Các trường hợp nhà ở, công trình không được chứng nhận quyền sở hữu
Các trường hợp nhà ở, công trình không được chứng nhận quyền sở hữu
Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất là giấy tờ quan trọng thể hiện việc sử dụng đất, nhà ở, công trình hợp pháp. Bên cạnh quyền sử dụng đất thì nhà ở, công trình gắn liền với đất cũng được công nhận quyền sở hữu khi tài sản hình thành và có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhà ở, công trình trên đất cũng được công nhận.
Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ làm rõ nội dung trên.
Các trường hợp nhà ở, công trình không được chứng nhận quyền sở hữu khi cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:[1]
1. Thửa đất cần chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình, tài sản gắn liền không đủ điều kiện được cấp GCN quyền sử dụng đất.
Điều kiện được cấp GCN quyền sử dụng đất như sau:[2]
+ Người đang sử dụng đất ổn định và có các giấy tờ về quyền sử dụng đất trước 15/10/1993; giấy tờ về thừa kế, tặng cho; giấy tờ chuyển nhượng, mua bán, thanh lý, hóa giá;…
+ Nếu các giấy tờ trên ghi tên người khác nhưng trước ngày 1/7/2014 chưa thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.
+ Nếu không có các giấy tờ trên nhưng sử dụng đất ổn định trước ngày 1/7/2004; không vi phạm pháp luật đất đai; đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt.
+ Người sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án, văn bản công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
+ Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014 mà chưa được cấp GCN.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi mua bán bằng giấy viết tay
Cấp Sổ đỏ cho người sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận QSDĐ
2. Nhà ở, công trình xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng tranh tre, nứa, lá, đất hoặc là công trình phụ trợ như nhà để xe, bể nước, tường rào,…nằm ngoài phạm vi công trình chính.
3. Nhà ở, công trình đã có thông báo, quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất.
4. Nhà ở, công trình xây dựng sau khi có công bố cấm xây dựng hoặc xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa.
5. Nhà ở, công trình xây dựng sau khi có quy hoạch được phê duyệt nhưng khi cấp GCN thì không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu nhà ở, công trình có giấy phép xây dựng có thời hạn[3] thì vẫn được cấp GCN.[4]
Đây là quy định mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi có quá nhiều dự án quy hoạch treo, không thực hiện đúng tiến độ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi không được xây dựng mới nhà ở, công trình. Do đó, Luật Xây dựng mới đã cho phép người dân được đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nếu sau 3 năm sau khi có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chưa thu hồi đất; chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ mà không công bố.[5]
Bạn đọc xem thêm bài viết Những trường hợp phải có giấy phép xây dựng đối với nhà ở
6. Nhà ở, công trình thuộc sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu các tài sản là phần vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp thì vẫn được cấp GCN.
Doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp theo hình thức công ty TNHH, Công ty cổ phần.[6] Ở các doanh nghiệp này, nhà nước là một thành viên của công ty, là chủ đầu tư cùng góp vốn với chủ đầu tư khác nên bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như các thành viên khác. Do đó, tài sản sau khi góp vốn được chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.[7]
7. Chủ sở hữu nhà ở, công trình không có giấy tờ chứng minh việc xây dựng hợp pháp như là giấy phép xây dựng, giấy tờ mua bán, thừa kế, tặng cho, bản án, quyết định của Tòa án,…[8]
8. Nhà ở, công trình do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết Thủ tục đăng ký đất đai lần đầu (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Các trường hợp nhà ở, công trình không được chứng nhận quyền sở hữu”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 35 Nghị định 43/2014/NĐ-CP
[2] Điều 100, Điều 101.2 Luật Đất đai 2013
[3] Điều 3.18 Luật xây dựng 2014: Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch quy hoạch xây dựng.
[4] Điều 1.16 Nghị định 148/2020/NĐ-CP
[5] Điều 1.33 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xây dựng 2020
[6] Điều 6.3 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020
[7] Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020
[8] Điều 31, Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP