Chấm dứt thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng
Chấm dứt thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng
Câu hỏi: Vợ chồng tôi đã có làm một bản thỏa thuận phân chia tài sản chung đã công chứng. Nhưng bây giờ chúng tôi muốn hủy thỏa thuận đó thì cần làm gì? Vậy nếu những khoản tiền kiếm được từ tài sản riêng mà chúng tôi đã chia có phải hoàn trả lại để thành tài sản chung do thỏa thuận đã chấm dứt không? Mong Luật Nghiệp Thành giải đáp.
1.Chấm dứt thỏa thuận phân chia tài sản
Cũng tương tự khi xác lập thỏa thuận phân chia tài sản là lập thành văn bản, khi chấm dứt thỏa thuận này cũng phải lập thành văn bản.[1] Bên cạnh đó, nếu các bên có thể yêu cầu công chứng hoặc bắt buộc phải công chứng trong một số trường hợp nếu như đó là bất động sản, quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, tài sản mà có đăng ký quyền sở hữu.[2]
Vì trước đó bạn đã có công chứng văn bản thỏa thuận tại văn phòng công chứng nên khi muốn hủy bỏ thỏa thuận trên vợ chồng bạn cũng cần phải ra văn phòng công chứng để làm thủ tục hủy bỏ để công chứng Văn bản thỏa thuận chấm dứt hiệu lực phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
2.Vấn đề các tài sản đã chia trong thỏa thuận cùng với hoa lợi, lợi tức đã có sẽ giải quyết như thế nào?
Sau khi thỏa thuận chấm dứt có hiệu lực thì vấn đề phân chia tài sản chung hay riêng sẽ được xác định theo quy định về tài sản chung, tài sản riêng tại Luật hôn nhân và gia đình, tức là giống với thời điểm trước khi các bên xác lập thỏa thuận phân chia.[3]
Riêng với phần tài sản đã được chia theo thỏa thuận trước đó thì sẽ vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.[4]
-Về phần hoa lợi, lợi tức[5] mà bạn có đề cập đến khoản tiền cả hai kiếm được:
Cụ thể, Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại như trồng cây có trái, nuôi gà có trứng, v.v..[6]
Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản như cho thuê nhà, khoản tiền thu được từ việc cho thuê nhà gọi là lợi tức.[7]
Theo đó, nếu hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng mà đã được phân chia tài sản chung trong thỏa thuận thì vẫn sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng.[8] Nhưng sau khi thỏa thuận hết hiệu lực, nếu có hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thì đó sẽ là tài sản chung của vợ chồng.[9]
Ví dụ: Hai vợ chồng A và B có căn nhà dành để cho thuê. Trước đó, các bên đã thỏa thuận đó sẽ là tài sản riêng của chị B, chị B cũng là người phụ trách cho thuê, liên hệ với người thuê, tiền thuê đều là của chị B. Có thể hiểu, khi thỏa thuận phân chia tài sản chung có hiệu lực, lợi tức (tiền thuê nhà) chị B kiếm được là tài sản riêng của chị B.
Nhưng sau đó, hai vợ chồng hủy thỏa thuận phân chia, hai bên đồng ý thỏa thuận căn nhà trên sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, kể từ lúc thỏa thuận phân chia chấm dứt có hiệu lực thì lợi tức (tiền thuê nhà) chị B kiếm được sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Và riêng phần lợi tức chị B kiếm được trước khi thỏa thuận phân chia chấm dứt vẫn sẽ thuộc về riêng chị B mà không phải gộp chung vào khối tài sản chung.
Bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan:
Xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Tài sản chung nào trong thỏa thuận phân chia tài sản sẽ thành tài sản riêng
Trên đây là nội dung tư vấn về “Chấm dứt thoả thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Diều 41.1 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[2]Điều 51 Luật Công chứng 2014
[3]Điều 33, 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[4]Điều 41.2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[6]Điều 109.1 Bộ luật Dân sự 2015
[7] Điều 109.2 Bộ luật Dân sự 2015
[8]Điều 40.1 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[9] Điều 33.1 Luật Hôn nhân và gia đình 2014