Di chúc miệng có hiệu lực trong bao lâu?
Khi một cá nhân chết đi thì tài sản của họ có thể phân chia theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện theo di chúc – phần tâm nguyện mà người chết để lại. Theo đó, di chúc thể hiện dưới hai hình thức: lập bằng văn bản; hoặc thông qua lời nói trực tiếp, còn gọi là di chúc miệng. Di chúc miệng được người lập di chúc thể hiện nguyện vọng, ý chí bằng lời nói, nhằm xác định ai sẽ là người chiếm hữu, sử dụng, quản lý hay thực hiện một phần nghĩa vụ sau khi người lập di chúc chết. Vậy điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng và di chúc này có hiệu lực trong bao lâu? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu pháp luật về thừa kế thông qua tình huống sau.
Tình huống giả định: Ông A nay đã 80 tuổi, mắc bệnh khó qua khỏi. Hiện tại, ông A có 2 người con trai là M và K; tài sản gồm 1 căn nhà ở Long An, 1 miếng đất ở Bình Thuận, và hơn 01 tỷ tiền mặt trong tài khoản tiết kiệm của ngân hàng F. Nếu ông A muốn lập di chúc miệng thì phải thỏa điều kiện gì và có hiệu lực trong bao lâu?
Quy định pháp luật: Di chúc miệng được thực hiện trong trường hợp tính mạng của cá nhân bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng được xem là hợp pháp khi đáp ứng 3 điều kiện[1]:
– Tuy rằng thời điểm người lập di chúc là thời điểm họ bị đe dọa về tính mạng nhưng vẫn phải đảm bảo người lập di chúc là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trí óc minh mẫn, sáng suốt; tự nguyện và không bị ai lừa dối, cưỡng ép, đe dọa trong suốt quá trình lập di chúc.
Lưu ý: + Người từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ vì thế nếu người lập di chúc thuộc trường hợp này bắt buộc thiết lập bằng văn bản và phải được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý về nội dung của di chúc.
+ Trường hợp người lập di chúc là người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ thì di chúc phải được người làm chứng lập thành vản bản có công chứng, chứng thực.
– Khi lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng bằng lời nói thì cần ít nhất hai người làm chứng. Tuy nhiên những người sau đây không được làm chứng[2]:
+ Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc như con cái, vợ chồng,…;
+ Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;
+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức của di chúc miệng phải được người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Bên cạnh đó, văn bản được người làm chứng ghi lại phải đem ra văn phòng công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi người lập di chúc cư trú để chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn 05 ngày làm việc.[3]
=> Nếu di chúc miệng không đảm bảo các điều kiện về người lập di chúc, người làm chứng, nội dung, hình thức của di chúc miệng thì di chúc miệng sẽ không phát sinh hiệu lực và không được công nhận. Một khi di chúc không có hiệu lực pháp luật thì mặc nhiên tài sản của người chết sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Ngược lại, nếu di chúc miệng thỏa mãn các điều kiện trên thì di chúc miệng có hiệu lực trong vòng 3 tháng[4]. Sau khoảng thời gian này mà người lập di chúc vẫn còn minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Giải quyết tình huống: Di chúc miệng của ông A có hiệu lực khi ông A thỏa mãn các điều kiện sau:
– Tính mạng của ông A bị cái chết đe dọa và không thể tiến hành lập di chúc bằng văn bản;
– Tình trạng sức khỏe của ông A khi lập di chúc miệng là minh mẫn, sáng suốt, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không bị ai cưỡng ép, ràng buộc thực hiện;
– Người làm chứng phải đảm bảo ít nhất có 2 người, không phải là anh M, anh K, và những người không thể tiến hành làm chứng. Bởi lẽ, khi họ làm chứng sẽ không đảm bảo ý chí của người làm chứng được thể hiện nguyên vẹn nhất có thể.
=> Di chúc miệng của ông A có hiệu lực trong vòng 03 tháng kể từ ngày di chúc miệng thỏa mãn đủ điều kiện và phát sinh hiệu lực pháp lý. Nếu sau 03 tháng mà ông A vẫn còn minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị hủy bỏ.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Di chúc miệng có hiệu lực trong bao lâu?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 630 Bộ luật dân sự 2015
[2] Điều 632 Bộ luật dân sự 2015
[3] Điều 630.5 Bộ luật dân sự 2015
[4] Điều 629.2 Bộ luật dân sự 2015