Doanh nghiệp ký bảo mật kinh doanh với NLĐ theo cách nào?

Doanh nghiệp ký bảo mật kinh doanh với NLĐ theo cách nào?

Doanh nghiệp ký bảo mật kinh doanh với NLĐ theo cách nào?

Bí mật doanh nghiệp hay bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh để thu lợi. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích cũng như quá trình vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình công tác với doanh nghiệp, tùy vào vị trí đảm nhận mà người lao động có thể nắm bắt được một số thông tin mật nhất định. Như vậy, để hạn chế việc tiết lộ cũng như tăng cường sự bảo mật về thông tin thì doanh nghiệp cần làm gì khi ký kết hợp đồng với người lao động?

Hiện nay, vì mục đích bảo mật thông tin của doanh nghiệp, doanh nghiệp có hai luồn ý kiến về việc sử dụng NCA (Non-Competition Agreement: thỏa thuận không cạnh tranh) và NDA (Non-Disclosure Agreement: thỏa thuận bảo mật thông tin). Vậy giá trị pháp lý của hai phương pháp này như thế nào và doanh nghiệp nên sử dụng phương pháp nào để bảo vệ bí mật doanh nghiệp một cách tối đa nhưng vẫn hợp pháp? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu thông qua bài viết sau.

1. Thỏa thuận không cạnh tranh (NCA):

NCA là thỏa thuận giữa người lao động và doanh ngiệp mà theo đó khi người lao động chấm dứt hợp đồng tại công ty thì không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp trước. Thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh là thỏa thuận giúp doanh nghiệp bảo vệ bí mật một cách hiệu quả nhưng nó lại tạo sự ràng buộc quá lớn cũng như gây ra hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động sau khi nghỉ việc từ 01-02 năm.

2. Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA):

NDA là thỏa thuận người lao động không được tiết lộ thông tin (như bí mật kinh doanh, thông tin tài liệu, số liệu khách hàng,….) của hai hoặc nhiều bên cho bên thứ ba biết nhằm hạn chế tối đa việc tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Ở thỏa thuận này, doanh nghiệp vừa hạn chế được việc người lao động tiết lộ cho bên thứ ba, đối thủ cạnh tranh biết mà không gây ảnh hưởng đến người lao động. Người lao động sau khi nghỉ việc vẫn có thể làm ở công ty đối thủ nhưng phải giữ nguyên tắc không được tiết lộ thông tin bí mật cho đến khi thỏa thuận này chấm dứt.

Document

3. NDA hay NCA đều bảo vệ bí mật thông tin doanh nghiệp một cách tuyệt đối nhưng thỏa thuận nào hợp pháp hơn?

Nếu sử dụng thỏa thuận NCA vào điều khoản hợp đồng hay phụ lục hợp đồng thì điều khoản về sự thỏa thuận này đang làm trái với nguyên tắc tự do làm việc của Hiến pháp[1] hay nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng của pháp luật lao động[2];… Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp, trong cùng một vấn đề cơ quan có thẩm quyền sẽ có chiều hướng giải quyết khác nhau, hay nói cách khác nếu tranh chấp xảy ra thì phần thắng ở hướng doanh nghiệp là một nửa. Trong bản án số 320/2019/LĐ-PT[3] do Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 15/05/2019, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp U về việc buộc ông B chấm dứt làm việc cho doanh nghiệp P, do thỏa thuận này đang làm trái với “quyền làm việc tự do chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp”. Ngược lại, đối với Quyết định số 755/2019/QĐ-PQTT thì Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định rằng khi người lao động ký kết thỏa thuận NCA đã từ bỏ quyền của mình và bây giờ người lao động buộc phải tuân thủ theo thỏa thuận. Như vậy, NCA là thỏa thuận vốn dĩ đang đi ngược với nguyên tắc mà pháp luật đặt ra và việc có thành công khi tranh chấp xảy ra hay không còn phụ thuộc khá lớn vào quan điểm pháp lý, yếu tố sự việc và nhận định của người giải quyết tranh chấp.

Ngược lại, NDA lại là phương án an toàn hơn khi Bộ luật lao động có quy định khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ cũng như việc bồi thường nếu vi phạm. Như vậy, pháp luật lao động đã đặt ra quy định và cho phép người sử dụng lao động hạn chế việc người lao động tiết lộ bí mật doanh nghiệp cho bên thứ ba, đặc biệt là phía đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên việc bảo mật ở thỏa thuận NDA chỉ dừng lại ở việc người lao động không được tiết lộ bí mật doanh nghiệp chứ không thực hiện hành vi ngăn cấm người lao động tìm kiếm công việc tại doanh nghiệp của đối thủ.

Tổng kết, NDA hay NCA đều là phương pháp giúp người sử dụng lao động bảo mật bí mật kinh doanh, bí mật doanh nghiệp. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cần lựa chọn phương pháp phù hợp để vừa an toàn vừa đúng với quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Doanh nghiệp ký bảo mật kinh doanh với NLĐ theo cách nào?

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 35 Luật Hiến pháp 2013

[2] Điều 5.1 Bộ luật lao động 2019

[3] Trích dẫn nguồn tại https://dsdc.com.vn/thoa-thuan-khong-canh-tranh-hieu-the-nao-de-thuc-hien-dung-luat/

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*