Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Hiện nay thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, kết nối vạn vật,… đang ngày càng phát triển. Các quốc gia không ngừng tạo những điều kiện thuận lợi để có thể bắt kịp cuộc đua này như đổi mới các quy định pháp luật, hỗ trợ tín dụng, thuế, tạo điều kiện để các công ty công nghệ phát triển. Chính nhờ sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ mà một công nghệ mới đã được đưa vào sử dụng giúp tiết kiệm thời gian và gia tăng hiệu quả làm việc, công nghệ đó chính là chữ ký điện tử. Với những ưu điểm về tính tiện dụng, tiết kiệm thời gian, gia tăng năng suất làm việc như vậy thì chữ ký điện tử là gì và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử ra sao chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

  1. Khái niệm chữ ký điện tử

Chữ ký điện tử được định nghĩa là thông tin đi kèm theo dữ liệu (chữ số, văn bản, hình ảnh, video…) nhằm mục đích xác định được danh tính chủ sở hữu của dữ liệu đó và có thể xác nhận được sự đồng ý của chủ chữ ký điện tử với nội dung được ký[1].

Hiện nay tại Việt Nam chữ ký điện tử được các cá nhân, tổ chức sử dụng phổ biến là chữ ký số (digital signature). Chữ ký số có có vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với tổ chức, doanh nghiệp và dùng để xác nhận lời cam kết của tổ chức, cá nhân đó trong văn bản mình đã ký trên môi trường điện tử số.

  1. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được chia làm hai trường hợp bao gồm: giá trị pháp lý đối với chữ ký điện tử với vai trò là chữ ký và giá trị pháp lý đối với chữ ký điện tử với vai trò là con dấu.

2.1 Chữ ký điện tử với vai trò là chữ ký

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản phải có chữ ký thì văn bản sẽ có giá trị khi ký bằng chữ ký điện tử nếu chữ ký điện tử được sử dụng đáp ứng hai điều kiện sau đây[2]:

– Chữ ký điện tử cho phép xác minh được danh tính của người ký và chứng minh được sự đồng ý của người ký đối với nội dung văn bản.

– Chữ ký điện tử phải đảm bảo sự an toàn không bị làm giả mạo khi tạo ra dữ liệu ký điện tử[3].

2.2 Chữ ký điện tử với vai trò là con dấu

Document

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì văn bản sẽ được xem là hợp lệ nếu chữ ký điện tử (đại diện con dấu) được ký đáp ứng các điều kiện về an toàn sau[4]:

– Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;

– Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;

– Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

– Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

Lưu ý: Chữ ký điện tử đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử chứng thực được xem là bảo đảm các điều kiện an toàn[5].

  1. Giá trị pháp lý của chữ ký số

Về nguyên tắc do Chữ ký số là một dạng của Chữ ký điện tử nên phải đáp ứng các điều kiện về tính an toàn và tính định danh của chữ ký điện tử. Ngoài ra chữ ký số còn phải đáp ứng điều kiện về an toàn dành riêng cho chữ ký số như sau[6]:

– Chữ ký số được tạo ra trong thời gian có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số[7].

– Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

  1. a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
  2. b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
  3. c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
  4. d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng.

– Khóa bí mật thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Giá trị pháp lý của chữ ký số: Chữ ký số của cá nhân, tổ chức được xem là có giá trị pháp lý khi ký nếu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nêu trên[8]. Ngoài ra chữ ký số nước ngoài được cấp phép sử dụng tại Việt Nam cũng sẽ có giá trị pháp lý tương tự chữ ký số do cơ quan tại Việt Nam cấp.

Một số trường hợp ký bằng chữ ký điện tử hiện nay: Ký phát hành hóa đơn doanh nghiệp, ký tờ khai hải quan, ký hợp đồng kinh doanh với đối tác, ký bảo hiểm xã hội, ký nộp thuế điện tử, ký duyệt các lệnh tài khoản ngân hàng,…

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 21.1 Luật giao dịch điện tử 2005

[2] Điều 24 Luật giao dịch điện tử 2005

[3] Điều 22 Luật giao dịch điện tử 2005

[4] Điều 22.1 Luật giao dịch điện tử 2005

[5] Điều 22.2 Luật giao dịch điện tử 2005

[6] Điều 9 NĐ 130/2018

[7] Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử sử dụng khóa bí mật để xác định danh tính người ký ( Điều 3.7 NĐ 130/2018)

[8] Điều 8 NĐ 130/2018

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*