Quy trình cấp giấy phép phòng khám đa khoa

Quy trình cấp giấy phép phòng khám đa khoa

Quy trình cấp giấy phép phòng khám đa khoa

Trước nhu cầu và quyền lợi khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe của người dân, việc thành lập các bệnh viện công lẫn tư và các phòng khám đảm bảo điều kiện, chất lượng là rất quan trọng và cần thực hiện nghiêm khắc, tuân thủ đúng quy trình cấp phép. Bên cạnh các cơ sở y tế công thì phòng khám tư nhân cũng là một trong những lựa chọn thăm khám của nhiều người do tình trạng quá tải của các bệnh viện công. Trong đó, phòng khám đa khoa cũng là nơi được nhiều người ghé tới thăm khám sức khỏe. Vậy phòng khám đa khoa thông thường cần có những điều kiện và quy trình cấp phép như thế nào? Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.

THỨ NHẤT, vì phòng khám cũng là một hình thức kinh doanh nên phải đăng ký kinh doanh. Có thể lựa chọn mở hộ kinh doanh hoặc là thành lập doanh nghiệp. Cần lưu ý khi đăng ký thành lập bạn cần đăng ký ngành nghề phù hợp với hoạt động của phòng khám.

Cụ thể là ngành 8620: Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa

Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hai loại hình này, thì để được phép hoạt động dưới dạng phòng khám thì cần phải có giấy phép con phòng khám đa khoa. Để có giấy phép con cho hoạt động phòng khám thì đầu tiên cơ sở của bạn phải đáp ứng các điều kiện nhất định.

THỨ HAI, cần đáp ứng các điều kiện sau:

1. Điều kiện chung[1]

Thứ nhất, Cơ sở vật chất:

– Phải có địa điểm cố định,

Đây là điều kiện đương nhiên các phòng khám phải đáp ứng do đặc thù ngành nghề liên quan đến máy móc, thiết bị chẩn đoán, bệnh nhân không thể di chuyển nhiều địa điểm. Phòng khám cũng cần chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với địa điểm khám chữa bệnh của mình thông qua các hợp đồng thuê, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và sử dụng.

– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy

Hoạt động phòng khám có liên quan đến các loại máy móc như máy X-Quang nên vấn đề về an toàn bức xạ cho bệnh nhân, nhân viên y tế là điều phải lưu tâm. Phòng khám cần đảm bảo nguyên tắc chung và yêu cầu chung và riêng với từng loại thiết bị bức xạ, cụ thể bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Thông tư bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.[2]

Vì phòng khám đa khoa thuộc danh sách cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên phải tuân thủ các quy định về PCCC.[3]

– Dưới 03 tầng và tổng khối tích dưới 1.000m3: Do UBND cấp xã, phường quản lý[4] (Phụ lục IV)

– Cao từ 03 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3: Cơ quan công an quản lý[5] (Phụ lục III)

Nếu thuộc Phụ lục III, Phụ lục IV thì người đứng đầu phòng khám phải lập hồ sơ quản lý. Theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của phòng khám và có các nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn PCCC, thoát nạn; có phương án chữa cháy đã được phê duyệt; v.v..[6]

– Đối với dụng cụ y tế sử dụng lại thì phải bố trí khu vực tiệt trùng hoặc phải có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.

Thứ hai, trang thiết bị y tế:

– Phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở

– Nếu có khám, điều trị bệnh nghề nghiệp thì phải có ít nhất 01 bộ phận xét nghiệm sinh hóa

*Chú ý: Nếu phòng khám tư vấn sức khỏe qua các phương tiện CNTT, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị trên nhưng cần có đủ các phương tiện phù hợp với phạm vi hoạt động đã đăng ký.

Thứ ba, Nhân lực:

– Phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người này phải là:

Document

+ Bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

+ Nếu phòng khám đa khoa có nhiều chuyên khoa thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động.

+ Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ 36 tháng trở lên sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh từ 54 tháng trở lên.

Thời gian này phải được nơi làm việc mà Bác sỹ đã tham gia hành nghề có Văn bản xác nhận đã công tác với khoảng thời gian trên.

+ Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở[7]

Được hiểu là người đăng ký làm việc liên tục 8 giờ/ngày trong thời gian hoạt động mà phòng khám đã đăng ký hoặc người làm việc đầy đủ thời gian mà phòng khám đăng ký hoạt động có thời gian ít hơn 8 giờ/ngày.

Có thể hiểu bác sỹ phụ trách chuyên môn phải là nhân viên toàn thời gian không là nhân viên bán thời gian.

– Các Đối tượng khác (người hành nghề) thực hiện việc khám, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề khi khám, chữa bệnh và chỉ được thực hiện việc khám, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật sẽ phân công công việc phù hợp với chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của những nhân lực hành nghề khác bằng văn bản.

– Kỹ thuật viên xét nghiệm: phải có trình độ đại học và ký kết quả xét nghiệm.

– Cử nhân X-quang: có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán

Nếu không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm trình độ đại học/bác sỹ X-quang thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm/chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh.

– Các đối tượng như kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề và được phép hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cần chú ý phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

Thứ tư, với cơ sở khám sức khỏe cần đáp ứng:

Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực và thiết bị y tế cần thiết để khám, phát hiện được tình trạng sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe và mẫu phiếu khám sức khỏe được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám sức khỏe.

2. Điều kiện riêng đối với phòng khám đa khoa:

Thứ nhất, Quy mô phòng khám đa khoa

– Có ít nhất 02 trong 04 ngành chuyên khoa sau: nội, ngoại, sản, nhi

– Phải có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh)

Thứ hai, cơ sở vật chất phải đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn

– Phải có phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu

Thứ ba, thiết bị y tế

– Phải có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa

Thứ tư, nhân sự

Số lượng bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa.

Người phụ trách các phòng khám chuyên khoa và bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh) thuộc Phòng khám đa khoa phải là người làm việc cơ hữu tại phòng khám.

THỨ BA,  Nộp hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện tại mục 1, 2, thì phòng khám cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ sau:[8]

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động  Mẫu 01 – PL XI
2. Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với phòng khám
3. Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và người phụ trách bộ phận chuyên môn
4. Văn bản xác nhận thời gian đã công tác của Bác sỹ chịu trách nhiệm chuyên môn
5. CMND/CCCD sao y của Bác sỹ chịu trách nhiệm chuyên môn
6. Danh sách đăng ký nhân lực của phòng khám (người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế)    Mẫu 02 – PL XI
7. Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự

Phải liệt kê đúng tình hình thực tế của phòng khám và đảm bảo đủ điều kiện luật định

8. Tài liệu chứng minh phòng khám đáp ứng đủ điều kiện về cở sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với các điều kiện

Như: Hợp đồng thuê/mượn hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất; các hồ sơ như hóa đơn mua các thiết bị y tế; CMND/CCCD, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận các nhân sự hành nghề và có chuyên môn.

9. Danh mục chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật

Nộp hồ sơ tại: tại Sở Y tế[9] trên địa bàn của phòng khám đa khoa

Phương thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện

Sau khi nộp hồ sơ với cả hai hình thức trên thì phòng khám sẽ nhận được mẫu Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Thời hạn xem xét để cấp giấy phép hoạt động:

– Với hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

– Với hồ sơ không hợp lệ,

– Thông báo đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ sẽ được gửi trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

– Sau khi phòng khám sửa đổi và nộp hồ sơ thì trong vòng 10 ngày làm việc:

Nếu cơ quan cấp phép không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp giấy phép hoạt động trong thời hạn 45 ngày.

Nếu không cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

– Phòng khám sẽ phải thực hiện lại thủ tục cấp phép từ đầu nếu sau 60 ngày kể từ lúc tiếp nhận hồ sơ mà có văn bản sửa đổi, bổ sung mà phòng khám không nộp lại hồ sơ sửa đổi, bổ sung hoặc nộp lại nhưng không đạt yêu cầu.

THỨ NĂM, Ưu đãi về thuế đối với phòng khám đa khoa

Vì hoạt động trong lĩnh vực y tế, nên so với mức thuế suất thông thường các doanh nghiệp phải đóng là 20%  thì với phòng khám đa khoa mức thuế suất là 10%.[10]

Cần lưu ý, mức ưu đãi về thuế trên chỉ áp dụng đối với thu nhập chịu thuế phát sinh từ lĩnh vực y tế, mức trên không áp dụng với tất cả các thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác mà doanh nghiệp thực hiện.

Về thuế GTGT, với hoạt động phòng khám cả hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì do là dịch vụ y tế nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo Luật Thuế GTGT quy định.[11]

Với thuế TNCN và lệ phí môn bài thì cả hai loại hình đều sẽ phải đóng các loại thuế này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy trình cấp giấy phép phòng khám đa khoa

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 11.4 Nghị định 155/2018/NĐ-CP bổ sung Điều 23a Nghị định 106/2019/NĐ-CP

[2] Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT

[3] Mục 4 Phụ lục I Nghị định 136/2020/NĐ-CP

[4] Mục 4 Phụ lục IV Nghị định 136/2020/NĐ-CP

[5] Mục 4 Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP

[6] Tham khảo cụ thể tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP

[7] Điều 3.3 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

[8] Điều 43 Nghị định 109/20216/NĐ-CP

[9] Điều 42.2, Điều 44.1.b Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh

[10] Điều 13.2 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008

[11] Điều 4.9 Thông tư 219/2013/TT-BTC

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Y Tế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*