm vô hạn và các thành viên cùng gánh chung trách nhiệm
Mỗi LS thành viên tùy theo thế mạnh kiến thức, kinh nghiệm của mình để đảm nhận một công việc phù hợp trong công ty luậtPhải có ít nhất hai thành viên sáng lập
Có sơ đồ quản lý công ty luật từ thấp đến cao đàng hoàngChi phí thành lập thực tế cao hơn so với thành lập văn phòng LS
Có điều kiện chuyên môn hóa đội ngũ nhân sự tư vấn pháp lýChi phí giám sát nội bộ, minh bạch hóa cao hơn so với thành lập văn phòng LS
Có điều kiện hơn trong việc thu hút nhân tàiKhó tạo ra các chia lợi nhuận hợp lý giữa các thành viên
Dễ dàng hơn trong việc có được những khách hàng lớn vì tiềm lực nhân sự lớn hơn
Các LS thành viên có thể luân phiên nghỉ khi có việc riêng mà không phải lo về việc không có ai quản lý công ty luật
Có điều kiện để giới thiệu các dịch vụ pháp lý khác cho khác hàng giữa các LS thành viên với nhau trong cùng một công ty luật
Có nhiều điều kiện hơn trong việc huấn luyện, đào tạo nhân viên
Cơ hội phát triển, mở rộng kinh doanh nhanh chóng hơn so với hình thức văn phòng LS
Công ty luật TNHH một thành viênChiu trách nhiệm hữu hạn dựa trên số vốn góp vào vốn điều lệ công tyKhông có nhiều điều kiện chuyên môn hóa độ ngũ nhân sự
Quản lý nội bộ khá đơn giảnCó khó khăn hơn trong việc thu hút nhân tài so với công ty TNHH hai thành viên
Quyền quyết định quản trị đuọc tập trung về một mối, việc ra quyết định cũng sẽ nhanh chóngKhó có được những khách hàng lớn vì kinh nghiệm nghề nghiệp của bạn có hạn
Chi phí thành lập và duy trì hoạt dộng thấpBạn không thể đi đâu xa hay nghỉ bệnh lâu ngày được vì nếu nghỉ lâu ngày thì sẽ không ai làm công việc văn phòng.
Khỏi phải tính toán việc phân chia lợi nhuận giữa các LS thành viên với nhauKhông có điều kiện để giới thiệu các thế mạnh dịch vụ ở các mảng dịch vụ pháp lý khác trong cùng công ty luật.
Không có điều kiện huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân viên bài bản vì thiếu nhân sự
Phát triển kinh doanh khá chậm
Công ty luật TNHH hai thành viên trở lênChịu TNHH dựa trên số vốn góp vào vốn điều lệ công ty luậtCó ít nhất hai thành viên thành lập
Rủi ro được chia sẻ giữa các thành viênChi phí thành lập cao hơp
Mỗi người tùy theo thế mạnh của mình để đảm nhận một công việc chuyên môn phù hợp trong công ty luậtChi phí giám sát nội bộ, minh bạch hóa cao hơn
Có sơ đồ quản lý công ty luật từ thấp đến cao đàng hoàngGặp khó khăn trong việc hình thành cách chia lợi nhuận hợp lý giữa các LS thành viên
Có điều kiện chuyên môn hóa đội ngũ nhân sự
Có điều kiện hơn trong việc thu hút nhân tài
Dễ dàng hơn trong việc có được những khách hàng lớn vì cơ sở vật chất tốt hơn, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm hơn
Bạn và các LS thành viên khác có thể nghỉ dài ngày khi có việc riêng
Có điều kiện để giới thiệu dịch vụ qua lại giữa các LS thành viên trong cùng một công ty luật với nhau
Có nhiều điều kiện hơn trong việc huấn luyện, đào tạo nhân viên

 

Dựa trên một số thuận lợi và bất lợi được nêu ở trên, trong các hình thức kinh doanh của TCHNLS thì kinh nghiệm cho thấy là bạn nên cân nhắc và chọn lựa giữa 2 hình thức là công ty TNHH một thành viên hay công ty TNHH hai thành viên trở lên vì tính chất đối vốn và chịu TNHH của nó.

3.4 Thời điểm phù hợp để mời LS hợp tác

Chọn thời điểm mời LS hợp tác để cùng nhau thành lập và/hoặc hoạt động TVHNLS của bạn là một việc làm rất hệ trọng trong sự duy trì và phát triển TCHNLS của bạn, nó thậm chí có thể được ví như việc bạn chọn thời điểm để kết hôn với người phối ngẫu của mình vậy. Nếu chọn đúng, TCHNLS của bạn sẽ sớm đi đến thành công vì sức mạnh doanh nghiệp được gia tăng ở nhiều mặt. Ngược lại, nếu chọn sai thì nhiều khi các bên buộc phải đường ai nấy đi, đôi khi còn không muốn nhìn lại mặt nhau nữa, khi đó bạn và các LS cộng sự mỗi người lại phải làm lại mọi việc khởi nghiệp gần như từ đầu.

Chọn LS hợp tác có thể thực hiện tại các giai đoạn, thời điểm khác nhau, tùy theo chiến lược và mục đích mà bạn nhắm tới. Tại mỗi giai đoạn khác nhau, việc mời LS hợp tác sẽ mang lại cho bạn những thuận lợi nhưng cũng có thể chứa những bất lợi nhất định và sẽ không có cách nào là hoàn hảo cả bạn ạ. Bằng kinh nghiệm của mình, xin nếu ra một số trường hợp đã xảy ra trong thực tế như bạn đọc bên dưới. Bạn nên cân nhắc những thuận lợi và bất lợi tại từng thời điểm mà chọn cho mình thời điểm mà bạn cho là phù hợp nhất với hoàn cảnh của TCHNLS của bạn.

  • Trong thực tế có một số LS khi khởi nghiệp với nghề LS thường thích tự mình trực tiếp thành lập và điều hành TCHNLS, trực tiếp đưa ra các quyết định chuyên môn và quản trị cho đến khi TCHNLS tìm được một chổ đứng tương đối trên thị trường pháp lý rồi mới tính đến việc tìm kiếm các LS thành viên phù hợp khác để cùng nhau hợp tác phát triển TCHNLS của mình.

Điểm thuận lợi của cách tiếp cận này là LS đó có thể tự mình trong TCHNLS cũng như khẳng định được vai trò dẫn đầu của mình trong TCHNLS trước khi có sự tham gia của các LS hợp tác khác. Điều này, trong một chừng mực nào đó, sẽ giúp giảm thiểu được các tranh cãi giữa người cũ và người mới liên quan đến việc điều hành và hoạt động định hướng phát triển của TCHNLS của bạn, từ đó tránh xảy ra các tranh chấp và chia tay không đáng có giữa các bên vì tại thời điểm đó LS đó đã khá vững vàng trong công tác chuyên môn và quản trị doanh nghiệp rồi và có được một sự tôn trọng nhất định của các LS hợp tác mới tham gia sau.

Điểm bất lợi của cách tiếp cận này là TCHNLS của bạn sẽ chỉ phát triển một cách khá chậm chạp và khó có thể đạt được sự đột phá nào để TCHNLS của bạn có một vị trí đáng kể trên thị trường pháp lý tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng không có gì có thể chắc chắn rằng những LS thành viên mà bạn mời về cộng tác sẽ chấp nhận với việc điều hành và quản lý của bạn để rồi toàn tâm toàn ý cho công việc được phân công mà thôi

  • Một số LS khác lựa chọn thời điểm mời hợp tác chỉ sau khi TCHNLS của họ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường pháp lý. Tuy nhiên, để phần nào khắc phục  các bất lợi của các hình thức trên, trong khoảng thời gian từ khởi nghiệp cho đến khi TCHNLS đã tìm ra được chỗ đứng trên thị trường, LS đó sẽ cố gắng bỏ ra nhiều thời gian và công sức để huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân viên cấp dưới của họ để tạo ra một thế hệ LS tiềm năng mà nó có thể trở thành các LS thành viên hợp tác với họ trong 5 – 7 năm về sau.

Điểm thuận lợi của cách tiếp cận này là nó phần nào có thể giúp bạn hạn chế được những rủi ro khi lựa chọn LS hợp tác cho mình. Vì bạn có điều kiện làm việc với những nhân viên tiềm năng đã trong tầm ngắm của bạn trong một thời gian dài nhiều nam, bạn có thể đánh giá khách quan được trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ, tính tình, thái độ làm việc… của nhân viên trước khi quyết định để bạt họ vào vị trí LS thành viên trong TCHNLS của bạn. Do đó, khả năng bạn đánh giá sai về họ là thấp. Bên cạnh đó, vì học đã từng là nhân viên của bạn nên trong một chừng mực nào đó, bạn vẫn có thể có được một sự kính trọng nhất định từ họ và từ đó bạn vẫn có thể tiếp tục kiểm soát trong thực tế những hoạt động của TCHNLS của bạn trong một thời gian dài.

Tương tự như cách tiếp cận đầu tiên, cách tiếp cận này cũng sẽ khiến cho việc phát triển TCHNLS của bạn chậm chạp trong thời gian đầu; hơn thế nữa cũng chưa chắc là trong số các nhân viên tiềm năng mà bạn bỏ công huấn luyện, đào tạo sẽ có người đáp ứng được các điều kiện theo tiêu chí của bạn để được bạn đề bạt thành LS thành viên. Trong trường hợp có người đủ điều kiện thì rủi ro vẫn có thể xảy ra đối với bạn bởi không có gì bảo đảm rằng họ sẽ chịu ở lại làm việc cho TCHNLS của bạn để chờ ngày được bạn đề bạt cả. Thậm chí trong trường hợp họ đã được bạn đề bạt đi chăng nữa thì mối lo của bạn cũng chưa thể chấm dứt bởi vì không có gì chắc chắn là họ sẽ gắn bó lâu dài với TCHNLS của bạn vì họ có thể còn có những hoài bão cá nhân riêng mà họ muốn thực hiện cho bằng được nhưng lại không thể tìm thấy ở TCHNLS của bạn.

Bên cạnh đó cũng có một số LS cố gắng chào mời các LS thành viên tiềm năng khác ngay từ lúc ban đầu khi mới thành lập TCHNLS để tận dụng sự hỗ trợ cần thiết từ nhiều mặt của những LS cộng sự này, làm đòn bẩy để phát triển TCHNLS. Theo cách này, mọi LS thành viên sẽ cùng góp vốn, cùng tham gia điều hành mỗi người mỗi việc theo sự thỏa thuận giữa các bên về việc phân công công việc ban đầu.

Cách này sẽ giúp giảm rất nhiều rủi ro về tài chính, quản trị, công việc khách hàng cho các LS mới khởi nghiệp. Một điều rõ ràng là khi có nhiều người cùng tham gia thành lập TCHNLS thì việc đóng góp tài chính của từng LS thành viên sẽ được giảm bớt một cách đáng kể, nếu gặp rủi ro bị thua lỗ thì thiệt hại về tài chính cũng được san sẽ được phần nào giữa các LS thành viên. Trong thời gian đầu mới thành lập, TCHNLS của bạn sẽ có rất nhiều công việc liên quan đến quản trị cần có người đảm trách, do đó có thêm người để chia sẽ bớt gành nặng quản trị (ví dụ như người thì lo về tài chính, kế toán, người thì lo về nhân sự, hành chính, người thì lo về phát triển kinh doanh…) là một lợi thế rất lớn cho TCHNLS của bạn. Ngoài ra, việc có nhiều luật sư thành viên với mỗi người có những mối quan hệ cộng đồng, xã hội khác nhau sẽ giúp cho TCHNLS có nhiều cơ hội hơn để có được khách hàng và mang lại doanh thu cho TCHNLS, phần nào giảm thiểu rủi ro nguồn thu không đủ chỉ trong thời gian đầu thành lập TCHNLS. Bên cạnh đó, với nhiều LS thành viên cùng tham gia hành nghề, bạn cũng hoàn toàn có thể thỏa thuận với các LS thành viên để phân công từng người sẽ phụ trách một hay một vài lĩnh vực pháp luật chuyên môn nào đó. Điều này sẽ giúp cho TCHNLS của bạn có thể cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau tại cùng một thời điểm và đây là một lợi thế bạn ạ.

Tuy nhiên, cách này cũng ẩn chứa một số điểm bất lợi có thể gây cản trở đến sự phát triển của TCHNLS về sau. Việc có nhiều LS thành viên cùng  điều hành và phát triển TCHNLS từ khi mới thành lập tất yếu sẽ dẫn đến việc không ai thực sự có vai trò, vị trí, chuyên môn, nghiệp vụ, uy tín vượt trội hơn so với những người khác nên dễ gây ra tình trạng không ai chịu nghe ai, mạnh ai nấy làm theo cách riêng mà người đó cho là đúng và hợp lý mà không sợ bị hạn chế hay chế tài nghiêm khắc. Như vậy, TCHNLS của bạn sẽ không có một người thủ lĩnh đích thực để dẫn dắt, mọi hoạt động trong TCHNLS sẽ rơi vào tình trạng manh mún, không có tính tập trung cao, tổ chức dễ bị chia bè, kết nhóm phục vụ cho mục đích cá nhân riêng của từng LS thành viên thay vì mục đích chung TCHNLS. Điều này không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến sự chia, tách trong trung và dài hạn của TCHNLS của bạn. Một cách để giảm thiểu các bất lợi này là trong các LS thành viên của TCHNLS phải có một người có kinh nghiệm chuyên môn, trình độ, kiến thức pháp luật, uy tín, tuổi tác cao hơn những LS thành viên còn lại và được những người còn lại tôn trọng để rồi các LS thành viên sẽ đề cử người này đứng ra dẫn dắt TCHNLS của bạn tiến về phía trước.

3.5 Làm thế nào để chọn LS hợp tác phù hợp

Trên thực tế, việc chọn LS hợp tác sẽ tùy thuộc rất nhiều vào tính cách của bạn và hoàn cảnh tại thời điểm bạn đưa ra quyết định. Do đó, tìm kiếm và đặt ra một tiêu chí, chuẩn mực chung để chọn lựa LS hợp tác cho tất cả các tình huống là điều không thể. Mỗi người mỗi cảnh, bạn cần phải tự cảm nhận, suy xét và đưa ra quyết định cho chính mình. Dưới đây chỉ là những kinh nghiệm chia sẻ với bạn dựa trên những kinh nghiệm mà tác giả có được trong hơn 20 năm khởi nghiệp với nghề LS mà thôi, bạn thấy có thể cân nhắc nếu thấy phù hợp

Khi chọn LS thành viên, bạn nên xem xét chọn lựa những người có chuyên môn nghiệp vụ trong những lĩnh vực pháp luật mà bạn và những LS còn lại trong TCHNLS không có hay nếu có thì cũng không giỏi. Điều này sẽ làm giúp tăng độ liên kết giữa các LS thành viên với nhau, từng người đều có cảm nghĩ họ là một trong những mảnh ghép cần thiết trong một bức tranh tổng thể của TCHNLS. Mọi người cần họ và họ cũng cần mọi người để cùng nhau phát triển. Có như vậy mọi người trong TCHNLS của bạn mới có thể đoàn kết, đồng lòng cùng nhìn một hướng cho sự phát triển của TCHNLS của bạn – một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao là như vậy đó bạn ạ.

Bạn cũng nên cân nhắc việc tìm hiểu tính cách của đối tượng tiềm năng của mình và chỉ chọn lựa những người có nhiều khát vọng thay vì những người có nhiều tham vọng. Như bạn biết đó, người có khát vọng là người có khuynh hướng coi nhẹ những khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, chông gai thực tại mà nhìn về phía trước theo một hay nhiều mục tiêu đã xác định cụ thể với cái đầu và con tim trong sáng. Ví dụ, họ không nề hà khó khăn, đồng cam cộng khổ với bạn trong thời gian khởi nghiệp khó khăn để đạt được mục tiêu phát triển lâu dài cho TCHNLS của bạn và không bao giờ có ý định chiếm quyền, lấn lướt, hay thậm chí là không hợp tác với bạn nữa. Người có khát vọng cũng khắt khe với bản thân không kém người tham vọng, họ cũng không bằng lòng với chính bản thân và luôn đặt ra những mục tiêu nghiêm ngặt cho chính họ trong việc học tập, nổ lực phấn đấu để đạt được những mục tiêu đề ra. Ví dụ, họ không bằng lòng với học vị cử nhân luật của mình, họ muốn phấn đấu để có bằng tiến sỹ luật chẳng hạn, hay họ không bằng lòng ở vị trí là một LS đa khoa không có tiếng tăm mà là muốn là một LS chuyên khoa có tiếng trong lĩnh vực pháp luật đặc thù nào đó. Một khi có môi trường và điều kiện tốt, người ta có khát vọng sẽ được tiếp thêm sức mạnh, chắp thêm đôi cánh để bay cao, bay xa và đạt được những gì họ mong muốn cũng như giúp cho những đối tác của họ ví dụ như bạn cùng thăng hoa theo họ. Ngược lại, đối với người có tham vọng thì họ luôn có khuynh hướng ảo tưởng về khả năng thật sự của bản thân, luôn nghĩ mình tài giỏi, đứng cao hơn người khác, khách quan tỉnh táo để nhận xét bản thân. Họ muốn người khác phải thấp hơn họ ở mọi khía cạnh. Người tham vọng luôn không bằng lòng với chính mình, không bao giờ nhận lỗi, không thấy cần phải phấn đấu rèn luyện gì. Người tham vọng thường chỉ làm những việc chỉ mang lại lợi ích cho họ, thỏa mãn những tham vọng của họ, thay vì nghĩ đến lợi ích của tập thể và kết quả có thể tạo ra sự thất vọng, lời oán trách, thiệt hại cho những người hợp tác với họ.

  • Tuy nhiên, đối với những người không có cả tham vọng lẫn khát vọng gì cả thì bạn cũng không nên chọn họ trở thành LS thành viên cho TCHNLS của bạn. Nhìn chung quanh những người này thường không có chính kiến, không có ý chí phấn đấu, động lực làm việc. Họ xem TCHNLS của bạn là nơi cư trú an toàn cho họ trong một khoảng thời gian khó khăn nào đó của bạn mà thôi. Những người này nếu làm việc trong TCHNLS của bạn thì không có sự đóng góp đáng kể nào đó trong công việc hàng ngày mà ngược lại còn có thể làm cho TCHNLS của bạn bì trì trệ, tạo sức ỳ cho nhân viên, gây tốn kém chi phí cao để chi trả thu nhập cho họ và còn nhiều hệ lụy khác nữa.
  • Có thể cũng sẽ có người khuyên bạn là khi còn LS hợp tác thì không nên chọn người khác vùng, miền với bạn vì văn hóa của từng vùng, miền khác nhau tất yếu sẽ xảy ra sự va chạm, khó hòa hợp khi làm việc chung. Tuy nhiên, cũng như mọi sự việc trong cuộc sống,sự khác biệt vùng miền cũng có mặt phải, mặt trái của nó bạn ạ. Con người của mỗi vùng, miền thường sẽ có những tính cách điển hình cho vùng, miền đó (trừ một số ngoại  lệ) và khi nói đến tính cách thì dĩ nhiên sẽ có cái tốt và có cả cái xấu, cái có lợi và cái bất lợi cho TCHNLS của bạn. Trong trường hợp này, thay vì bỏ qua các đối tượng tiềm năng chỉ vì sự khác biệt vùng, miền của họ để tạo ra lợi ích cho TCHNLS của mình từ những cái tốt của họ mà nhiều khi bạn không thể có được, Song song đó, bạn cũng cần chú ý và có hướng xử lý phù hợp để giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ những sự khác biệt này. Có như vậy thì bạn mới không bỏ lỡ người tài trong khi vẫn đảm bảo được sự phù hợp tác bền chặt lâu dài trong TCHNLS của mình.
  • Cũng sẽ có người khuyên bạn là không nên hợp tác với những người trước đây đã từng rơi vào các trường hợp chia, tách TCHNLS vì những trường hợp tương tự cũng sẽ có thể xảy ra với TCHNLS của bạn trong lần hợp tác này với họ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tác giả cho thấy, khi đã quyết định hợp tác với nhau thì các bên tất nhiên đều mong muốn cùng nhau đồng hành để cùng phát triển lâu dài chứ không ai mong muốn xảy ra sự việc chia, tách cả.Việc chia, tách cho dù vì bất cứ lý do gì nữa cũng sẽ luôn là trải nghiệm khó khăn đối với mỗi bên và thường họ sẽ không điều đó tiếp tục lặp lại. Những người đã trải qua những trường hợp này đã có những trải nghiệm, hiểu biết về việc chia, tách do đó họ sẽ có khuynh hướng cố gắng tìm cách hạn chế các nguyên nhân gây chia, tách mà trước đây họ đã gặp phải và như vậy sẽ giảm thiểu việc hợp tác không thành công với bạn. Câu chuyện này cũng tương tự như chuyện khi một người đàn ông có một cuộc hôn nhân thứ hai say khi đã ly hôn với người vợ trước đó. Khi đó, họ thường sẽ có khuynh hướng giữ cho cuộc hôn nhân lần thứ hai bền vững hơn vì họ đã có những trải nghiệm của lần đỗ vỡ trước đó nên họ sẽ tinh tế hơn trong việc lựa chọn bạn đời của mình, họ đã thấy cái mặt trái của sự ly hôn, thấy được những thiệt hại vật chất và tinh thần từ việc ấy không chỉ cho họ, cho vợ họ mà còn cho cả con cái họ. Do đó họ sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc, hành vi bản thân để thỏa hiệp với đối tác thay vì hành vi đối đầu với nhau dẫn đến đổ vỡ.

Bạn có thể tham khảo thêm về những khó khăn khách quan và chủ quan mà LS Việt Nam thường gặp phải khi hợp tác với nhau tại mục 7.2.9 –  Sáp nhập, hợp nhất các TCHNLS để phát triển nhanh hơn của quyển sách này’’

 

Tác giả: Luật sư  Nguyễn Hữu  Phước

(Trích từ sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư[2])

Website: https://luatsunguyenhuuphuoc.com/

 

[1]Điều 33 Luật LS

[2] Trích trong “Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư” của LS Nguyễn Hữu Phước do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản.

 

 

 

 

 

 

Document
Categories: Tuyển Dụng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*