Chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần

Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

(Cập nhật, bổ sung ngày 05/04/2022)

Câu hỏi: Tôi, Hạnh và Tuấn cùng nhau góp vốn thành lập công ty cổ phần THT ở Hà Nội, công ty mới thành lập được 1 năm, nay có thành viên muốn rút vốn. Vậy công ty cần làm những thủ tục gì?

Trả lời: Dựa trên câu hỏi của bạn Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:

1. Điều kiện được rút vốn

Hiện nay theo pháp luật hiện hành, cổ đông không được rút vốn ra khỏi CTCP dưới mọi hình thức.[1] Tuy nhiên, cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình mà không bị pháp luật ngăn cấm.[2] Vì vậy, có thể thông qua thủ tục chuyển nhượng cổ phần để rút vốn ra khỏi CTCP mà không vi phạm pháp luật.

Theo dữ liệu bạn cung cấp, thành viên muốn rút vốn (sau đây gọi chung là chuyển nhượng cổ phần) là cổ đông sáng lập của công ty. Quy định về thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập khó khăn và chịu nhiều sự điều chỉnh của pháp luật hơn.

Bạn đọc tham khảo bài viết Khi nào được thay đổi thông tin CĐSL về điều kiện để có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong CTCP.

Trong trường hợp của bạn, công ty bạn mới thành lập được 01 năm, nếu bạn muốn chuyển nhượng cổ phần thì bạn có thể tự do chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập còn lại. Nếu Bạn muốn chuyển nhượng cho người khác thì bạn phải được Đại Hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) chấp thuận. Điều này có nghĩa, nếu cổ đông còn lại không mua và ĐHĐCĐ không chấp thuận cho bạn chuyển nhượng cổ phần cho người khác thì bạn sẽ không được chuyển nhượng cổ phần của mình cho đến khi hết thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp GCN ĐKDN nói trên.

2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong CTCP

Các bước để thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp GCNĐKDN của cổ đông sáng lập như sau:

Bước 1: Thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các bên liên quan gồm bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng;

Document

Bước 2: Tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, gồm biên bản họp đại hội đồng cổ đông; quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

Bước 3: Sau đó chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty;

Thep pháp luật hiện hành, đăng ký thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập phải nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư khi và chỉ khi thay đổi cổ đông sáng lập ảnh hưởng đến vốn điều lệ (tăng hoặc giảm vốn điều lệ).[3] Do đó, trong trường hợp này của bạn, không cần phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi đăng ký cổ đông sáng lập lên cơ quan có thẩm quyền mà chỉ cần thay đổi, bổ sung vào sổ đăng ký của đông của công ty.

3. Nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển nhượng cổ phần[4]

Sau khi công ty bạn hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì bên chuyển nhượng cổ phần (cụ thể là cổ đông chuyển nhượng cổ phần) phải làm thủ tục nộp thuế TNCN khi chuyển nhượng cổ phần của mình và nộp lên cơ quan thuế nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong vòng 10 ngày kể từ ngày chuyển nhượng.[5]

Hồ sơ khai thuế TNCN do chuyển nhượng cổ phần như sau:

– Tờ khai thuế TNCN (Mẫu TK-04-CNV-TNCN)

– Bản chụp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Thuế TNCN phải nộp[6] = Giá chuyển nhượng từng lần x Thuế suất 0,1%

Trong đó:

– Giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng.

– Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng với mức thuế suất là 0,1%

Trường hợp công ty bạn chuyển nhượng cổ phần nhưng không thực hiện thủ tục nộp tờ khai thuế TNCN trong việc chuyển nhượng cổ phần thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề này. Mức phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm của cá nhân là từ 400.000 đồng đến 25.000.000 đồng tùy thuộc vào thời gian bạn nộp tờ khai chậm và có tình tiết giảm nhẹ hay không.[7] Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần đối với mức phạt của cá nhân vi phạm.[8]

Bạn đọc tham khảo Tăng vốn công ty cổ phần

Bạn đọc tham khảo Vốn pháp định và một số vấn đề liên quan

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Thị Thanh Trà.

Cập nhật, bổ sung ngày: 05/04/2022

Người bổ sung: Lê Kim Bảo Ngọc

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 119.2 Luật Doanh nghiệp 2020

[2] Điều 127.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[3] Điều 113.3(d) Luật Doanh nghiệp 2020

[4] Điều 13 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung 2014

[5] Điều 33.2 Luật Quản lý thuế 2019

[6] Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[7] Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

[8] Điều 5.5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*