Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập?

Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập?

Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập?

Mô hình công ty cổ phần (sau đây gọi là CTCP) là loại hình đối vốn, không nhất thiết dựa trên các mối quan hệ thân quen, quen biết để vận hành, góp vốn vào công ty. Mà theo đó, những cá nhân, tổ chức nào có triển vọng, có khả năng đầu tư vào CTCP đều có thể trở thành cổ đông. Hơn vậy, cổ đông sáng lập còn nhận được nhiều ưu đãi hơn so với cổ đông phổ thông. Vậy liệu rằng, cổ đông sáng lập khi chuyển nhượng cổ phần, thì người nhận chuyển nhượng có trở thành cổ đông sáng lập hay không? Cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu bạn nhé!

Cổ đông sáng lập là gì?

Cổ đông sáng lập (CĐSL) là cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần phổ thông của công ty từ lúc vừa mới thành lập, và có ký tên trong danh sách CĐSL của công ty.[1]

Có thể thấy rằng CĐSL là người tiên phong, kêu gọi các nhà đầu tư, nhà góp vốn cùng nhau tạo dựng nên mô hình pháp lý CTCP, vì vậy về lý họ sẽ là người có những quyền ưu tiên trong các quyết định ban đầu của công ty. Do đó, quyền và nghĩa vụ của CĐSL giống cổ đông thông thường nhưng vẫn có sự ưu tiên, sự điều chỉnh chặt chẽ trong quá trình ban đầu thành lập công ty.[2]

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có quốc tịch nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài) vẫn có thể trở thành CĐSL của công ty. Theo pháp luật hiện hành, thành lập CTCP không ngăn cấm nhà đầu tư nước ngoài trở thành CĐSL, mở ra chế định cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế từ dòng vốn ngoại tệ.

Các ưu đãi, quy định về CĐSL?

Thứ nhất, CĐSL có quyền định giá tài sản góp vốn (như vàng, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, …) ban đầu của các cổ đông tại thời điểm thành lập CTCP dựa trên sự đồng thuận của các cổ đông.[3]

Thứ hai, bên cạnh tổ chức được Chính phủ cho phép nắm giữ cổ phần biểu quyết, CĐSL là đối tượng thứ hai được pháp luật cho phép nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong thời hạn tối đa là 3 năm kể từ ngày công ty được cấp GCN DKDN.[4]

Thứ ba, CTCP được thành lập mới cần có ít nhất 3 CĐSL vào thời điểm đăng ký.[5] Và các CĐSL này phải cùng nhau sở hữu ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông khi doanh nghiệp mở chào bán khi thành lập.[6]

Document

Thứ tư, vấn đề chuyển nhượng. Trong 3 năm đầu, CĐSL ngoại trừ được tự do chuyển nhượng cho CĐSL khác thì việc chuyển nhượng cổ phần cho người khác cần sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.[7] Việc hạn chế chuyển nhượng như vậy góp phần tạo cơ cấu sở hữu và quản lý ổn định của công ty trong những năm đầu thành lập.

Khi nào thì được thay đổi thông tin CĐSL?

Thay đổi thông tin CĐSL cần phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh khi và chỉ khi quá thời gian góp vốn lúc mới thành lập mà CĐSL chưa thanh toán đủ hoặc không thanh toán thì mới thực hiện thủ tục thông báo.

Cụ thể, sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán số cổ phần đăng ký mua lúc mới thành lập doanh nghiệp, CĐSL không góp đủ, chỉ góp một phần hoặc không góp thì người đại diện pháp luật của công ty sẽ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi CĐSL để giảm vốn điều lệ tương ứng.[8]

Mặt khác, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả CĐSL là nhà đầu tư nước ngoài, khi có sự thay đổi về vốn góp trong công ty thông qua việc chuyển nhượng cổ phần thì cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thông tin đến cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.[9] Với quy định như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động, gia nhập các cá nhân, tổ chức nước ngoài vào nền kinh tế nước nhà.

Ngoài ra, CĐSL của công ty niêm yết không cần đăng ký thay đổi và thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh như công ty chưa niêm yết. Loại hình công ty niêm yết thường dành cho các công ty lâu đời, có kinh nghiệm hoạt động lâu dài trên thương trường quốc nội và quốc tế, vì vậy, tính thương mại và độ tin cậy danh tiếng của các công ty này cao, lượng cổ đông sở hữu cổ phần nhằm đầu tư, kinh doanh lớn. Về bản chất, đây là công ty của tất cả cổ đông, quyền lợi cổ đông được đặt lên hàng đầu, các quyền ưu đãi của CĐSL của CTCP chưa niêm yết sẽ không có tác dụng mạnh mẽ như đối với loại hình công ty niêm yết. Do đó, việc thay đổi CĐSL của công ty niêm yết không cần đăng ký thay đổi và thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Bạn đọc tham khảo Vốn pháp định và một số vấn đề liên quan

Bạn đọc tham khảo Điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thay đổi cổ đông sáng lập?”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

 

[1] Điều 4.4 Luật Doanh nghiệp 2020

[2] http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210508

[3] Điều 36.2 Luật Doanh nghiệp 2020

[4] Điều 11.3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP

[5] Điều 120.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[6] Điều 120.2 Luật Doanh nghiệp 2020

[7] Điều 120.3 Luật Doanh nghiệp 2020

[8] Điều 113.3(d) Luật Doanh nghiệp 2020

[9] Điều 58.1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Document
Categories: Doanh nghiệp

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*