Chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu khóa tài khoản của người nhận?
Chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu khóa tài khoản của người nhận?
Có thông tin cho rằng từ ngày 01/7/2024, người chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận nhằm đảm bảo số tiền chuyển nhầm không bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, thông tin này chưa chính xác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc khóa tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán[1]; hoặc khi có quyết định từ Cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, việc phong tỏa tài khoản được áp dụng trong 04 trường hợp sau[2]:
1. Chủ tài khoản thanh toán yêu cầu hoặc có thỏa thuận với ngân hàng;
2. Cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định hoặc gửi yêu cầu bằng văn bản đến ngân hàng;
Ví dụ: Cục Thuế tỉnh KT phát hiện rằng Công ty L đã nhận sai khoản tiền thuế GTGT do lỗi từ hệ thống hạch toán. Vì thế, Cục Thuế tỉnh KT gửi Quyết định phong tỏa một phần số dư tài khoản thanh toán của công ty L đến ngân hàng ARB – nơi Công ty L đang được quản lý.
3. Ngân hàng phát hiện có nhầm lẫn hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn tiền do có sự nhầm lẫn so với lệnh thanh toán của bên chuyển;
*Điều kiện: Việc phong tỏa chỉ được thực hiện sau khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng;
*Lưu ý: Số tiền bị khóa không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn
Ví dụ: Sau khi nhận được lệnh chuyển khoản 10 triệu từ khách hàng K đến người nhận X, ngân hàng NAB đã thực hiện nhưng có sự nhầm lẫn trong hệ thống khiến ngân hàng chuyển nhầm thành 100 triệu đồng vào tài khoản người nhận Z. Khi phát hiện sự nhầm lẫn, ngân hàng NAB đã liên hệ với ngân hàng VNB để phong tỏa 90 triệu đồng trong tài khoản của người nhận Z nhằm đảm bảo tính chính xác trong giao dịch tài chính.
4. Một trong các chủ tài khoản thanh toán chung có yêu cầu, trừ khi có thỏa thuận khác với ngân hàng;
Ví dụ: Tháng 7/2024, tài khoản thanh toán của công ty O nhận được khoản thanh toán là 50 triệu, nhưng công ty không có hóa đơn hoặc hợp đồng nào tương ứng với số tiền trên. Bên cạnh đó, thông tin người gửi không thuộc danh mục đối tác đang hợp tác của công ty. Vì thế, ông K – một trong 3 chủ tài khoản thanh toán chung đến ngân hàng PB để yêu cầu khóa 50 triệu trong tài khoản để đảm bảo số tiền chuyển nhầm không bị sử dụng sai mục đích.
Cách xử lý khi chuyển nhầm tiền:
– Liên hệ trực tiếp với bên nhận chuyển nhầm để thỏa thuận về việc phong tỏa một phần số dư tài khoản của bên nhận nhầm, tương ứng với số tiền bị chuyển nhầm. Điều này giúp hỗ trợ quá trình thống kê, kiểm tra, và hoàn lại số tiền cho bên chuyển nhầm.
– Thông báo đến cơ quan có thẩm quyền như công an/tòa án để tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc. Sau khi xác minh, nếu cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra văn bản yêu cầu khóa toàn bộ hoặc một phần số dư trong tài khoản ngân hàng của bên nhận nhầm.
Tóm lại, việc yêu cầu khóa tài khoản khi chuyển nhầm tiền cần tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành và phải có sự đồng ý của chủ tài khoản hoặc thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu khóa tài khoản của người nhận?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhân “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được sự phản hồi, góp ý bổ sung
Biên tập: Quách Gia Hy
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Minh Cơ
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Tổ chức cung ứng dịch vụ bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu ích công ích.
[2] Điều 11 Nghị định 52/2024/NĐ-CP