Cho người lao động thôi việc khi doanh nghiệp phải giải thể
Cho người lao động thôi việc khi doanh nghiệp phải giải thể do gặp khó khăn kinh tế
Tình huống: Thưa Luật sư! Tôi tên Nga, hiện đang làm giám đốc tại một công ty xây dựng tại tỉnh Bình Dương. Hiện tại, do tình hình kinh tế và thực tế sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Cho nên, công ty chúng tôi muốn giải thể, chấm dứt mọi hợp đồng lao động (HĐLĐ), cho toàn bộ nhân viên thôi việc có đúng pháp luật không? Mong nhận được sự phản hồi sớm từ Luật sư.
Trả lời: Cảm ơn chị Nga đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến với Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Hiện nay, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh cao và khốc liệt trên thị trường. Cùng với xu hướng khó khăn chung trong việc sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 (Corona) hoành hành và lan rộng như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp (NSDLĐ) đã và đang tiến hành các thủ tục giải thể, đóng cửa hoạt động toàn bộ. Theo thống kê, từ đầu năm 2020 cho đến thời điểm hiện tại đã có đến 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn, hơn 9.300 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể và hơn 2.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Kéo theo đó, hàng nghìn thậm chí là hàng chục nghìn người lao động (NLĐ) bị đẩy vào cảnh thất nghiệp, thiếu việc làm, không có nơi để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và mưu sinh.
Vậy doanh nghiệp có quyền đóng cửa, ngừng hoạt động vì lý do kinh tế khó khăn không?
Theo pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, các doanh nghiệp có quyền thực hiện thủ tục giải thể sau khi hoàn thành các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác cũng như các nghĩa vụ thuế. Việc các chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bắt nguồn từ nhiều lý do như lợi nhuận thấp, kinh doanh thua lỗ kéo dài, không đạt được các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra hay có mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ.
Như vậy, ở đây chúng ta có thể hiểu rằng, chỉ sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình đối với cơ quan thuế và đối với những người có quyền, lợi ích hợp pháp ảnh hưởng trực tiếp như NLĐ hay các chủ nợ của doanh nghiệp (nếu có) thì doanh nghiệp mới có thể tiến hành thủ tục giải thể của mình[1].
Doanh nghiệp có nghĩa vụ gì đối với NLĐ sau khi giải thể không?
Trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành giải thể, tất yếu sẽ dẫn đến việc chấm dứt HĐLĐ đối với toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp. Do đó, đối với câu hỏi tình huống, khi công ty chị Nga tiến hành giải thể, đóng cửa hoạt động hoàn toàn, chấm dứt mọi HĐLĐ và cho toàn bộ nhân viên thôi việc là không trái với quy định của pháp luật lao động hiện hành.
Các khoản cần thanh toán khi cho nhân viên thôi việc vì lý do doanh nghiệp giải thể?
Mặc dù doanh nghiệp được quyền chấm dứt mọi HĐLĐ đối với NLĐ khi giải thể. Tuy nhiên, NLĐ được cho thôi việc trong trường hợp này cần được thanh toán toàn bộ tiền lương (tiền lương chưa được thanh toán cho đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ), trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác của NLĐ theo quy định. Cụ thể như sau:
STT | Khoản thanh toán |
1 | Trợ cấp thôi việc[2]: Trợ cấp này được chi trả cho NLĐ khi mà NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ một cách hợp pháp (trường hợp trong tình huống đưa ra được coi là hợp pháp[3]. Khoản trợ cấp này chỉ áp dụng đối với những NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên tại doanh nghiệp, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương[4]. Và tiền lương làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề (theo HĐLĐ) trước khi NLĐ thôi việc[5]. Chúng tôi đã viết về cụ thể vấn đề này tại mục “1) Trợ cấp thôi việc” của bài viết Các khoản trợ cấp mà NLĐ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động. |
2 | Trợ cấp thất nghiệp: Đối với những NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng khoản trợ cấp này[6] thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa. Thay vào đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ[7]. Về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo bài viết Quy định về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp của chúng tôi. |
3 | Khoản tiền lương chưa thanh toán cho nhân viên: Công ty phải thanh toán hết số tiền lương chưa thanh toán cho NLĐ cho đến hết ngày cuối cùng của thời điểm chấm dứt HĐLĐ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ[8]. |
4 | Tiền lương các ngày phép chưa nghỉ[9]: Các bạn có thể tham khảo bài viết Xử lý ngày phép năm chưa nghỉ hết của NLĐ. |
5 | Các khoản phụ cấp (nếu có): Đây là khoản tiền phụ cấp thêm (ví dụ như tiền xăng xe, tiền điện thoại, tiền thuê trọ, thưởng thêm khi đạt doanh số,…) mà công ty và NLĐ đã thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ hoặc các phụ lục hợp đồng. |
6 | Các khoản hỗ trợ thêm: Khoản hỗ trợ thêm này sẽ tùy thuộc vào thiện chí của công ty khi xem xét các yếu tố về hoàn cảnh, công sức đóng góp của NLĐ cho sự phát triển của công ty,… |
NLĐ có được hưởng trợ cấp mất việc làm không?
Ở đây NLĐ không được hưởng trợ cấp mất việc làm. Bởi trợ mất việc làm chỉ được chi trả khi NSDLĐ gặp khó khăn về kinh tế và buộc phải cắt giảm một số lượng lao động cụ thể chứ không phải giải thể doanh nghiệp)[10].
Doanh nghiệp có phải bồi thường khi tiến hành giải thể và chấm dứt HĐLĐ với NLĐ không?
Hiện tại, pháp luật về doanh nghiệp cũng như pháp luật lao động không có quy định về việc doanh nghiệp phải bồi thường cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể mà chỉ quy định về những nghĩa vụ tài chính liên quan đến nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, nợ thuế và các khoản nợ khác[11]. Do đó, có thể hiểu rằng, ngoài các khoản tiền lương chưa thanh toán, các khoản phụ cấp, hỗ trợ và trợ cấp nêu trên thì doanh nghiệp không phải bồi thường khoản tiền nào cho NLĐ.
Trên thực tế, có thể sẽ có một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn thu được lợi nhuận. Nhưng vì lợi nhuận thấp hoặc khoản lợi nhuận thu được không đạt được chỉ tiêu doanh thu mà doanh nghiệp đề ra nên doanh nghiệp muốn cắt giảm nhân sự, chấm dứt HĐLĐ với nhiều nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã lấy lý do khó khăn để giải thể nhằm tránh phải chi trả khoản tiền bồi thường khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.
Hiện, cả Bộ luật Lao động và Luật Doanh nghiệp vẫn có những điểm chưa rõ ràng trong việc xác định thế nào là “khó khăn” về kinh tế khi doanh nghiệp, tổ chức ngừng hoạt động và chấm dứt HĐ với NLĐ. Những điểm không rõ ràng này rất có thể sẽ dẫn đến rủi ro pháp lý, phát sinh các tranh chấp không đáng có giữa NLĐ và doanh nghiệp. Do đó, hy vọng trong thời gian sắp tới, pháp luật sẽ có quy định để làm rõ doanh nghiệp “khó khăn” như thế nào thì sẽ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường đối với NLĐ.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cho NLĐ thôi việc khi doanh nghiệp phải giải thể do gặp khó khăn kinh tế”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Ngày cập nhập, bổ sung: 14.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 195.2 Luật Doanh nghiệp năm 2020
[2] Điều 46 Bộ luật lao động 2019
[3] Điều 34.10,11 và Điều 46.1 Bộ luật lao động 2019
[4] Điều 46.1 Bộ luật lao động 2019
[5] Điều 46.3 Bộ luật lao động 2019
[6] Điều 49.3 Luật Việc làm 2013
[7] Điều 46.2 Bộ luật lao động 2019
[8] Điều 48.1 Bộ luật lao động 2019
[9] Điều 113.3 Bộ luật lao động 2019
[10] Điều 8.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và Điều 42.4 Bộ luật lao động 2019
[11] Điều 208.5 Luật Doanh nghiệp năm 2020