Chứng minh quan hệ gia đình thông qua trích lục tàng thư
Chứng minh quan hệ gia đình thông qua trích lục tàng thư
Trong quá trình thực hiện cấp căn cước công dân gắn chip hiện nay, không ít người lớn tuổi gặp khó khăn trong vấn đề xác minh thông tin cá nhân, nhân thân, giấy tờ có liên quan đến quan hệ gia đình. Bên cạnh đó nhiều thủ tục hành chính như phân chia thừa kế, cấp lại giấy tờ đất đai của hộ gia đình, … đòi hỏi người lớn tuổi phải cung cấp các loại giấy tờ để chứng minh quan hệ gia đình, quan hệ cha – mẹ- con, anh – chị – em. Giấy khai sinh gần như loại giấy tờ quan trọng và duy nhất để chứng minh quan hệ gia đình trong những trường hợp như thế này.
Tuy nhiên, người lớn tuổi, các bậc ông bà là những người có giấy tờ nhân thân được cấp từ hàng chục năm về trước, được cấp bởi cơ quan chế độ cũ và trải qua thời kỳ chiến tranh loạn lạc, di cư, … việc lưu giữ và bảo quản giấy khai sinh hay giấy tờ nhân thân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ông bà hiện nay, khi thực hiện các thủ tục hành chính thì mới vỡ lẽ không còn giấy khai sinh hay giấy tờ nhân thân nào khác để cung cấp.
Khi rơi vào trường hợp này, trích lục tàng thư như Giấy khai sinh và các loại giấy tờ nhân thân là giải pháp nhanh chóng[1]. Tuy nhiên sẽ có những trường hợp, các ông, bà không còn được cơ quan nhà nước lưu giữ giấy tờ nhân thân bởi những lý do như giấy tờ đã được cấp quá lâu, việc bảo quản lưu giữ bị tàn phá bởi chiến tranh, …
Như trường hợp sau đây, Ông A có Giấy khai sinh được cấp bởi cơ quan Tòa Hòa Giải Hội An thuộc Sở Tư Pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1959. Trong quá trình chiến tranh, Ông A làm mất Giấy khai sinh của mình và không sử dụng Giấy khai sinh từ đó cho đến nay. Hiện tại, Ông A đang làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tài sản của em trai để lại. Tuy nhiên khi thực hiện các công việc, thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước đòi hỏi ông A phải trình diện giấy tờ chứng minh quan hệ anh, em ruột với em trai. Việc trích lục tàng thư là Giấy khai sinh của ông A không thực hiện được do giấy khai sinh của ông A không còn được lưu giữ.
Đây là vướng mắc mà không ít người cao tuổi gặp bối rối khi không còn giấy khai sinh hay giấy tờ nhân thân để chứng minh quan hệ gia đình. Để giải quyết vấn đề này, người cao tuổi phải thực hiện việc trích lục tàng thư cư trú trước đây dựa trên cơ sở dữ liệu về cư trú[2] hoặc trích lục tàng thư hành chính khác có thể hiện quan hệ gia đình. Sau đây là những giấy tờ, tàng thư có thể chứng minh được quan hệ gia đình, quan hệ nhân thân của người lớn tuổi thay thế giấy khai sinh:
1. Giấy chứng nhận nhân khẩu thường trú, sổ hộ khẩu gia đình từ năm 1975 trở về sau này có thể hiện mối quan hệ gia đình.
2. Tờ khai quan hệ gia đình năm 1975.
3. Giấy tờ thực hiện thủ tục phân chia thừa kế của gia đình (thỏa thuận phân chia thừa kế, …) hoặc các công việc khác có liên quan đến quan hệ gia đình.
Đối với những giấy tờ này, cần liên hệ cơ quan Công an nơi cư trú của gia đình trước đây, văn phòng công chứng hoặc cơ quan nhà nước khác để thực hiện việc trích lục tàng thư và thực hiện việc xin Cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân xác nhận mối quan hệ gia đình dựa trên căn cứ của tàng thư nói trên.
Ngoài ra, hiện nay có một số trường hợp thông tin cá nhân, nhân thân bị sai, thông tin không khớp giữa Giấy khai sinh với sổ hộ khẩu hay giấy tờ khác làm ảnh hưởng đến việc cấp căn cước công dân gắn chíp hay thủ tục hành chính khác. Thì việc trích lục giấy tờ tàng thư là rất quan trọng để làm căn cứ xác định thông tin trong các trường hợp này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Chứng minh quan hệ gia đình thông qua tàng thư”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tiến Thành
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1]Điều 63 Luật Hộ tịch 2014
[2] Điều 9 Nghị định 62/2021/NĐ-CP