Điều kiện mở phòng khám bệnh tư nhân

Điều kiện mở phòng khám bệnh tư nhân

Điều kiện mở phòng khám bệnh tư nhân

Mở phòng khám là “giấc mơ” của rất nhiều y, bác sĩ. Một bác sĩ hành nghề lâu năm, có đủ năng lực, kinh nghiệm và đủ điều kiện thì việc mở phòng khám để khám bệnh, chữa bệnh cứu người, phục vụ cộng đồng là việc rất nên làm. Tuy nhiên, y tế là lĩnh vực đặc thù. Để mở phòng khám phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, ngành y tế công đang bộc lộ nhiều vấn đề chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ngành y xảy ra thường xuyên thời gian gần đây làm cho nhu cầu ngày càng nhiều mở phòng khám bệnh tư nhân hay còn gọi là phòng mạch tư, trên giấy phép sẽ gọi là phòng khám chuyên khoa. Bài viết sau, Luật Nghiệp Thành sẽ tổng hợp các quy định về điều kiện mở phòng khám chuyên khoa, đưa ra góc nhìn cụ thể, dễ hiểu về điều kiện mở phòng khám chuyên khoa cho bạn đọc.

Để mở một phòng khám chuyên khoa, bạn phải đáp ứng đủ 4 điều kiện[1]:

– Thứ nhất, điều kiện về nhân lực

– Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất

– Thứ ba, điều kiện trang thiết bị y tế

– Thứ tư, điều kiện về giấy phép

 

I. Nhân lực phòng khám chuyên khoa

Phòng khám chuyên khoa là cơ sở y tế, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm độc lập. Phòng khám chuyên khoa phải có ít nhất một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn phải thực hiện bằng văn bản để đáp ứng yêu cầu về thủ tục hành chính.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng:

– Thứ nhất, là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với hoạt động của phòng khám.

Để tìm hiểu về điều kiện, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề, bạn có thể tham khảo thông qua bài viết: Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của Luật Nghiệp Thành.

– Thứ hai, có đủ thời gian hành nghề, làm việc khám bệnh, chữa bệnh. Nếu trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh thì thời gian thực hành, làm việc ít nhất là 54 tháng (thời gian thực hành khi chưa có chứng chỉ hành nghề). Nếu đã có chứng chỉ hành nghề thì thời gian hành nghề, làm việc là 36 tháng kể từ khi được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là thời gian thực hành, hành nghề để đáp ứng điều kiện mở phòng khám bệnh khác với thời gian thực hành để xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

– Th ba, làm việc ít nhất 8 giờ /1 ngày tại phòng khám. Trường hợp phòng khám đăng ký hoạt động dưới 8 giờ/1 ngày thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải làm việc theo theo thời gian mà phòng khám đã đăng ký hoạt động[2].  

 

II. Cơ sở vật chất phòng khám chuyên khoa

Document

Cũng giống như phòng khám đa khoa hay bệnh viện, phòng khám chuyên khoa có đặc thù là một cơ sở y tế thăm, khám, chữa bệnh. Phòng khám chuyên khoa phải đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ của một cơ sở y tế.

– Thứ nhất, phòng khám phải có trụ sở và hoạt động cố định.

– Thứ hai, đảm bảo an toàn về bức xạ: Phòng khám phải sử dụng các thiết bị y tế có liên quan đến bức xạ như thiết bị xạ trị, thiết bị X-Quang, thuốc phóng xạ … Nhằm đảm bảo an toàn cho y, bác sĩ, người bệnh cũng như cộng đồng, phòng khám phải đáp ứng các quy định về kiểm soát bức xạ, đảm an toàn bức xạ. Về vấn đề an toàn bức xạ trong y tế, phòng khám tham khảo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT.

Thứ ba, đảm bảo an toàn PCCC: Phòng khám chuyên khoa được xếp vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý PCCC. Phòng khám phải đảm bảo các điều kiện về PCCC theo quy định.

– Thứ tư, đảm bảo tiệt trùng đối với dụng cụ y tế sử dụng lại: Phải có khu vực tiệt trùng hoặc thuê cơ sở y tế khác tiệt trùng dụng cụ y tế.

Ngoài những điều kiện chung về cơ sở vật chất mà 1 cơ sở y tế phải đáp ứng. Phòng khám chuyên khoa còn phải đáp ứng các điều kiện riêng về cơ sở vật chất:

– Thứ nhất, nếu phòng khám có hoạt động cấy ghép răng, châm cứu, xoa bóp hay ấn huyệt hoặc thực hiện thủ thuật y tế thì phải có phòng hoặc khu vực riêng cho những hoạt động này.

– Thứ hai, nếu phòng khám thực hiện kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải tách biệt 02 phòng riêng biệt đối với 2 kỹ thuật.

– Thứ ba, nếu phòng khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa.

Đây là những quy định về cơ sở vật chất tối thiểu mà một phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng để đủ điều kiện xin giấy phép hoạt động. Khi hoạt động, để phục vụ tốt nhất cho hoạt động khám, chữa bệnh cũng như chuyên môn của phòng khám, phòng khám phải chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, chất lượng để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh khi thăm, khám, chữa bệnh.

 

III. Trang thiết bị y tế

Là cơ sở y tế thăm, khám, chữa bệnh, phòng khám chuyên khoa phải đảm bảo trang thiết bị y tế chất lượng, đủ tiêu chuẩn và đầy đủ theo chuyên môn của phòng khám để phòng khám hoạt động tốt và hiệu quả nhất. Để có thể xin cấp phép hoạt động, phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng tối thiểu điều kiện về trang thiết bị như sau:

– Thứ nhất, phòng khám phải có đủ trang thiết bị phù hợp với hoạt động chuyên môn của phòng khám

– Thứ hai, nếu phòng khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa

– Thứ ba, nếu phòng khám có hoạt động tư vấn sức khỏe, tư vấn sức khỏe online hoặc qua điện thoại phải đáp ứng có trang bị về công nghệ thông tin, viễn thông phù hợp.

– Thứ tư, có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

 

IV. Xin giấy phép hoạt động phòng khám

Để hoạt động, phòng khám chuyên khoa tư nhân sẽ cần phải có 02 loại giấy phép. Đầu tiên, cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh và thực hiện xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa (giấy phép con) .

1. Giấy phép đăng ký kinh doanh

Giấy phép đăng ký kinh doanh là yêu cầu bắt buộc để mở phòng khám chuyên khoa tư nhân. Bạn có thể lựa chọn 01 trong 02 loại hình là hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp để đăng ký hoạt động cho phòng khám chuyên khoa của bạn. Những phòng khám nhỏ thông thường nên chọn loại hình hộ kinh doanh để việc khai báo thuế, sổ sách kế toán, quản lý gọn nhẹ.

2. Giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa

Sau khi có giấy phép đăng ký kinh doanh và đáp ứng đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng khám, bạn sẽ cần thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa theo chuyên môn của phòng khám.

Hồ sơ chuẩn bị[4]:

Stt

Nội dung

Mẫu/ hướng dẫn

1

Đơn đề nghị cấp phép hoạt độngMẫu số 01 – PL XI

2

Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao)

3

Chứng chỉ hành nghề (bản sao)

4

Danh sách đăng ký người hành nghềMẫu Phụ lục IV

5

Bản kê khai cơ sở vật chấtPhụ lục XIV

6

Tài liệu chứng minh đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế– Hợp đồng mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề, xác nhận đủ thời gian thực hành, …

7

Đề xuất danh mục chuyên môn dự kiến hoạt động của phòng khám chuyên khoa

Nộp hồ sơ về: Sở y tế tỉnh, thành phố nơi mở phòng khám chuyên khoa

Hình thức nộp hồ sơ: thông qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp

Thời gian làm việc:

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: 45 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ

– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: nếu như hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận sẽ gửi văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau đó, trong thời hạn 60 ngày, bạn sẽ phải thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

 

Như vậy, để có thể mở phòng khám chuyên khoa tư nhân, bạn phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe và chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Ngoài những yêu cầu chuyên môn như yêu cầu giấy phép con hoạt động phòng khám, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất phục vụ hoạt động khám chữa bệnh hay chứng chỉ hành nghề, năng lực, kinh nghiệm của người phụ trách chuyên môn, kỹ thuật của phòng khám thì bạn còn phải đảm bảo các quy định về điều kiện an toàn PCCC, an toàn bức xạ cũng như làm việc bằng cả “trái tim” khi hoạt động để phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh cho cộng đồng.

Thông qua bài viết này, Luật Nghiệp Thành hy vọng có thể giải đáp những thắc mắc về điều kiện mở phòng khám chuyên khoa, góp phần lan tỏa tri thức và đóng góp một phần nhỏ cho công cuộc nhân rộng cơ sở khám, chữa bệnh cho xã hội.

 

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Tiến Thành

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Điều 11.8 Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[2] Điều 3.3 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

[4] Điều 32 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Y Tế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*