Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng

Tình huống: Chị N – sống tại Quảng Nam, gửi câu hỏi đến Luật Nghiệp Thành như sau: “Tôi tên N, hiện đang sống tại Hội An, Quảng Nam. Nay tôi muốn mở một cơ sở để kinh doanh quán ăn. Tôi có nghe mọi người nói rằng muốn mở nhà hàng phải có giấy phép Vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên lại không biết phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục ra sao. Mong Luật sư tư vấn”

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi trên, chúng tôi sẽ có những giải đáp như sau:

Đầu tiên, chị cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với hộ kinh doanh) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu chị chỉ muốn mở một quán ăn nhỏ, tại một địa điểm duy nhất thì có thể thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh. Bởi vì nó sẽ đơn giản về thủ tục thuế và quản lý sau này. Chị có thể tham khảo bài viết Nên mở hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp? và Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trên Website tuvanluat.vn của chúng tôi.

Còn trong trường hợp chị có một định hướng lớn hơn, muốn thành lập nên một nhà hàng lớn hay một chuỗi nhà hàng thì chị nên lựa chọn phưng án là thành lập công ty. Việc thành lập công ty sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chị hơn trong trường hợp kinh doanh với quy mô lớn và phát triển thương hiệu. Với bài viết Phân biệt các loại hình doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giúp chị dễ dàng đưa ra được quyết định chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Sau khi đã có Giấy chứng nhận hộ kinh doanh cá thể/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với ngành nghề đăng ký kinh doanh liên quan đến dịch vụ ăn uống như nhà hàng, quán ăn thì chị cần phải tiến hành thực hiện bước tiếp theo, đó là xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó có 2 vấn đề mà chị cần phải chuẩn bị đầy đủ đó là: Thứ nhất: Chuẩn bị và nộp hồ sơ; Thứ hai, Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất để đón tiếp đoàn điểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thành phần hồ sơ: Cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm[1] theo Mẫu[2];
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[3];
  3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm[4] theo Mẫu[5], bản thuyết minh này nên bao gồm:

+ Sơ đồ, bản vẽ của mặt bằng kinh doanh và các khu vực xung quanh. Đặc biệt là khu vực bếp, bởi đây chính là khu vực mà mọi người quan tâm nhất ở một cơ sở kinh doanh đồ ăn.

+ Quy trình chế biến, bảo quản và phân phối thực phẩm: Quy trình này nên đảm bảo nguyên tắc “một chiều”, tức là nguyên liệu, đồ ăn sống đi vào một chiều và đồ ăn chín, các sản phẩm phục vụ cho khách hàng sẽ được đưa ra theo một chiều khác, hai chiều này không bị lẫn lộn vào nhau sẽ đảm bảo được vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm.

+ Hệ thống, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh chế biến, bảo quản, trưng bày thức ăn: Đảm bảo khu bếp luôn sạch sẽ, thoáng mát; đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc chế biến và phân phối đồ ăn.

  1. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và những người trực tiếp chế biến, bán thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp[6];

Lưu ý: Đối với những vùng đang diễn ra dịch bệnh tiêu chảy thì phải có thêm phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp chế biến thức ăn[7].

  1. Danh sách đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của những người trực tiếp chế biến, bán thực phẩm[8] có xác nhận của chủ cơ sở[9].

Trình tự thực hiện:

Document

Bước 1: Nộp 01 bộ hồ sơ như đã nêu trên tại bộ phận “một cửa” – Chi cục An toàn thực phẩm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở/nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc nộp hồ sơ trực tuyến[10].

Bước 2: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận sẽ xem xét tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sợ. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ theo quy định thì sẽ có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung đến người nộp hồ sơ[11].

Lưu ý: Nếu quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ nếu cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận sẽ huỷ hồ sơ.

Bước 3: Trong trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục sẽ thành lập đoàn thẩm định (hoặc ủy quyền thẩm định) và lập Biên bản[12] thẩm định. Đoàn thẩm định sẽ có từ 3 – 5 người (trong đó có ít nhất 2 người làm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm).

Tại bước này, để việc kiểm tra được suôn sẻ hơn, chị cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp đón đoàn: Cần dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ quán ăn, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến nguồn nguyên liệu nhập vào. Ví dụ như việc nhập thịt, cá, rau, củ…thì chị cần phải có hợp đồng đối với đơn vị cung cấp nguyên liệu cũng như bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp đó. Khu bếp cần có sự phân chia rõ ràng giữa dụng cụ; khu bảo quản thức ăn sống và khu bảo quản thức ăn chín. Nơi để rác cần phải bố trí ở một nơi kín đáo, không bừa bãi và bị bốc mùi.

Sau khi đoàn kiểm tra đã kiểm tra các giấy tờ và hiện trạng của cơ sở kinh doanh quán ăn thì đoàn sẽ lập Biên bản thẩm định. Nếu cơ sở vật chất và giấy tờ đảm bảo thì trong Biên bản sẽ được ghi nhận là “đạt yêu cầu”. Còn trong trường hợp, cơ sở kinh doanh chưa đạt yêu cầu và có thể khắc phục được thì đoàn sẽ ghi rõ lý do, yêu cầu và thời hạn khắc phục (thời hạn khắc phục không quá 30 ngày) vào Biên bản.

Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định cơ sở kinh doanh là “đạt yêu cầu” thì chị sẽ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm[13]. Còn trong trường hợp cơ sở chưa đạt yêu cầu, chị cần tiến hành khắc phục và báo cáo kết quả phắc phục để đoàn xuống thẩm định lại[14].

Lưu ý: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm chỉ có thời hạn 3 năm[15] và 6 tháng trước khi hết hiệu lực, nếu tiếp tục hoạt động kinh doanh thì cơ sở sản xuất kinh doanh cần nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận[16].

Các bạn có thể tham khảo bài viết Quy trình cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng tôi.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 36.1.(a) Luật An toàn thực phẩm 2010

[2] Mẫu số 01a ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BCT

[3] Điều 36.1.(b) Luật An toàn thực phẩm 2010

[4] Điều 36.1.(c) Luật An toàn thực phẩm 2010

[5] Mẫu số 02b ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BCT

[6] Điều 36.1.(d) Luật An toàn thực phẩm 2010

[7] Điều 5.2 Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[8] Điều 36.1.(đ) Luật An toàn thực phẩm 2010

[9] Điều 6.2.(c) Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[10] Điều 6.3.(a) Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[11] Điều 6.3.(b) Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[12] Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[13] Điều 6.3.(d) Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[14] Điều 6.3.(đ) Nghị định 155/2018/NĐ-CP

[15] Điều 37.1 Luật An toàn thực phẩm 2010

[16] Điều 37.2 Luật An toàn thực phẩm 2010

 

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*