Chia tài sản khi vợ chồng sống chung với gia đình
Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng thường sẽ sống chung với gia đình bên vợ hoặc chồng. Nếu có phát sinh ly hôn thì trong thời gian sống chung bên vợ hoặc chồng cũng đã có đóng góp nhất định vào khối tài sản chung của gia đình. Nên khi phân chia tài sản cũng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, cụ thể là chia như thế nào, làm thế nào để xác định người vợ, người chồng ấy đóng góp nếu không phải là các tài sản dễ xác định như tiền bạc, v.v…Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung về vấn đề chia tài sản khi một bên vợ/chồng sống chung với gia đình chồng/vợ.
TH1: Tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được.[1]
Khi chia khối tài sản chung với gia đình vợ, chồng thì vợ chồng và gia đình có thể thoả thuận. Nếu không thể thoả thuận được thì có thể yêu cầu Toà án giải quyết.
Cụ thể, theo Luật Hôn nhân và gia đình, vợ hoặc chồng sống chung với gia đình chồng hoặc gia đình vợ sẽ được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình. Và sẽ căn cứ công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.
Nên có thể hiểu sẽ trích một phần tài sản mà vợ hoặc chồng đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình chồng hoặc vợ chia cho người vợ hoặc chồng mà sẽ không còn sống chung tại gia đình chồng hoặc vợ đó nữa.
Vì quy định có đề cập đến đời sống chung của gia đình nên việc lao động trong gia đình như phụ giúp công việc nhà, làm nội trợ thì cũng được coi như là lao động có thu nhập.[2] Hơn nữa, việc bảo trì, gìn giữ ngôi nhà cũng được coi là tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của gia đình.
Ví dụ: Người vợ sống tại gia đình chồng sau khi kết hôn, nhưng sau thời gian chung sống cả hai ly hôn và yêu cầu Toà án giải quyết phân chia tài sản. Được biết, trong thời gian chung sống người vợ là con dâu cả, là người chăm lo các công việc bếp núc, nội trợ trong gia đình. Nhưng phần đóng góp của người vợ là không xác định được.
Nên lưu ý rằng lao động trong gia đình của người vợ cũng được coi như là lao động có thu nhập. Vì thế, khi người vợ rời khỏi gia đình chồng, Toà án sẽ căn cứ vào việc người vợ là lao động trong gia đình để đánh giá công sức đóng góp và phân chia tài sản cho người vợ từ khối tài sản chung của gia đình chồng một cách bình đẳng.
TH2: Tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình là có thể xác định được.[3]
Với trường hợp này, để phân chia sẽ xác định phần tài sản của vợ chồng được trích từ khối tài sản chung của gia đình. Sau đó, phần tài sản của vợ chồng sẽ phân chia theo nguyên tắc chung. Lúc này, không còn liên quan đến các thành viên của gia đình chồng/vợ mà chỉ còn là tài sản của vợ chồng.
Nguyên tắc chung giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn sẽ dựa vào các yếu tố như hoàn cảnh gia đình, của vợ, chồng; công sức đóng góp; lợi ích chính đáng của mỗi bên, nghề nghiệp; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.[4]
Để hiểu rõ, bạn tham khảo ví dụ sau:
Ví dụ: Anh A có sống tại gia đình vợ từ lúc kết hôn. Nay cả hai quyết định ly hôn và yêu cầu Toà án giải quyết phân chia tài sản. Trong thời gian chung sống, cả hai vợ chồng có phụ giúp gia đình vợ là góp tiền và mua vật liệu xây dựng để xây sửa nhà. Nếu có cung cấp đầy đủ bằng chứng là có đóng góp vào việc xây sửa căn nhà chung thì Toà án sẽ xem xét và tính phần đóng góp vợ chồng anh A dựa theo giá trị căn nhà để trích một phần tài sản từ khối tài sản chung gia đình khi chung sống để phân chia cho vợ chồng anh A. Sau đó, với phần tài sản chung của vợ chồng, Toà án sẽ tiếp tục phần chia theo quy định. Cụ thể là tại bài viết Phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Do đó, tuỳ thuộc vào việc có thể xác định được tài sản của vợ chồng hay không thì dẫn tới cách phân chia tài sản cũng sẽ khác nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Chia tài sản khi vợ chồng sống chung với gia đình”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 61.1 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[2] Điều 29.1 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[3] Điều 61.2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[4] Điều 59. Luật Hôn nhân và gia đình 2014