Các trường hợp được đổi tên trên Giấy khai sinh

Các trường hợp được đổi tên trên Giấy khai sinh

Các trường hợp được đổi tên trên Giấy khai sinh. “Cái gì của mình nhưng người ta lại dùng nhiều hơn mình?” – Là câu đố khá phổ biến trong dân gian Việt Nam nhằm ám chỉ cái tên[1]. Về lý thuyết, cái tên sẽ theo bạn đến cuối đời. Nhưng cũng có những trường hợp mà bạn muốn (hoặc bắt buộc phải) đổi tên.

Lấy một ví dụ với một cặp vợ chồng vừa mới sinh được cô con gái. Người chồng tự mình đi đăng ký khai sinh và đặt tên cháu là Vy. Sau khi đăng ký xong thì người vợ không đồng ý vì nhận ra tên này là tên người yêu cũ của chồng mình. Câu hỏi được đặt ra là liệu người vợ có thể yêu cầu đổi tên cho con mình hay không? Chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp câu hỏi vừa nêu thông qua bài viết này.

1.Tên của một người từ đâu mà có?

Tên của một cá nhân sẽ hình thành trên hai cơ sở: được đặt, và được thay đổi.

Với trường hợp đầu tiên, thông thường sẽ là cha mẹ đặt cho con cái. Hoặc trong trường trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì tên của trẻ em được người giám hộ[2], người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng đặt cho[3].

Tên được đặt hoặc được thay đổi phải tuân theo các nguyên tắc[4] nhất định:

  • Không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự[5];
  • Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Ngoài ra người dưới 18 tuổi muốn thay đổi họ tên cần có sự đồng ý của người giám hộ[6] (thông thường là cha hoặc mẹ, hoặc cả hai), việc thay đổi tên cho người từ đủ 09 – dưới 18 tuổi cần được người này đồng ý[7].

Trường hợp thứ hai là tên được hình thành thông qua việc thay đổi tên gọi. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chỉ cho phép đổi tên trong một số trường hợp nhất định. Quy định này nhằm mục đích hạn chế tình trạng “thích thì đổi tên” của cá nhân, gây khó khăn trong hoạt động quản lý hộ tịch (theo quy định hiện hành, Giấy khai sinh là giấy tờ Hộ tịch gốc[8], đổi tên đồng nghĩa với việc thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh. Sau đó tất cả các giấy tờ khác như: CMND, hộ chiếu, visa, bằng lái xe, bằng tốt nghiệp…đều phải được cập nhật cho đúng với cái tên mới[9]).

2.Trường hợp nào được đổi tên?

Hiện nay chỉ có 07 trường hợp được phép đổi tên, tên sau khi thay đổi vẫn phải đảm bảo các điều kiện như khi đặt tên khai sinh.:

  1. Thay đổi tên theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó;

VD: Đa số các gia đình Việt Nam đều tránh việc đặt tên con cháu trùng với tên ông bà, tổ tiên. Họ cho rằng nếu đặt trùng tên sẽ là phạm húy[10] vì do truyền thống văn hóa của người Việt, con cái thường kiêng gọi tên thật của ông bà, tổ tiên.

  1. Thay đổi tên theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

VD: Gia đình anh Nguyễn Văn A nhận nuôi cháu Lê Thị B. Khi đó anh A có quyền thay đổi cả họ và tên cho cháu B.

Document
  1. Thay đổi tên theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

VD: Anh A là người yêu cũ của chị B (hiện tại là vợ anh C, B và C có một cô con gái là D). Anh A yêu cầu xét nghiệm ADN để xác định cháu D có phải là con của anh hay không. Sau quá trình xét nghiệm, xác định được D là con mình, anh A khởi kiện tại Tòa án và giành được quyền nuôi con. Lúc này anh A có quyền đổi họ và tên của cháu D.

  1. Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

VD: Anh A là người con thất lạc của nhà họ Nguyễn, sau khi tìm ra được họ gốc của mình anh có thể yêu cầu thay đổi họ và tên của bản thân.

  1. Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

VD: Chị A là người Việt, kết hôn với anh John quốc tịch Mỹ, sau khi kết hôn chị A muốn đổi tên để chuyển sang Mỹ định cư.

  1. Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

VD: A có bề ngoài như phụ nữ, bên ngoài bộ phận sinh dục cũng có hình dáng giống nữ tuy nhiên không có âm đạo và buồng trứng, mà thay vào đó là lỗ niệu đạo. A tiến hành xác định lại giới tính thì được xác nhận là nam do có nhiễm sắc thể giới tính XY. A lúc này có quyền yêu cầu thay đổi tên cho phù hợp.

  1. Thay đổi tên trong các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

VD: Đây là trường hợp đặt tên khi khai sinh cho con; thay đổi tên cho con dưới 18 tuổi; người từ đủ 18 tuổi có nhu cầu đổi tên.

Trở lại với tình huống ở đầu bài viết, để có thể thực hiện thủ tục thay đổi tên con mình theo ý muốn, người vợ cần chuẩn bị[11]:

  1. Tờ khai theo mẫu;
  2. CMND của bản thân;
  3. Giấy khai sinh (bản chính) của con mình;
  4. Giấy tờ làm căn cứ chứng minh cho việc đổi tên.

Sau đó nộp hồ sơ đến UBND cấp xã[12], nếu nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, UBND cấp xã sẽ trả lời sau 03 ngày (và tối đa không quá 06 ngày nếu cần xác minh[13]). Tuy nhiên để đổi tên được cho con, trong hồ sơ chị nhất định phải đưa ra được lý do hợp lý thuộc 07 trường hợp luật định để thuyết phục cán bộ đăng ký Hộ tịch chấp nhận. Chẳng hạn nếu dựa vào quy định của trường hợp thứ 7 phía trên là “Thay đổi tên trong các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”, chị sẽ có hai căn cứ[14]:

Thứ nhất: do lỗi từ phía cán bộ hộ tịch. Trường hợp này cần đưa ra được chứng cứ chứng minh, chẳng hạn tên chồng chị ghi lúc đăng ký khai sinh trong tờ khai là Vi, nhưng do cán bộ hộ tịch nhập sai thành Vy.
Thứ hai: do lỗi từ phía người yêu cầu đăng ký hộ tịch (tức chồng chị). Trường hợp này chị cần thuyết phục anh đến cơ quan đăng ký hộ tịch trình bày lý do nhầm lẫn. Việc vẫn để tên con là Vy trùng với tên của người yêu cũ của chồng chị sẽ ảnh hướng đến hạnh phúc gia đình chị, có thể dẫn đến ly hôn, tác động xấu trực tiếp đến cuộc sống của con chị. Nếu cán bộ đăng ký hộ tịch chấp thuận, thủ tục thay đổi tên trên giấy khai sinh cho cháu mới có thể được thực hiện.

Hoặc chị cần đưa ra các chứng cứ chứng minh tên Vy không phải là tên mà hai người đã thỏa thuận đặt tên cho con từ trước (nếu có). Bằng chứng có thể là giấy thỏa thuận, tin nhắn, ghi âm…Nếu không đáp ứng được điều kiện nào vừa nêu, chị sẽ phải cân nhắc đến việc dựa vào các trường hợp được cho phép khác.

Trường hợp hai vợ chồng vẫn không thỏa thuận được với nhau về vấn đề đổi tên khai sinh cho con hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch không đồng ý cho chị thay đổi tên con trên giấy khai sinh thì chị có thể khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề Các trường hợp được đổi tên trên Giấy khai sinh.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Tên được nhắc đến ở đây (và về sau của bài viết này) sẽ được hiểu là tên trên Giấy khai sinh, được cơ quan nhà nước quản lý. Còn những loại tên khác như: biệt danh, tự, bút danh, bí danh, pháp danh…sẽ không thuộc phạm vi bài viết này. Bài viết này cũng sẽ chỉ đề cập đến vấn đề đổi tên mà không đề cập đến việc thay đổi họ hay tên đệm.

[2] Xem Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Điều 15.1 Luật Hộ tịch 2014.

[4] Điều 26.3 Bộ luật Dân sự 2015.

[5] Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.

[6] Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

[7] Điều 28.2 Bộ luật Dân sự 2015. Có thể hiểu, cha mẹ hoặc người giám hộ khác không có quyền đổi tên đối với người trên 18 tuổi, vì khi đó họ đã có đầy đủ các quyền dân sự.

[8] Điều 6.1 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

[9] Đây là quyền và nghĩa vụ của công dân. Xem thêm Điều 6.1 Luật Hộ tịch 2014.

[10] Xuất phát từ tục lệ thời xưa, thần dân không được phép dùng, hay gọi tên thật của vua. Phạm húy có nghĩa là vi phạm điều này.

[11] Điều 28 Luật Hộ tịch 2014.

[12] Điều 27 Luật Hộ tịch 2014.

[13] Điều 28 Luật Hộ tịch 2014.

[14] Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

 

 

 

Document
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*