Yêu cầu đối với bao bì trong sản xuất kinh doanh hóa chất
Yêu cầu đối với bao bì trong sản xuất kinh doanh hóa chất
Đối với bất kỳ sản phẩm nào khi đến tay người tiêu dùng thì cũng đều trải qua công đoạn đóng gói sản phẩm. Tùy thuộc vào tính chất của sản phẩm mà có những yêu cầu khác nhau đối với từng sản phẩm, trong trường hợp này Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề bao bì đựng hóa chất. Ngành công nghiệp hóa chất đang phát triển mạnh mẽ với sự cải tiến vượt bậc của thiết bị khoa học công nghệ và mức độ cần thiết của hóa chất trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Như chúng ta cũng đã biết hóa chất mặc dù sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta nhưng bản chất của nó là độc hại và tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với những người tiếp xúc với hóa chất. Những mối nguy hại đó phát sinh thông qua việc xử lý hoặc sử dụng không phù hợp và thường có thể dẫn đến thương tích cho người và thiệt hại tài sản. Tuy nhiên với tiềm năng phát triển của ngành công nhiệp hóa chất nên nhiều người đầu tư vào kinh doanh hóa chất nhưng lại thường không chú trọng đến các vấn đề an toàn trong sản xuất kinh doanh hóa chất và đặc biệt là trong vấn đề an toàn hóa chất đối với bao bì chứa hóa chất. Và cũng có nhiều trường hợp, người sản xuất kinh doanh hóa chất bị xử phạt về vấn đề này, mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50.000.000 đồng và đối với tổ chức là 100.000.000 đồng, vì vậy để tránh những trường hợp này chúng ta cần tìm hiểu những quy định của pháp luật đối với yêu cầu về bao bì chứa đựng hóa chất.
Bao bì hóa chất là loại vỏ bao chuyên dụng được thiết kế để chứa các hóa chất độc hại. Những loại hóa chất này có thể ở dạng lỏng hay rắn. Vỏ loại bao bì này phải được làm chắc chắn, cẩn thận và có sự chọn lọc kỹ trong chất liệu. Và bao bì cần đảm bảo những yếu tố sau:
Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường[1];
Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển[2]. Nhãn hóa chất bao gồm các nội dung như: tên hóa chất, mã nhận dạng hóa chất, hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, biện pháp phòng ngừa, định lượng, thành phần hoặc thành phần định lượng, ngày sản xuất hạn sử dụng, tên và địa chỉ của tố chức cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất, xuất xứ hóa chất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản;
Vị trí đặt nhãn hiệu hàng hóa phải đặt ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dể dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời bao bì, các phần của hàng hóa;
Đối với một số dạng hóa chất nhập khẩu, những thông tin trên nhãn hiệu chưa thể hiện hoặc chưa thể hiện đầy đủ những nội dung bắt buộc như ở trên bằng tiếng Việt thì cần phải có nhãn phụ và đảm bảo nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc và người ghi nhãn phụ này phải chịu trách nhiệm về độ chính xác và trung thực của nội dung ghi trên nhãn phụ đó[3];
Cần phải có hình đồ cảnh báo nguy hiểm trong quá trình vận chuyển hóa chất nguy hiểm để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển[4]
Dưới đây là một số mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định về vật chứa bao bì chứa đựng hóa chất trong sản xuất kinh doanh hóa chất áp dụng đối với người sản xuất kinh doanh hóa chất riêng lẻ[5]:
Hành vi không bảo quản riêng bao bì hóa chất đã qua sử dụng mà còn tiếp tục được sử dụng để bảo quản hóa chất sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vật chứa, bao bì của hóa chất không đảm bảo kín, chắc chắn khi bốc, xếp vận chuyển.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm tra, làm sạch bao bì, vật chứa hóa chất đã qua sử dụng trước khi nạp hóa chất.
Ngoài ra, còn phải buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu các hành vi vi phạm gây ra tình trạng mất an toàn về môi trường.
Đối với các tổ chức sản xuất kinh doanh hóa chất nếu có cùng hành vi vi phạm nêu trên thì mức xử phạt hành chính sẽ nhân đôi so với mức xử phạt hành vi vi phạm của cá nhân.
Như vậy thông qua mức xử phạt của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về bao bì chứa đựng hóa chất thì ta cũng có thể nhận thấy rằng một hành vi sơ ý, cẩu thả một tí nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt với mức tiền là vài triệu đồng trở lên. Điều đáng nói hơn ở đây là nếu không tuân thủ những quy định về an toàn hóa chất không riêng gì về phần bao bì mà các yếu tố khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất thì sẽ rất nguy hiểm cho người tiếp xúc với hóa chất trong quá trình sản xuất cũng như sử dụng chúng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Để tránh những rủi ro về người và tài sản của hóa chất trong quá trình sản xuất kinh doanh hóa chất cũng như những vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất những người đã đang hoặc sẽ sản xuất kinh doanh hóa chất nên lưu ý những vấn đề này.
Trên đây là ý kiến của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Yêu cầu đối với bao bì trong sản xuất kinh doanh hóa chất”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Phạm Văn Trình
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 113/2017/NĐ-CP
[2] Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 113/2017/NĐ-CP
[3] Khoản 4 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
[4] Khoản 5 Điều 6 Thông tư 32/2017
[5] Điều 6 Nghị định 71/2019/NĐ-CP