Điều kiện hành nghề Luật sư tại Việt Nam

Điều kiện hành nghề Luật sư tại Việt Nam

Điều kiện hành nghề Luật sư tại Việt Nam

Luật sư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Nghề Luật sư được xem là nghề cung cấp dịch vụ pháp lý, gắn liền pháp luật và được xã hội công nhận là ngành nghề “cao thượng”. Tại quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam của Hội đồng Luật sư toàn quốc cũng khẳng định “Nghề luật sư ở Việt nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần pháp triển kinh tế, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh[1].” Chính vì lẽ đó mà ở mỗi quốc gia, nghề Luật sư luôn có những nguyên tắc hoạt động, có quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp theo chuẩn mực riêng. Tại Việt Nam, người làm nghề Luật sư nói chung, cũng như ngành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý nói riêng phải là người có kiến thức chuyên môn pháp lý, có đạo đức, tư cách nghề nghiệp cũng như hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam là ngành nghề mà khi hoạt động phải đáp ứng một số điều kiện về lý do quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng[2]. Với tầm quan trọng của nghề luật sư đối với xã hội, cùng với đó nghề Luật sư có những quy tắc, đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực riêng và cần có kiến thức chuyên môn vì vậy nghề Luật sư tại Việt Nam được xếp vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Để trở thành Luật sư hành nghề tại Việt Nam

Để trở thành người hành nghề phụng sự kiến thức pháp luật cho xã hội, hay nói cách khác là nghề Luật sư tại Việt Nam cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn chuyên môn về đạo đức của Luật sư, tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập Đoàn luật sư[3].

1. Tiêu chuẩn nghề luật sư[4]

Một công dân Việt Nam muốn trở thành Luật sư hành nghề và sử dụng kiến thức pháp luật giúp ích cho xã hội, bạn cần phải có những tiêu chuẩn:

– Thứ nhất, phải là người trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

– Thứ hai, bạn phải tham gia học tập ngành luật và đã được cấp bằng cử nhân luật tại các trường Đại học ở Việt Nam hoặc nước ngoài.

Document

– Thứ ba, sau khi có bằng cử nhân luật, bạn phải tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

– Cuối cùng, bạn phải tham gia một Đoàn luật sư.

2. Có chứng chỉ hành nghề luật sư

Sau khi bạn tốt nghiệp bằng cử nhân luật, bạn sẽ tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Sau đó tham gia tập sự luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư trong thời gian 12 tháng. Bên cạnh đó, trước khi tham gia tập sự luật sư, bạn phải đăng ký tập sự với Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư mà bạn tham gia tập sự.

Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, bạn sẽ được Đoàn luật sư xem xét cấp giấy chứng nhận tập sự hành nghề luật sư. Lúc này bạn sẽ đủ điều kiện để được Đoàn luật sư xem xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

3. Tham gia Đoàn luật sư[5]

Điều kiện cuối cùng là bạn phải tham gia vào một Đoàn luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bạn sẽ nộp đơn đến Ban chủ nhiệm của Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư mà bạn ký hợp đồng hoặc nơi bạn mở văn phòng luật, công ty luật để được xem xét gia nhập.

 

Như vậy, có thể thấy với quy định Luật sư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để có thể trở thành luật sư hành nghề, mỗi cá nhân phải đáp ứng đủ các tiêu chí và quy định khắt khe về tiêu chuẩn, chứng chỉ hành nghề cũng như gia nhập và chịu sự quản lý của Đoàn luật sư. Tuy nhiên với bản chất của một ngành nghề đặc biệt, là những người am tường kiến thức pháp luật, mang kiến thức pháp luật lan tỏa trong xã hội thì người Luật sư không chỉ dừng lại trong việc đáp ứng các quy định về điều kiện hành nghề mà còn phải hành nghề bằng cả trái tim, lương tâm, tuân thủ chuẩn mực quy tắc và đạo đức nghề luật sư.  

Luật sư hành nghề bằng trái tim, lương tâm, đúng quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp

Nghề Luật sư hiện nay cũng là nghề cung cấp dịch vụ, nhận thù lao và chi phí của khách hàng để sinh sống và có thể xem Luật sư cũng như một nghề kinh doanh. Nhưng với cá nhân tác giả, tác giả không xem đây là nghề kinh doanh thuần túy. Luật sư làm nghề không chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận mà còn phải hướng tới mục tiêu cao cả là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội. Luật sư phải phân biệt rạch ròi giữa lợi ích vật chất với sự công bằng pháp luật, lợi ích khách hàng cũng như lợi ích của cộng đồng, nhà nước. Tránh để danh lợi tác động làm trái đạo đức, quy tắc nghề. Đã làm Luật sư phải đặt cái tâm và trách nhiệm với cộng đồng và toàn xã hội.

Để trở thành Luật sư giỏi, người Luật sư phải có sự bản lĩnh, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan để hành nghề mà không chịu sự tác động của bất kỳ vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào để làm trái pháp luật, trái quy tắc, đạo đức nghề. Phải có được “tâm” cũng như “tầm” để giữ được bản chất Luật sư trong mắt xã hội là ngành nghề cao quý.

 

Trên đây là nội dung tư vấn “Hành nghề Luật sư tại Việt Nam”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Tiến Thành

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam – Ban hành kèm Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ

[2] Điều 7 Luật Đầu tư 2020

[3] Điều 11 Luật Luật sư 2006

[4] Điều 10 Luật Luât sư 2006

[5] Điều 20 Luật Luật sư 2006

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*