Con chưa sinh ra được hưởng những quyền gì?
Nguồn ảnh: Internet
Như chúng ta đã biết, trẻ em cũng có những quyền cơ bản như được đi học, giao dịch dân sự mua những vật dụng cần thiết,… Tuy nhiên, liệu rằng pháp luật Việt Nam có dành sự quan tâm đối với con chưa sinh ra (dưới dạng phôi thai và thai nhi khi còn đang trong bụng mẹ) hay không, cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu bạn nhé!
1.Phân biệt khái niệm phôi thai và thai nhi
Phôi thai là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng.[1] Phôi thai cần một khoảng thời gian để phát triển tế bào và thành thai nhi.[2] Mặt khác, phôi thai sẽ do người thụ thai quyết định việc cho, nhận.[3] Như vậy, văn bản pháp lý quy định phôi thai chưa phải là thai nhi và hiện nay cũng chưa có một văn bản nào điều chỉnh cụ thể tư cách của phôi thai.
Thai nhi là sản phẩm của sự phát triển của phôi thai, thông thường từ tuần thứ 4 của thai kỳ trở đi, phôi thai được gọi là thai nhi.[4] Pháp luật Việt Nam có một số điều chỉnh về quy định liên quan đến thai nhi.
2.Thai nhi được hưởng quyền gì?
Thứ nhất, thai nhi được hưởng tiền bồi thường thiệt hại nếu cha hoặc mẹ bị chết. Theo đó, khi cha hoặc mẹ thiệt hại tính mạng vào thời điểm có thai, thai nhi sẽ được hưởng tiền bồi dưỡng từ khi thai nhi được sinh ra cho đến khi đủ 18 tuổi.[5]
Thứ hai, thai nhi được hưởng quyền thừa kế[6] và quyền di tặng[7]. Điều kiện để hưởng thừa kế, quyền di tặng là thời điểm mở thừa kế, di tặng, thai nhi vẫn còn sống và được sinh ra.
Thứ ba, thai nhi được hưởng tài sản khi phân chia tài sản.[8] Theo đó, khi phân chia tài sản, nếu thai nhi cùng hàng phân chia, thì cũng được hưởng phần tài sản tương ứng và được thụ hưởng khi sinh ra.
Mặt khác, bên cạnh những quyền được hưởng của thai nhi, người mẹ, người cha cũng được hưởng một số quyền lợi sau:
– Người chồng không được ly hôn người vợ trong thời gian người vợ mang thai.[9] Pháp luật đang bảo vệ quyền lợi của thai nhi trong thời gian người mẹ mang thai – quyền có cha có mẹ khi được sinh ra.
– Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.[10] Nhằm tạo điều kiện tối đa và sự phát triển tinh thần của trẻ nhỏ cũng như cha mẹ, các quy định pháp luật dành nhiều sự quan tâm về điều kiện và trách nhiệm của người mang thai hộ để đáp ứng tối đa mục đích đem đến mái ấm cho trẻ nhỏ.
– Pháp luật lao động cũng dành nhiều sự ưu tiên cho lao động nữ mang thai như đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước nếu có bệnh[11], hoặc NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp lao động nữ mang thai,[12]…
– Hơn thế nữa, phụ nữ đang mang thai cũng nhận được sự khoan hồng của pháp luật khi thi hành án hình sự như hoãn thi hành án[13], không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng,[14]…
Bạn đọc tham khảo Quyền tài sản riêng của con
Bạn đọc tham khảo Vợ dẫn con bỏ đi dù còn đang kết hôn
Bạn đọc tham khảo Cha nhận trợ cấp thai sản khi ngươi mẹ sinh con
Trên đây là nội dung tư vấn về “Con chưa sinh ra được hưởng những quyền gì?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 2(5) Nghị định 10/2015 NĐ-CP
[2]https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/san-phu-khoa/bai-giang-su-phat-trien-cua-phoi-thai-va-thai-nhi-trong-nua-dau-thai-ky
[3] Điều 6 Nghị định 10/2015 NĐ-CP
[4]https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/san-phu-khoa/bai-giang-su-phat-trien-cua-phoi-thai-va-thai-nhi-trong-nua-dau-thai-ky
[5] Điều 593 Bộ luật dân sự 2015
[6] Điều 613 Bộ luật dân sự 2015
[7] Điều 613 Bộ luật dân sự 2015
[8] Điều 660(1) Bộ luật dân sự 2015
[9] Điều 51(3) Luật hôn nhân và gia đình
[10] Điều 94 – 100 Luật hôn nhân và gia đình
[11] Điều 35(2) Bộ luật lao động 2019
[12] Điều 37(3) Bộ luật lao động 2019
[13] Điều 67(1)(b) Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
[14] Điều 36(4) Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017