Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Tình huống: Chị Phạm Thị Thúy Nga gửi câu hỏi đến Luật Nghiệp Thành như sau: “Gia đình tôi có một chiếc xe ô tô 16 chỗ, nay muốn sử dụng chiếc xe này để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có được không? Nếu có thể thì chúng tôi cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến cho Luật Nghiệp Thành, với câu hỏi của chị chúng tôi xin tư vấn như sau:

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được hiểu là hoạt động kinh doanh vận tải thực hiện trên cơ sở hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). Để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh này, các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh cần đáp ứng các điều kiện sau:

1) Điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó có xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng)

Doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó bao gồm hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Điều kiện về Giấy phép kinh doanh: Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô[1];

Điều kiện về phương tiện: Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã đề ra. Chất lượng phải phù hợp với hình thức kinh doanh; Xe ô tô phải bảo đảm các quy chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời phải được gắn thiết bị giám sát hành trình[2].

Điều kiện chung về người lái xe và nhân viên phục vụ: Người lái xe không trong thời kỳ bị cấm hành nghề. Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án và hình thức kinh doanh. Nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; Đồng thời, phải có hợp đồng lao động bằng văn bản giữa người lái xe với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải[3].

Điều kiện về người trực tiếp lái xe: Phải có trình độ chuyên môn về vận tải[4].

Điều kiện về nơi đỗ xe: Nơi đỗ xe phải được bố trí sao cho phù hợp với phương án, hình thức kinh doanh. Đồng thời phải đảm bảo được các yêu cầu về an toàn giao thông; phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định[5].

Về tổ chức, quản lý: Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe; Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông,…[6]

Ngoài những quy định chung về điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu trên thì pháp luật cũng có các quy định cụ thể đối với từng loại phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. Dưới đây là các điều kiện để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:

2) Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là một trong những ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện[7]. Do đó, các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch bằng xe ô tô phải đảm bảo được các điều kiện sau đây:

Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:

– Xe ô tô phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Đồng thời, phải niêm yết đầy đủ các thông tin khác của xe[8];

– Xe phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” (làm bằng vật liệu phản quang với kích thước tối thiểu là 6 cm x 20 cm) trên kính phía trước và kính phía sau xe[9];

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 km và không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 km trở xuống[10].

– Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

– Trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) thì phải được lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả chỗ ngồi của lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông[11].

Lưu ý: Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện thủ tục xin cấp phù hiệu ở địa phương đó. Việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe[12].

Document

Điều kiện về hợp đồng vận chuyển:

– Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)[13].

– Hợp đồng vận tải hành khách bằng hợp đồng phải có đầy đủ các nội dung sau[14]:

  1. Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: Tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng[15];
  2. Thông tin về lái xe: Họ và tên, số điện thoại[16];
  3. Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải: Tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có)[17];
  4. Thông tin về xe: Biển số xe và trọng tải xe[18];
  5. Thông tin về thực hiện hợp đồng: Thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ); Điểm đầu, điểm cuối và các điểm đón, trả khách trên hành trình vận chuyển; Khoảng cách của hành trình vận chuyển (km) và số lượng khách[19];
  6. Thông tin về giá trị, hiệu lực hợp đồng và phương thức thanh toán[20];
  7. Quy định về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, trong đó thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ thuế; quyền, nghĩa vụ của các bên; số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo của hành khách; cam kết trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù nếu có thiệt hại cho người thuê vận tải/hành khách[21].

Điều kiện đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe:

– Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển khi người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)[22];

– Xe ô tô chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm đã thể hiện trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết (trừ khi thực hiện các hoạt động cấp cứu người, phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của lực lượng chức năng)[23];

– Không được thực hiện các hoạt động gom khách, đón khách không thuộc danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký[24];

– Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe và không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức[25];

– Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau[26];

– Không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh[27];

– Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố thì không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp. Phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị[28];

– Trước khi thực hiện hoạt động vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng hợp đồng phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển như: Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng; Thông tin về lái xe; Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải; Thông tin về xe; Thông tin về thực hiện hợp đồng đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua Email[29].

Lưu ý: Từ ngày 01/01/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ thực hiện cung cấp các thông tin thuộc hợp đồng nêu trên thông qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.

3) Các loại giấy tờ mà người lái xe cần mang theo

  1. Giấy đăng ký xe[30];
  2. Giấy phép lái xe[31];
  3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường[32];
  4. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe du lịch[33];
  5. Hợp đồng vận chuyển bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp hai bên giao kết hợp đồng điện tử và trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.)[34];
  6. Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp hai bên giao kết hợp đồng điện tử và trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới.)[35];
  7. Đối với trường hợp các bên sử dụng hợp đồng điện tử thì lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp (trừ trường hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển phục vụ đám tang, đám cưới)[36];

Lưu ý: Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.

Dịch vụ xin cấp giấy phép vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 67.1.(a) Luật Giao thông đường bộ 2008

[2] Điều 67.1.(b) Luật Giao thông đường bộ 2008

[3] Điều 67.1.(c) Luật Giao thông đường bộ 2008

[4] Điều 67.1.(d) Luật Giao thông đường bộ 2008

[5] Điều 67.1.(đ) Luật Giao thông đường bộ 2008

[6] Điều 67.2, 3 Luật Giao thông đường bộ 2008

[7] Mục 104 PHỤ LỤC 4 ban hành kèm Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014

[8] Điều 7.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[9] Điều 7.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[10] Điều 13.1.(đ) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[11] Điều 13.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[12] Điều 6.1.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[13] Điều 7.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[14] Điều 15.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[15] Điều 15.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[16] Điều 15.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[17] Điều 15.2.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[18] Điều 15.2.(d) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[19] Điều 15.2.(đ) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[20] Điều 15.2.(e) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[21] Điều 15.2.(g) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[22] Điều 7.3.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[23] Điều 7.3.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[24] Điều 7.3.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[25] Điều 7.3.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[26] Điều 7.3.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[27] Điều 7.3.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[28] Điều 7.3.(d) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[29] Điều 7.5 Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[30] Điều 58.2.(a) Luật Giao thông đường bộ 2008

[31] Điều 58.2.(b) Luật Giao thông đường bộ 2008

[32] Điều 58.2.(c) Luật Giao thông đường bộ 2008

[33] Điều 58.2.(d) Luật Giao thông đường bộ 2008

[34] Điều 7.4.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[35] Điều 7.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

[36] Điều 7.4.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*