Các khoản trợ cấp mà NLĐ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động

Các khoản trợ cấp mà NLĐ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động

Các khoản trợ cấp mà NLĐ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động

Chấm dứt hợp đồng lao động là sự việc xảy ra khi một hoặc cả hai bên trong hợp đồng không muốn hoặc không tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Việc chấm dứt hợp đồng lao động không những có thể ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của bản thân người lao động (NLĐ) và gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch, quá trình sản xuất, hoạt động kinh doanh của người sử dụng lao động (NSDLĐ). Do đó, pháp luật lao động hiện hành đã có những quy định rất chặt chẽ xoay quanh vấn đề này. Và vấn đề trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những vấn đề mà không ít người quan tâm hiện nay. Vậy trong những trường hợp này, NLĐ có thể được hưởng những khoản trợ cấp nào?

1) Trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà NSDLĐ phải chi trả cho NLĐ trong những trường hợp mà người đó chấm dứt hợp đồng một cách hợp pháp. Khoản trợ cấp này một mặt có thể được xem như là “phần thưởng” xứng đáng cho NLĐ khi đã đóng góp công sức trong quá trình lao động. Cho nên khoản trợ cấp này được tính toán dựa trên thâm niên làm việc của NLĐ[1] (thâm niên làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, chấm dứt lao động thuộc các trường hợp luật định cho là hợp pháp[2]). Tuy nhiên, trong trường hợp người đó đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo Bảo hiểm xã hội hoặc người đó tự ý bỏ công việc, không có lý do chính đáng liên tục 5 ngày trở lên thì sẽ không được hưởng khoản trợ cấp này[3].

Mặt khác, giống với trợ cấp thất nghiệp, thì khoản trợ cấp thôi việc này cũng mang ý nghĩa giúp NLĐ có thể trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình trong thời gian tìm công việc mới. Cũng chính bởi sự giống nhau này mà những NLĐ nào đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được tính là thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc[4].

Những trường hợp, NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc:

– Đối với NLĐ nước ngoài: Trường hợp NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng do có hành vi vi phạm kỷ luật lao động hay các hành vi vi phạm nghiêm trọng mà bị Tòa án tuyên trục xuất khỏi Việt Nam[5] hoặc Giấy phép lao động của họ không còn hiệu lực[6].

– NLĐ bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải[7]: Do có những hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng mà NLĐ không xứng đáng được hưởng khoản trợ cấp này. Đây được xem như một chế tài nghiêm khắc, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của NLĐ trong quá trình làm việc.

– NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng[8]: Bởi vì hằng tháng họ đã có một khoản thu nhập tương đối ổn định và không nhất thiết phải tìm kiếm một công việc khác nữa. Do vậy trong trường hợp này họ không được hưởng thêm khoản trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, ngoài ý nghĩa trợ cấp cho NLĐ để tìm công việc mới, thì trợ cấp thôi việc còn có ý nghĩa như là một “phần thưởng” cho công sức đóng góp trong quá trình lao động của họ. Cho nên, chúng tôi thấy việc quy định NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc trong trường hợp này là chưa thỏa đáng và chưa thực sự công bằng cho NLĐ.

– NSDLĐ cho NLĐ nghỉ việc: Trong trường hợp NSDLĐ cho NLĐ nghỉ việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế[9] hoặc các trường hợp chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp[10] mà không thể giải quyết được vấn đề việc làm cho NLĐ thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ[11].

Document

– NLĐ có toàn bộ thời gian làm việc đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp[12]: Hằng tháng NSDLĐ sẽ phải trích ra 1% tiền lương để đóng bảo hiểm thất nghiệp cho họ. Do vậy, nếu người đó nghỉ việc mà lâm vào thất nghiệp, nếu có đủ điều kiện thì họ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội chi trả mà không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa.

– Thử việc không đạt yêu cầu: Trường hợp trong Hợp đồng lao động được ký kết giữa hai bên có thỏa thuận về điều khoản thử việc. Tuy nhiên, kết quả thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận thử việc thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc[13].

Để có thể hiểu rõ hơn về khoản trợ cấp này, các bạn có thể tham khảo bài viết Quy định về trợ cấp thôi việc của Luật Nghiệp Thành tại địa chỉ Web tuvanluat.vn

2) Trợ cấp mất việc làm

Đây được xem là một khoản tiền mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ (làm việc từ đủ 12 tháng trở lên,…[14]) khi họ bị mất việc làm một cách thụ động, việc chấm dứt hợp đồng lao động là do phía doanh nghiệp gây ra. Khoản trợ cấp này trước hết có thể xem như là một khoản bồi thường khi NLĐ bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà lỗi không phải xuất phát từ họ. Bên cạnh đó, trợ cấp này còn có ý nghĩa giúp họ giải quyết khó khăn do mất việc, không có thu nhập để đảm bảo ổn định cuộc sống và tìm kiếm một công việc mới. Trợ cấp này cũng được tính dựa vào thâm niên của NLĐ[15].

Thời gian làm việc tính trợ cấp mất việc làm=Tổng thời gian làm việc thực tế(Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp + Thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc)

Lưu ý: Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Các khoản trợ cấp mà NLĐ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP

[2] Điều 46.1 Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 46.1 Bộ luật Lao động 2019

[4] Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;  Điều 46.2 Bộ luật Lao động 2019

[5] Điều 34.5 Bộ luật Lao động 2019

[6] Điều 34.12 và Điều 156 Bộ luật Lao động 2019

[7] Điều 34.8 Bộ luật Lao động 2019

[8] Điều 46.1 Bộ luật Lao động 2019

[9] Điều 42 Bộ luật Lao động 2019

[10] Điều 43 Bộ luật Lao động 2019

[11] Điều 42.5 và Điều 43.3 Bộ luật Lao động 2019

[12] Điều 47.2 Bộ luật Lao động 2019

[13] Điều 34.13 Bộ luật Lao động 2019

[14] Điều 47 Bộ luật Lao động 2019

[15] Điều 14.3 và Điều 14.4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP

 

 

Document
Categories: Lao động
Tags: tag

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*